Sức khỏe

Chuyển biến tích cực về an toàn thực phẩm mùa lễ hội

Đức Trân 18/02/2025 10:25

Mùa lễ hội đang diễn ra trên phạm vi cả nước, thu hút lượng lớn du khách. Tuy nhiên, công tác an toàn thực phẩm tại các khu di tích, nơi thờ tự luôn là vấn đề đáng quan tâm.

Những chuyển biến tích cực

Những ngày qua, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm TP Hà Nội đã khẩn trương tiến hành kiểm tra tại các khu vực tổ chức lễ hội.

bai chinh
Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm khu vực quanh phủ Tây Hồ (Hà Nội).

Gần đây nhất, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn thực phẩm của TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ).

Báo cáo với đoàn kiểm tra số 1, ông Thẩm Ngọc Trung - Trưởng phòng Y tế quận Tây Hồ cho biết, hiện khu vực phủ Tây Hồ có khoảng 27 cơ sở kinh doanh, nhà hàng dịch vụ ăn uống phục vụ du khách. Trước dịp nghỉ Tết Nguyên đán, cơ quan chức năng đã kiểm tra một số hộ kinh doanh trong khuôn viên phủ Tây Hồ; đồng thời yêu cầu các hộ ký cam kết bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Qua đó, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với 3 cơ sở, nhà hàng. Ngoài ra, cơ quan chức năng của quận đang thiết lập hồ sơ để tiến hành xử phạt thêm 2 cơ sở, dự kiến mỗi cơ sở này sẽ bị xử phạt khoảng 8 triệu đồng.

So với các năm trước đây, ông Thẩm Ngọc Trung nhận xét, qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhà hàng tại phủ Tây Hồ đã sự chuyển biến tích cực.

“Từ trước Tết, quận Tây Hồ cũng đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các cơ sở kinh doanh. Cùng với đó, ngay từ đầu năm nay, quận Tây Hồ và phường Quảng An đã tiến hành kiểm tra và xử phạt nghiêm một số cơ sở có vi phạm về an toàn thực phẩm. Do đó, các cơ sở kinh doanh khác cũng đã có sự thay đổi. Đơn cử như hiện nay, nhân viên đều đã có ý thức đeo khẩu trang, găng tay khi chế biến thực phẩm; các nhà hàng đã trang bị tủ kính bày bán, che chắn thực phẩm” - ông Trung cho biết.

Còn tại khu vực tổ chức lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức), báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Trần Ngọc Tráng - Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức cho hay, tại lễ hội chùa Hương năm nay có 97 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.

Hàng ngày, Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban tổ chức lễ hội tiến hành kiểm tra, giám sát và cho các cơ sở ký cam kết các điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, không lấn chiếm lòng, lề đường, đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, an ninh, trật tự, không kinh doanh buôn bán các động vật thú rừng…

Ông Tráng nhận xét, qua quá trình kiểm tra, giám sát cho thấy, các cơ sở kinh doanh thực phẩm cũng đã nghiêm chỉnh chấp hành việc không treo móc thịt, không kinh doanh động vật thú rừng và chỉ được sử dụng một số động vật nuôi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch đầy đủ để chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống chủ yếu là nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình kinh doanh theo thời vụ nên khó khăn cho công tác quản lý.

Không nương tay với vi phạm

Đại diện đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn thực phẩm Hà Nội, ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đánh giá, kiểm tra thực tế tại một số cơ sở dịch vụ ăn uống phục vụ lễ hội, đoàn quan sát thấy, nhân viên các nhà hàng đều đeo khẩu trang, găng tay khi chế biến thực phẩm. Tại các cơ sở bày bán đều có tủ kính đựng bánh, thực phẩm.

Đồng thời ông Phong đề nghị các đoàn kiểm tra của địa phương ngoài việc kiểm tra theo kế hoạch cần tăng cường kiểm tra đột xuất, qua đó kịp thời phát hiện các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, các đoàn không được “nương tay” với vi phạm. Nếu phát hiện vi phạm, đề nghị các đoàn xử lý nghiêm, thậm chí có thể tạm dừng hoạt động cơ sở.

Theo Cục An toàn thực phẩm, mùa lễ hội không chỉ là thời điểm để người dân và du khách tận hưởng những niềm vui mà còn là cơ hội để các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc kinh doanh thực phẩm trong các khu lễ hội thường mang tính chất thời vụ, với nhiều cơ sở, hộ kinh doanh cá thể thiếu chuyên nghiệp và không đảm bảo các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này tiềm ẩn những rủi ro lớn đối với sức khỏe cộng đồng.

Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm và các nghị định hướng dẫn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải tuân thủ một số điều kiện cơ bản để đảm bảo an toàn thực phẩm như điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nhân viên và nguyên liệu chế biến. Khi các cơ sở hoặc cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, mức xử phạt sẽ được áp dụng tùy theo mức độ vi phạm.

Mức phạt quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2021/NĐ-CP. Đặc biệt, đối với tổ chức vi phạm, mức phạt sẽ gấp đôi mức phạt đối với cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển biến tích cực về an toàn thực phẩm mùa lễ hội