Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy: Không thể cấm xe máy mà không cấm ô tô

HẢI NHI (ghi) 17/04/2022 07:40

Trước lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030 tại Hà Nội và TP HCM. Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy - người đã có gần 40 năm nghiên cứu về lĩnh vực giao thông cho rằng: Đây là một việc khó, theo Nghị quyết 48 Chính phủ vừa ban hành, nếu được triển khai khả thi thì chúng ta còn có nhiều việc phải làm.

TS Nguyễn Xuân Thủy.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, hiện nay, có từ 70-90% người dân đi xe máy, trong khi đó giao thông công cộng chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân. Nếu hạn chế, cấm xe máy, người dân sẽ di chuyển bằng gì, lấy gì đi lại để mưu sinh. Lượng khí xả của xe máy cũng chỉ bằng 1/10 ô tô vì vậy, nếu nói về vấn đề ùn tắc, ô nhiễm thì ô tô mới là nguyên nhân chính chứ không phải xe máy, do đó phải tính toán thật khoa học.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, việc hạn chế xe máy, tạm dừng vận hành xe máy là việc đối xử không công bằng, thiếu tính nhân văn. Bởi, sử dụng xe máy phần lớn vẫn là người lao động, thậm chí họ còn khó khăn. Đó là chưa kể xe máy phù hợp với các “ngõ nhỏ, phố nhỏ” đặc trưng của giao thông Hà Nội.

Không nên coi xe máy là sự nhếch nhác của thành phố. Hơn nữa, khi cấm xe máy người dân sẽ lại chuyển sang đi ô tô, trong khi xe máy chiếm mặt đường chỉ bằng một phần ô tô. Khi toàn bộ người dân chuyển sang đi ô tô sẽ gây ùn tắc hơn gấp 5-10 lần so với hiện nay. Về vấn đề này thì bài học cấm xe máy từ Bắc Kinh (Trung Quốc) là một ví dụ ta cần nghiên cứu. Cũng có thể nói, nếu cấm xe máy mà không nói đến việc hạn chế xe ô tô đi trong nội thành thì sẽ tạo nên sự bất bình đẳng trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Từ đó dẫn đến những phản ứng của người dân và không tạo được sự đồng thuận.

TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, hạn chế xe máy mà không hạn chế ô tô là không công bằng.

Ngoài ra, TS Nguyễn Xuân Thủy nêu thêm nguyên nhân ùn tắc do hạ tầng của chúng ta còn nhiều bất cập, đất dành cho giao thông hiện nay mới được 6-7%, trong khi yêu cầu cần tới 25%.

Bởi vậy, theo TS Nguyễn Xuân Thủy, để hạn chế xa máy, trước hết hạ tầng giao thông phải tốt lên, đường thông hè thoáng. Các cửa ngõ thành phố phải mở rộng ra, xóa các điểm đen giao thông, tăng thêm cầu vượt…Thứ hai, phải phát triển mạnh giao thông công cộng, ít nhất, hệ thống này phải đảm bảo được trên 40%. Đồng thời hệ thống giao thông công cộng cần phải đủ sức hút, để người dân tự động bỏ xe máy thay vì cấm bằng biện pháp hành chính.

Tiếp theo, công tác quản lý phải tốt hơn, quy hoạch, sử dụng giao thông thông minh, điều khiển giao thông hợp lý, khoa học mới có thể giảm bớt ùn tắc. Cần coi trọng việc giáo dục, tuyên truyền ý thức để người dân thấy được ưu điểm của hệ thống giao thông công cộng. Mặt khác, vấn đề quy hoạch đô thị phải được phát triển một cách hài hòa. Các nhà cao tầng phải bớt ở trung tâm, mở rộng, xây dựng thêm các thành phố vệ tinh. Đưa các trường học, các cơ quan, bệnh viện, các viện nghiên cứu ra phía ngoài trung tâm thành phố… Không nên xây dựng quá nhiều nhà cao tầng ở trong khu trung tâm. Phải thực hiện chính sách giãn dân, tăng quỹ đất cho giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy: Không thể cấm xe máy mà không cấm ô tô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO