Ngày 27/3, tại tỉnh An Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Thế giới phối hợp với UBND tỉnh này đã tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Dự án “Chuyển đổi Đồng bằng sông Cửu Long” nhằm mục đích chuyển đổi sinh kế, giúp người dân ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực thượng nguồn sông Mekong.
Bà Anjali Acharya phát biểu tại hội thảo.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết: Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, 4 tỉnh trong tiểu vùng đối mặt với khô hạn, lũ cao thấp bất thường; chẳng hạn năm 2016 tiểu vùng đối mặt với thực trạng khô hạn, xâm nhập mặn, mưa trái mùa và năm 2018 lũ đến và đi nhanh gây mất cân đối lịch thời vụ, ảnh hưởng đến sinh kế và dân sinh của ngươi dân tiểu vùng.
“Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên đang đối mặt với hiện tượng sụt lún đất, nguồn tài nguyên thuỷ sản tự nhiên bị suy giảm, mất cân bằng đa đạng sinh học đất ngập nước; một số khu bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước còn lại diện tích nhỏ và rời rạc, thiếu những hành lang kết nối với nhau....”, ông Lâm nói thêm.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, các tỉnh trong tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên còn chậm đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chủ trương chủ Chính phủ; sản xuất nông nghiệp còn phân tán, nhỏ lẻ chưa đáp ứng nhu cầu thị trường…
Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên gồm An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ, với diện tích khoảng 500.000 ha, chiếm 20% diện tích vùng ĐBSCL. Đây là khu vực sản xuất nông nghiệp quan trọng với thế mạnh là lúa gạo, thuỷ sản, cây ăn trái của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên có lợi thế giáp biên giới thượng nguồn Campuchia, có lợi thế về nguồn nước cho sản xuất và dân sinh. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tiểu vùng đối mặt với nhiều thách thức trong sản xuất nông nghiệp và đảm bảo sinh kế cho người dân.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, các tỉnh thượng nguồn sông Mekong nằm trong tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên còn đối mặt với thách thức về thị trường, khi cơ sở hạ tầng và logistic cho sản phẩm nông nghiệp còn bị cắt khúc, vừa yếu vừa thiếu đồng bộ; các địa phương trong vùng còn thiếu liên kết và hợp tác trong chuỗi giá trị ngành hàng; mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm nông nghiệp, nhất là gạo, cá tra, tôm, rau màu... còn hạn chế và đầu ra chủ yếu bán sản phẩm thô, khả năng cạnh tranh kém và chưa có thương hiệu mang “tên tuổi vùng miền”.
Đặc biệt, các tỉnh trong tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên còn trùng lập về sản phẩm và cạnh tranh lẫn nhau trong vùng; thiếu kết nối về cơ sở hạ tầng, gây khó khăn trong vận chuyển nông sản, hàng hoá...
Vụ sạt lở sông Vàm Nao (An Giang) đã được khắc phục.
Bà Anjali Acharya, Chuyên viên cao cấp về môi trường của Ngân hàng Thế giới cho biết: Quỹ Khí hậu xanh (CGF) của Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ tài trợ không hoàn lại khoảng 40 triệu USD cho Việt Nam để thực hiện xây dựng Dự án “Chuyển đổi đồng bằng sông Cửu Long”. Đây là một phần của Chương trình tổng thể vùng Đồng bằng sông Mekong cho Việt Nam và Campuchia. Tại Việt Nam, dự án này được chỉ định tập trung vào các tỉnh thượng nguồn vùng ĐBSCL, cụ thể là ở các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên.
Cũng theo chia sẻ của bà Anjali Acharya Dự án gồm 3 hợp phần. Hợp phần 1 là hỗ trợ thực hiện các chính sách liên quan đến tính chống chịu khí hậu cho ĐBSCL; hợp phần 2 là nhân rộng tính chống chịu với biến đổi khí hậu cho các dự án liên tỉnh và hợp phần 3 là quản lý và giám sát dự án. Qua đó, để phục hồi chức năng hệ sinh thái vùng lũ, nhằm hấp thụ nước, cũng như giảm quá trình xâm nhập mặn từ hạ nguồn; xây dựng hạ tầng quy mô nhỏ để tăng cường chuỗi giá trị loại hình nông nghiệp dựa vào mùa lũ. Các giải pháp dựa vào tự nhiên sống chung với lũ tại vùng thượng nguồn…