Xác định là một trong những nội dung trọng tâm nên tỉnh Lai Châu đã có nhiều giải pháp ưu tiên triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025.
Lai Châu có dân số khoảng trên 484 nghìn người, gồm 20 dân tộc sinh sống, trong đó có 4 dân tộc: Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù.
Toàn tỉnh hiện vẫn còn 4 huyện nghèo, 54 xã và 558 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 28,54%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số lên tới 99,07%. Do đó, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đặc thù.
Ngay từ khi chương trình được khởi động, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo các cấp từ tỉnh đến cơ sở được tỉnh triển khai kịp thời, đồng bộ. Ban Chỉ đạo các cấp đã ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Đồng thời, công tác phối hợp giữa cơ quan chủ quản Chương trình với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố được thực hiện chặt chẽ, kịp thời. Công tác kiểm tra, giám sát được coi trọng để kịp thời hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao đảm bảo đúng quy định hiện hành và tiến độ được giao.
Trong 3 năm 2021 - 2023, tỉnh Lai Châu được giao tổng kế hoạch vốn để thực hiện Chương trình trên 1.559 tỷ đồng, trong đó: vốn sự nghiệp gần 780 tỷ đồng, vốn đầu tư trên 779 tỷ đồng.
Đến tháng 6/2023, tỉnh đã giao bổ sung kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ 100% kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023 cho các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố để tổ chức thực hiện. Kết quả giải ngân vốn đầu tư của Lai Châu đạt khá cao (43%); đồng thời trên 14 tỷ đồng vốn sự nghiệp cũng đã được thực hiện.
Việc triển khai có hiệu quả Chương trình có ý nghĩa, vai trò quan trọng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh miền núi, biên giới Lai Châu; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách đồng bộ, từng bước làm thay đổi diện mạo của vùng; bảo đảm an sinh xã hội cho hộ nghèo dân tộc thiêu số; thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập cho đồng bào so với mức bình quân chung của tỉnh.
Vừa qua, tại hội nghị sơ kết 3 năm kết quả thực hiện Chương trình các tỉnh, thành phố phía Bắc do Uỷ ban Dân tộc tổ chức, Lai Châu được ghi nhận là địa phương có tốc độ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao, với mức giảm 3,68%, vượt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao là 3%. Tỉnh có 5 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.
Kết quả này cho thấy, ở Lai Châu, việc triển khai thực hiện Chương trình đã đem lại hiệu quả tích cực trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Tỉnh đã tận dụng thời cơ từ các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc tạo bước phát triển đột phá cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Nhờ có Chương trình, chính sách đại đoàn kết các dân tộc được phát huy. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì ổn định.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý chí tự lực tự cường trong nhân dân, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước được quan tâm đẩy mạnh.
Tỉnh cũng thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ đến cơ sở, giao cho UBND huyện, xã làm chủ đầu tư các công trình xây dựng nhằm tạo sự chủ động và tham gia tích cực của người dân, cộng đồng vào các dự án tại địa phương. Quá trình triển khai Chương trình, phải công khai, minh bạch, dân chủ trong cộng đồng để việc xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung sát với điều kiện ở cơ sở. Thực hiện nghiêm quy chế tập trung dân chủ, tôn trọng ý kiến của nhân dân trong lựa chọn công trình đầu tư, nội dung hỗ trợ, tạo điều kiện để nhân dân tham gia trực tếp vào thực hiện mục tiêu của Chương trình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chấn chỉnh những sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện ở các cấp cơ sở…
Thời gian tới Lai Châu tiếp tục vận dụng những kinh nghiệm tích cực trong giai đoạn vừa qua, thêm vào đó là thường xuyên tổ chức đánh giá tình hình triển khai thực hiện từng công trình, từng dự án để kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về thủ tục, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì mới có thể đẩy mạnh giải ngân vốn của Chương trình nhằm thực hiện thắng lợi hơn nữa mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn mới.