Nhiều quan chức thể thao Việt Nam khẳng định họ đi theo đoàn dự SEA Games chẳng lợi lộc gì, mà lại thêm vất vả, áp lực đủ thứ. Vậy mà những ngày qua, chuyện danh sách đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) có 10 phó đoàn bị giới truyền thông lên tiếng mạnh mẽ đến nỗi Bộ VHTT&DL phải chỉ đạo Tổng cục TDTT rà soát, rút gọn danh sách…
Đoàn thể thao Việt Nam tại một kỳ SEA Games.
Chuyện vốn dĩ đã thành thông lệ
Thực ra chuyện đoàn TTVN có nhiều phó đoàn không phải bây giờ mới được nói tới. Ở những kỳ trước, thường có 7-8 phó đoàn tham dự sân chơi khu vực.
Tuy nhiên, đó là những giải đấu đoàn Việt Nam phải thi đấu ở nhiều địa điểm, tỷ lệ thuận với công việc phải giải quyết rất lớn.
Còn lần này, theo đại diện đoàn TTVN dự SEA Games 29, việc di chuyển giữa các địa điểm thi đấu ở SEA Games 29 tương đối thuận tiện.
Việc ăn ở tại Malaysia lại càng tuyệt vời bởi năm nay dù BTC không xây làng VĐV, nhưng gần như toàn bộ các đoàn thể thao từ lãnh đạo đến VĐV đều được bố trí ăn ở tại các khách sạn 4-5 sao.
Dân trong nghề khi nghe vị lãnh đạo nào đó nói có đông phó đoàn là để “lo cho VĐV tốt hơn”, chỉ biết quay mặt đi mà cười.
Mỗi đội tuyển thể thao, trong đoàn TTVN, đều có một ông “lãnh đội”, HLV chính, dăm ba ông trợ lý, chuyên gia... Chẳng hạn như đội tuyển điền kinh Việt Nam ở SEA Games 29 do ông Dương Đức Thủy - Trưởng bộ môn điền kinh - làm “lãnh đội”, đội cử tạ do ông Đỗ Đình Kháng - trưởng bộ môn cử tạ - làm “lãnh đội”...
Những người đó mới là người nắm chắc nhất lịch trình thi đấu, địa điểm tập luyện và thi đấu, tâm lý VĐV theo từng giờ (chứ không phải từng ngày), cần mang bao nhiêu mỳ tôm, ruốc, mua bao nhiêu trứng, chuối, đi về bằng phương tiện nào, giờ nào, lên xuống xe cùng VĐV từng bước (chứ không phải dõi theo họ từ xa, từ trên khán đài).
Nói tóm lại, những lãnh đội, HLV, chuyên gia (cả về tâm lý, vật lý trị liệu)… mới cần thiết và sát sườn với VĐV, chứ không phải là những ông phó đoàn.
Thực tế thì từ trước tới nay, hiếm có phó đoàn nào xuống sân xử lý sự cố, đòi quyền lợi cho VĐV. Họ chỉ xuất hiện, khi VĐV Việt Nam giành huy chương hay ghi dấu ấn nào đó.
Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, Trưởng đoàn TTVN Nguyễn Hồng Minh khẳng định rằng con số 10 phó đoàn đi theo đoàn TTVN tại SEA Games 29 là quá nhiều.
Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau mà từ trước tới nay, chuyện có đông phó đoàn đã trở thành luật bất thành văn. “Những thành phố lớn, trung tâm lớn, sở thể thao lớn họ đóng góp nhiều VĐV người ta luôn đòi hỏi phải có lãnh đạo đi kèm.
Đây giống như một “chính sách mặt trận”, và một khi chúng ta chưa giải quyết được thì khó có thể tạo được sự thống nhất”- ông Minh nhấn mạnh.
Điều chỉnh cũng như không
Trước vụ việc lùm xùm này, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cùng Thứ trưởng Lê Khánh Hải đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Tổng cục TDTT.
Bộ trưởng giao cho Tổng cục TDTT rà soát lại cơ cấu, thành phần đoàn TTVN tham dự SEA Games, cần ưu tiên thành viên là các VĐV, chuyên gia, HLV và đội ngũ bác sĩ.
Ngay sau chỉ đạo này, Tổng cục TDTT đã làm lại bản danh sách và chốt số lượng Phó Trưởng đoàn chỉ còn 2 người, số còn lại sẽ được đăng ký với vai trò cán bộ đoàn.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT kiêm Trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 29 Trần Đức Phấn cho biết, BTC quy định mỗi đoàn chỉ được đăng ký 1 chức danh trưởng đoàn và 2 phó đoàn. Việc Tổng cục đăng ký 10 phó đoàn như trước chỉ có tính chất nội bộ.
Như vậy là từ 10 phó đoàn, đoàn TTVN chỉ còn 2 phó đoàn đăng ký đúng với chức danh. Một quyết định điều chỉnh mang tính đối phó sức ép dư luận là chính, bởi ai cũng biết, 8 ông phó đoàn kia sau khi không được làm lãnh đạo, vẫn được đi SEA Games theo diện cán bộ. Chỉ có điều, cán bộ thì đoàn TTVN cũng đã có đủ cả, từ hậu cần, y tế, di chuyển, ăn ở…