Hôm ấy, khoảng giữa tháng Chạp năm Đinh Mùi - 1967. Tôi chân ướt chân ráo từ mặt trận Bình Long vừa trở về cơ quan Báo Giải Phóng tại căn cứ kháng chiến ở tỉnh Tây Ninh thì được thông báo chuẩn bị gấp để đi công tác tiếp. Lãnh đạo Báo chỉ cho biết lần này tôi đến T4 (Khu Sài Gòn - Gia Định) và dặn tôi lên thẳng B9 sẽ rõ.
Khoác ba lô theo chiến sĩ giao liên lên B9 (cơ quan Ban Tuyên huấn Trung ương Cục) để nhận nhiệm vụ, tôi ngạc nhiên thấy nhà báo Hồng Châu (Thép Mới) đang đợi tôi tại một căn hầm lợp lá trung quân. Hồi đó, anh Thép Mới là đặc phái viên của Trung ương Đảng về báo chí tại miền Nam.
Từ lâu, cánh làm báo trẻ chúng tôi rất kính trọng, quý mến anh về tài năng, đức độ và sức làm việc. Ở chiến trường, chúng tôi thường thân mật gọi anh là “anh Thép” hoặc “anh Năm” (Năm Hồng Châu).
Nhiều anh em phóng viên mong muốn mà chưa có dịp đi công tác cùng anh để vừa góp phần phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vừa được học hỏi kinh nghiệm của một nhà báo có uy tín thuộc lớp đầu của Báo Nhân Dân, một cây bút tầm cỡ lớn của báo chí cách mạng nước ta. Vậy mà lần này, tôi có may mắn ấy.
Vẫn tác phong nhanh nhẹn, cởi mở, giản dị, dễ gần, anh Thép Mới ân cần thăm hỏi sức khỏe của tôi vì biết tôi vừa thoát khỏi trận ném bom dữ dội của máy bay Mỹ ở bìa rừng trước khi đến đây. Anh thông báo vắn tắt mấy nhiệm vụ giao cho tôi và dặn dò: “Chuyến đi này là chuyến công tác đặc biệt, vì anh em mình đều hoạt động công khai ngay giữa nơi tập trung các cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy. Bọn chúng kiểm soát cực kỳ gắt gao bằng nhiều lực lượng, phương tiện kỹ thuật hiện đại, với những thủ đoạn tinh vi, đòi hỏi ta phải tuyệt đối bí mật, vững vàng, mưu trí và khỏe về mọi mặt.
Nhóm của ta chỉ có tôi với Cao Kim và một chiến sĩ bảo vệ khi hành quân. Lúc nào gần tới nơi, căn cứ vào tình hình thực tế, tôi sẽ giao công việc cụ thể hơn cho cậu”.
Ba chúng tôi rời căn cứ lúc chập tối. Mặc máy bay phản lực Mỹ gầm rít trên đầu, cô giao liên tên Hương vẫn bơi xuồng đợi đón chúng tôi đúng hẹn bên thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông. Xuồng chúng tôi lặng lẽ nối theo đoàn xuồng chừng mười chiếc chở đầy các chiến sĩ Giải phóng vừa nhô ra từ những tán lá rừng lòa xòa ven sông, cùng lướt xuôi miền hạ.
Chừng nửa đêm, chúng tôi rời xuồng, lên bờ đi bộ. Đêm tháng chạp, trăng mờ, gió nhẹ. Theo bước chân anh giao liên quê ở đất thép Củ Chi, chúng tôi lặng lẽ qua những đồng lúa mới gặt, những xóm ấp vắng ngắt, tan hoang, rồi nhập vào đội hình hành quân của một đơn vị du kích. Đây là vùng ta vừa giải phóng.
Tuần trước, địch liều lĩnh đổ cả đại đội biệt kích xuống nơi này định chốt chặn, giành lại “ấp chiến lược” ở ven đường nhưng bị quân ta diệt gọn. Chúng cay cú cho máy bay ném bom, bắn phá liên tục. Pháo lớn từ các căn cứ Mỹ gần đó chốc chốc lại dội tới từng đợt. Đạn pháo nổ đan vào nhau, nháng lửa, chụp xuống các rặng dừa vốn gãy đổ xác xơ bởi những trận bắn phá trước.
Điểm hẹn mà chúng tôi có mặt là một căn hầm được che phủ bởi những tán lá dứa dại um tùm, cạnh bờ kênh trên cánh đồng hoang của tỉnh Long An. Chúng tôi chỉ dừng chân ở đó chừng hơn một tiếng đồng hồ để lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn - Gia Định gặp riêng anh Thép Mới. Sau khi làm tròn nhiệm vụ, đồng chí chiến sĩ bảo vệ bàn giao công việc cho giao liên, lưu luyến chào thủ trưởng Thép Mới, chia tay tôi và mọi người rồi quay trở lại chiến khu.
Từ đây, chỉ có anh Thép Mới và tôi tiếp tục cuộc hành quân cùng các nhóm công tác khác. Tôi tưởng vậy, nhưng ngay sau đó, anh lại có lệnh tách khỏi đoàn để đi theo đường dây đặc biệt. Ngồi khuất bên bụi dứa già, anh Thép Mới tranh thủ thông báo với tôi đôi nét mới nhất về tình hình Sài Gòn.
Anh giao cho tôi một số việc cụ thể về nghiệp vụ báo chí mà anh dự kiến hai người phải ráo riết chuẩn bị khi hoạt động riêng rẽ trong các tình huống phức tạp tại đô thị sắp tới.
Anh bảo tôi đọc nhanh để tham khảo một tài liệu quan trọng, gồm ba trang đánh máy, rồi đốt ngay tại chỗ. Đoạn, anh rút túi đưa cho tôi tấm vải dù hoa màu xanh lá cây loang lổ - loại dù rất mềm và dày, bọn Mỹ thường dùng để thả hàng hóa từ máy bay xuống cho binh lính của chúng tại trận địa.
“Đây là chiến lợi phẩm của Quân Giải phóng vừa tặng tôi. Mình cắt làm đôi, dùng một nửa, còn một nửa tặng cậu. Tấm dù này chắc cậu sẽ dùng được nhiều việc - Nhìn thẳng vào mắt tôi, anh nói nhỏ, giọng hơi trầm - Hãy ráng lên, Cao Kim nhé! Ta sẽ gặp nhau ở điểm hẹn mới” - anh nói.
Đón nhận tấm vải dù từ tay nhà báo Thép Mới trước lúc tiến sâu vào vùng địch, tiếp cận mục tiêu lớn, tôi không nén nổi xúc động trước sự tin cậy và chăm lo đầy tình anh em, đồng chí, đồng nghiệp của anh đối với mình.
Chiều cuối năm, nắng nhạt. Chia tay anh Thép Mới, tôi nhập vào đoàn công tác của T4 tiếp tục vượt bưng biền Long An. Ngoài những thứ đang đeo lỉnh kỉnh trên người, tôi còn phải mang thêm 3 băng đạn AK và một trái đạn B40 nặng chừng hơn 4 ký lô (theo quy định bắt buộc đối với tất cả mọi người qua đường dây này) để vụ phục vụ mặt trận.
Chúng tôi chống gậy, vừa đi vừa chạy, cực nhọc suốt đêm để vượt qua “cánh đồng chó ngáp”- một phần của đồng Tháp Mười bạt ngàn cỏ dại, chằng chịt kênh, rạch và không một bóng người.
Nửa đêm về sáng, sau khi qua vùng đất hoang hóa, khô cằn, chúng tôi cố sức lội tiếp mấy cánh đồng lầy ngập cỏ, lác, nơi nào cũng ngột ngạt mùi hóa chất độc do máy bay Mỹ mới rải. Hết lội bì bõm dưới bưng sình lại qua những vạt rừng tràm cháy rụi vì bom đạn, chỉ còn trơ trụi gốc với vô vàn rễ cụt lớn, nhỏ, khô sắc, nhọn như những mũi chông chĩa ra tua tủa.
Chúng tôi men theo bìa rừng chi chít hố bom đìa; lúc quẹo qua bên trái, lúc tạt qua bên phải; nhiều khi phải ngồi ép mình trong các hố cạn hoặc những vũng sình cạnh gốc tràm để tránh pháo bầy, pháo chụp và máy bay lên thẳng Mỹ ngó nghiêng, soi mói. Bám sát đội hình, cùng đồng đội dò dẫm đi dưới ánh pháo sáng chập chờn của địch, tôi càng thấy tác dụng khi choàng tấm vải dù ngụy trang do anh Thép Mới tặng.
Thêm một ngày nữa, chúng tôi cùng các chiến sĩ du kích “ém quân” trong rừng tràm rậm rạp để tránh các tàu tuần tra trên sông của địch. Tối hôm sau, tôi rời xuồng theo giao liên tới nơi cần đến. Đó là khu phố nhỏ sát bờ sông, tấp nập ghe, xuồng, thuộc phường Bến Đá, quận 7, Sài Gòn. Vào một căn nhà nhỏ ở cuối hẻm, tôi thật mừng khi gặp anh Thép Mới và mấy anh cán bộ lãnh đạo của Khu ủy đang ở đó.
Trong một tiệm may - cơ sở mật của ta, chỉ cách đồn cảnh sát địch chừng 500 m (đã bị ta vô hiệu hóa), anh Thép Mới lại thông báo nhanh với tôi về tình hình Sài Gòn và dặn thêm một số việc để chuẩn bị ra báo khi có điều kiện. Anh yêu cầu tôi nhớ kỹ, không được ghi chép. Tôi nhập tâm các việc anh giao.
Chỉ trong chốc lát, với sự khéo léo, chu đáo của anh em cơ sở, cả anh Thép Mới và tôi nhanh chóng thay hình đổi dạng, từ người “miệt rừng” trở thành dân đô thị: Anh Thép Mới đạo mạo trong bộ đồ lớn, tóc chải mượt, giày da bóng láng, bệ vệ như một nhà tư sản bụng bự.
Còn tôi, cũng rõ dáng anh chàng chụp hình dạo tại vườn hoa. Cả hai anh em đều đủ giấy tờ tùy thân (dĩ nhiên là giấy giả, mang tên khác), có chữ ký của quận trưởng hẳn hoi. Thẻ căn cước ghi anh ngụ tại quận 5, tôi là “dân” quận 7.
Theo hướng dẫn của cơ sở, anh Thép Mới và tôi phải tách ra, mỗi người ở một phố khác nhau, luôn thay đổi nơi dừng chân, thời gian đi lại và cách ăn mặc để tránh sự theo dõi của địch. Đi sâu vào trung tâm thành phố ngày giáp Tết giữa những dòng người và xe cộ tấp nập, tôi hồi hộp làm quen với địa bàn mới, cơ sở mới, sẵn sàng đối mặt với những hiểm nguy giữa hang ổ giặc.
(Còn nữa)