Kinh tế

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới: Kiểm toán Nhà nước kiến nghị nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn

Thái Nhung 02/04/2024 16:23

Qua kiểm toán Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 tại Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) và 13 địa phương trên cả nước, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị chính sách; đồng thời đề nghị các địa phương, bộ ngành có liên quan chấn chỉnh nhiều bất cập, thiếu sót nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư cho chương trình.

Nhiều chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch

Theo kết quả kiểm toán, Bộ NNPTNT triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương (NSTW) và tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương (NSĐP) còn chậm; chậm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành Bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP; chưa hoàn thành việc xây dựng chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá Chương trình MTQG xây dựng NTM theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ. Ngoài ra, việc đôn đốc, lấy ý kiến của một số bộ, ngành đối với dự thảo chưa đáp ứng thời gian theo yêu cầu…

anh-bai-1.jpg
Nhiều địa phương đang rất nỗ lực để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Chung.

Công tác xây dựng phương án phân bổ vốn, giao vốn giai đoạn 5 năm 2021-2025, hàng năm của chương trình còn một số tồn tại trong việc xác định nguồn dữ liệu về số xã đạt chuẩn NTM, số xã khu vực III làm ảnh hưởng tới số vốn NSTW giao cho một số địa phương, một số địa phương đã được bố trí hỗ trợ vốn cao hơn so với phương án rà soát lại 358,39 tỷ đồng, trong khi một số địa phương được bố trí vốn hỗ trợ thấp hơn 150,46 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ NNPTNN chưa chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương liên quan lập kế hoạch chương trình giai đoạn 5 năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), Bộ Tài chính theo quy định. Cũng theo kết quả kiểm toán, đến nay, Bộ NNPTNT chưa nhận được dự toán chi cũng như số liệu quyết toán dự toán ngân sách được giao cho chương trình MTQG của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Tồn tại này đã làm ảnh hưởng đến việc theo dõi, tổng hợp số liệu dự toán giao cho các cấp ngân sách và công tác quyết toán phần dự toán ngân sách nhà nước giao cho các chủ chương trình, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc cơ quan chủ trì chương trình (Bộ NNPTNT) không có đủ cơ sở thực hiện lập báo cáo tổng hợp tình hình kinh phí, quyết toán kinh phí của chương trình để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội theo quy định.

Về phần Bộ KHĐT chậm trình Chính phủ ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; chậm trình Chính phủ thông qua báo cáo phân bổ vốn NSTW năm 2022; chưa hoàn thành thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá chương trình MQTG theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

Còn, Bộ Tài chính chưa tổng hợp, đề xuất phân bổ kinh phí sự nghiệp nguồn NSTW giai đoạn 5 năm cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP để trình Thủ tướng Chính phủ giao cho cơ quan chủ quản chương trình theo quy định.

Một số bộ, ngành liên quan chậm công bố chỉ tiêu cụ thể và ban hành hướng dẫn thực hiện đối với các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025 phần nào làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí về xã, huyện NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu của các địa phương và ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả thực hiện xã NTM, xã NTM nâng cao.

Một số tỉnh chưa thành lập Ban chỉ đạo Chương trình MTQG hoặc chưa hoàn thành kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của Văn phòng điều phối NTM các cấp theo quy định; tổ chức mô hình và cơ chế làm việc của Văn phòng điều phối NTM các cấp tại địa phương chưa thống nhất; chưa ban hành một số văn bản hướng dẫn tổ chức, thực hiện chương trình theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

Ngoài ra, theo Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) Trần Trí Thành – nguyên Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV, Trưởng Đoàn kiểm toán Chương trình NTM giai đoạn 2021-2025, một số địa phương chưa ban hành cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu và các chương trình, dự án khác trên địa bàn theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; chưa lập danh mục chi tiết các dự án thuộc chương trình, danh mục các dự án lồng ghép mục tiêu, đối tượng của chương trình. "Đơn vị tổ chức kiểm toán cho biết, cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu và các chương trình, dự án khác là vấn đề khó và là thách thức chung của các địa phương trong triển khai chương trình. Để có cách làm thống nhất, hiệu quả đòi hỏi Bộ NNPTNT, các bộ, ngành chức năng phải có hướng dẫn, cũng như địa phương phải phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao" – ông Trần Trí Thành cho biết.

Những bất cập này đã làm giảm hiệu quả triển khai Chương trình NTM. Theo thống kê, cập nhật số liệu tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370/8.167 (78%) xã đạt chuẩn NTM, trong đó 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Trong tổng số 20 tỉnh, thành phố có 100% xã đạt chuẩn NTM có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu; đến nay có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm) với 5.724 chủ thể tham gia; có gần 20.500 hợp tác xã nông nghiệp và 19.660 trang trại.

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, so với mục tiêu đề ra theo kế hoạch, nhiều chỉ tiêu trong phát triển NTM còn chậm như việc phát triển các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, xây dựng sản phẩm OCOP…

Nghiêm túc tiếp thu kiến nghị kiểm toán

Trong quá trình làm việc và tiếp nhận kết quả kiểm toán, đại diện Bộ NNPTNT cùng các địa phương cho biết, những kết quả được KTNN chỉ ra là phù hợp, đúng với thực tế triển khai của địa bàn vừa qua; đồng thời cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu, thực hiện theo kết luận, kiến nghị kiểm toán.

anh-2.jpg
Kiểm toán Chương trình MTQG Nông thôn mới là một trong những chuyên đề trọng tâm của Kiểm toán nhà nước. Ảnh: Báo Kiểm toán.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thay đổi tư duy, nhận thức cho người dân về xây dựng NTM, đặc biệt phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị các bộ, ngành trung ương, các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế; huy động tối đa các nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng NTM; từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở nông thôn…

Với vai trò là cơ quan chủ trì, Bộ NNPTNT sẽ nghiêm túc xem xét các vấn đề được KTNN chỉ ra, cũng như kiến nghị, đề xuất của địa phương và đề ra nhiều giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu chương trình đến năm 2025 cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM; ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có khoảng từ 17 - 19 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 60% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn NTM.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới: Kiểm toán Nhà nước kiến nghị nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO