Chuyển đổi xanh

Minh Thủy 10/11/2022 07:09

Hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu (COP27) đang nhóm họp tại Ai Cập. Một lần nữa những tác động nghiêm trọng khi trái đất ấm lên được báo động khi mà thời tiết diễn biến ngày thêm cực đoan. Mưa lũ, hạn hán, động đất trên diện rộng. Tháng 10 năm nay nhiều nơi tại châu Âu nền nhiệt cao hơn 2 độ C so với trung bình nhiều năm, đã “lấy đi” mùa thu của châu lục này. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường được Việt Nam đẩy mạnh.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (21/2/2022) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cùng Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số (xây dựng hạ tầng số, Chính phủ số, công dân số, phát triển kinh tế số) và đẩy mạnh chuyển đổi xanh, trên tinh thần không đánh đổi môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trường kinh tế đơn thuần.

“Chuyển đổi số” thường được hiểu là một quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các nền tảng công nghệ số. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. “Chuyển đổi xanh” là mô hình tăng trưởng chú trọng vào quá trình phát triển kinh tế đảm bảo bền vững về môi trường. Chương trình tăng trưởng xanh của Việt Nam đã được cụ thể hóa thông qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), nền kinh tế xanh là “nền kinh tế nâng cao đời sống con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời làm giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái”.

Ngày 6/8/2022, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo 231 kết luận Phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Thông báo nêu rõ, thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân. Ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mọi người dân…

Với người dân, doanh nghiệp, “chuyển đổi xanh” được hiểu rất cụ thể là không làm ô nhiễm môi trường; trong trồng trọt, chăn nuôi không dùng hóa chất độc hại tác động xấu tới môi trường và sức khỏe con người. Đầu tư, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thay thế cho nhiệt điện, năng lượng hóa thạch.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu. Điều đó có thể thấy rõ khi triều cường ngày càng dữ dội hơn, xâm nhập mặn vào sâu nội đồng tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tới 80 km. Ngay cả Thành phố Hồ Chí Minh khi gặp triều cường thì nhiều tuyến đường cũng biến thành sông. Mưa bão cũng xuất hiện ngày một cực đoan hơn, hiện tượng bão chồng bão, lũ chồng lũ cũng đã không còn lạ nữa, nhất là với miền Trung. Tại các đô thị lớn, ô nhiễm không khí cũng đã buộc phải đưa ra những cảnh báo.

Nhận thức sâu sắc tác hại của biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu, những năm qua Việt Nam thuộc hàng các quốc gia tiên phong trong việc chuyển đổi xanh, đặc biệt là về năng lượng và trồng trọt, chăn nuôi. Về năng lượng, cùng với thủy điện thì điện gió, điện mặt trời phát triển mạnh, trong khi nhiệt điện (cụ thể là dầu và than) đang dần được thay thế. Còn về trồng trọt, chăn nuôi, khái niệm thực phẩm an toàn đã trở nên quen thuộc, cũng với những cửa hàng bán thực phẩm xanh đang dần nhiều hơn.

Tuy nhiên, chuyển đổi bao giờ cũng khó khăn và không thể ngay lập tức. Chuyển đổi xanh cần phải trở thành nhận thức và hành động của tất cả người dân, nhất là với các doanh nghiệp. Đây đó vẫn còn hiện tượng doanh nghiệp chôn lấp sơ sài những thùng hóa chất đã qua sử dụng, hoặc là xả thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường. Hành vi đó khiến nguồn nước ngầm lẫn nước mặt ô nhiễm. Không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trang trại chăn nuôi “trốn” việc đầu tư xử lý chất thải. Đó là lợi ích cục bộ mà không tính đến lợi ích cộng đồng, không tính đến sự phát triển bền vững.

Nhân đây cũng cần nói thêm rằng, cùng với việc giảm phát thải ra môi trường thì một việc rất quan trọng để “xanh hóa” cuộc sống chính là trồng cây, chăm lo cho “lá phổi xanh”. Mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đó là nội dung chính trong Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 31/12/2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi xanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO