Chuyển dần tiền kiểm sang hậu kiểm

Nhật Minh 26/09/2017 08:10

Sáng 26/9 tại Hà Nội, hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính ngành công thương được tổ chức và đã nhận được sự đồng thuận từ phía dư luận, cộng đồng doanh nghiệp về việc Bộ Công thương cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cải cách không đơn thuần là cắt giảm mà quan trọng là không làm phát sinh mới những thủ tục.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh là tạo đà cho doanh nghiệp phát triển.

Vướng điều kiện

Ngành công thương hiện quản lý hơn 28/243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, kiểm soát 155 dịch vụ hành chính công (tương đương 452 thủ tục hành chính (TTHC) ở 4 cấp chính quyền từ Trung ương đến cấp xã) và 1.216 điều kiện kinh doanh trên 27 ngành, nghề (chưa tính ngành, nghề sản xuất, nhập khẩu ô tô là ngành nghề thứ 28).

Bộ Công thương mới đây đã có động thái cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh trên tổng số 1.200 điều kiện kinh doanh được cho là đã tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, tại hội nghị, nhiều DN vẫn thẳng thắn bày tỏ mong muốn Bộ Công thương tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động kinh doanh, bởi vẫn còn khá nhiều điều kiện vẫn đang gây khó cho DN.

Đặc biệt, trong lĩnh vực khí ga, một số quy định tại Nghị định 19 đang còn gây ra những rào cản cho DN ngành này. Đại diện Hiệp hội Gas, ông Đoàn Trọng Thà cho rằng, về các văn bản quy định kinh doanh khí (LPG), trước đây có Nghị định 107/2016/NĐ-CP đã được thay thế bằng Nghị định 19/2016/NĐ-CP điều chỉnh thêm 2 mặt hàng là khí thiên nhiên nén và khí thiên nhiên hoá lỏng.

Theo đó, các giấy chứng nhận đủ điều kiện càng tăng thêm, tăng gấp 3 lần. Do đó, vị này đề nghị dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế NĐ 19 cần nhanh chóng ban hành. Vì hiện một số DN kinh doanh khí cho rằng nếu không thay thế nhanh, các DN vẫn phải làm thủ tục kinh doanh theo NĐ 19. Khi làm đã rất tốn kém rồi nhưng khi làm xong mà lại thay đổi thì tốn kém nhiều hơn nữa.

Ở một khía cạnh khác, bà Lê Thị Hồng Trinh cho rằng, Bộ cần phân cấp mạnh mẽ hơn cho các sở thay vì “ôm” quá nhiều giấy phép được duy trì từ các nhiệm kỳ trước. Các sở công thương và các DN rất bức xúc vì chờ đợi quá lâu để nhận được một giấy phép. Một vấn đề nữa, theo bà Trinh, thực tế hiện nay việc xuất khẩu vẫn do Hiệp hội Lương thực điều phối thông qua việc ký nháy vào các hợp đồng xuất khẩu, dẫn đến khó khăn trong tiếp cận thị trường.

Đánh giá về động thái cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương, ông Nguyễn Xuân Thành, Tổng Công ty viễn thông Viettel cho rằng, việc cải cách thủ tục hành chính không đơn thuần chỉ là cắt giảm các thủ tục mà còn phải kiểm soát và không làm phát sinh mới các thủ tục không hợp lý.

Phân cấp mạnh mẽ

Lắng nghe các ý kiến của DN, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Công thương cho biết, cho tới nay Bộ Công thương về cơ bản đã xây dựng dự thảo kinh doanh khí và Bộ tư pháp đã thẩm định. Bộ Công thương đã tiếp thu các ý kiến của DN, hiệp hội.

Ông Tân cũng cho rằng, trong quá trình quản lý chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm nên Bộ không thể ôm xuể mà phải phân cấp mạnh mẽ, phân cấp không chỉ trong vấn đề cấp các loại giấy phép mà phân cấp cả trách nhiệm liên quan như quản lý, giám sát địa bàn trong bối cảnh đơn giản hoá thủ tục hành chính...

“Sắp tới, trách nhiệm địa phương đã nặng nay càng nặng nhưng có sự phối hợp đồng bộ giữa trung ương và địa phương, giữa Bộ với các cơ quan địa phương; và quan trọng nhất là cơ chế chia sẻ thông tin. Để có hệ thống thông tin đồng nhất với mục tiêu quản lý nhà nước nhưng tạo thuận lợi cho DN, tự do làm những gì pháp luật không cấm”, ông Tân cho biết.

Về vấn đề xuất khẩu gạo vẫn còn vai trò của Hiệp hội, theo ông Tân, trong dự thảo mới nhất Bộ Công thương trình Chính phủ đã theo hướng tạo điều kiện tự do thuận lợi cho DN kinh doanh xuất khẩu gạo như khi đi đàm phán tự chủ trong ký kết hợp đồng, có một số loại gạo được bãi bỏ mà DN không cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh XK gạo. Khi đó vai trò Hiệp hội chỉ là nắm bắt và cập nhật thông tin để quản lý chung về gạo, cân đối an ninh lương thực trong nước và tăng sức cạnh tranh.

Quy trình chứng nhận hợp quy ông Tân cho rằng là câu chuyện đau đầu liên quan tới việc kiểm tra tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá sản phẩm. Về nguyên tắc, Bộ Công thương với Quyết định số 3610a/QĐ-BCT nhằm cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2017 – 2018 của Bộ trưởng đã cho thấy rõ, hoạt động này chuyển dần từ trách nhiệm kiểm tra của cơ quan nhà nước sang việc DN tự đi kiểm tra, tự công bố hợp quy và tự chịu trách nhiệm với kết quả của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển dần tiền kiểm sang hậu kiểm