Chuyên gia Phạm Ngọc Anh - người sáng lập dự án Wake Up Việt Nam: Chọn lối đi phù hợp

CẨM ANH (thực hiện) 12/10/2023 09:18

Thành phố chật chội nhưng bám trụ lại nơi này là cách duy nhất nhiều người có thể làm. Có buồn khổ, luôn canh cánh lo toan nhưng họ cũng không muốn làm mất đi những kỳ vọng của mình về một cuộc sống tốt đẹp.

Chuyên gia Phạm Ngọc Anh.

Giấc mộng đổi đời an ủi cuộc đời bố mẹ khi về già là gánh nặng với những cô cậu thanh niên ngoại tỉnh. Họ dần dần không dám về quê nhiều vì sợ những câu hỏi của bố mẹ, hay hàng xóm - cuộc đời của bố mẹ đôi khi chỉ có niềm tự hào là những đứa con, nếu nói rằng “con thất nghiệp ở thành phố rồi bố ơi, cho con về quê nhé” - nó như ngàn vết cứa vào ước mơ cả đời của bố mẹ.

Cuộc đời của những cô cậu mới chân ướt chân ráo ra khỏi đại học, mong tìm một cuộc sống yên ổn nơi thành thị cũng đâu khác gì chuyện của những du học sinh nơi xứ người. Họ mang theo hành trang của mình, ước mơ của bố mẹ và khát khao thay đổi cuộc sống. Rồi mỗi lần về quê, trên tay lại lỉnh kỉnh những món đồ - cơ man vật chất chứng tỏ sự thành công của một cuộc sống hiện đại. Đôi khi người ta quên đi những nỗi buồn của du học sinh, cũng như bỏ quên cảm xúc của những đứa trẻ sinh ra là người ngoại tỉnh phải chật vật nơi đô thị.

Sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, trên mạng xã hội dấy lên một cuộc tranh luận về việc vì sao cứ phải bám trụ lại thành phố ngột ngạt và đông đúc, chen chúc trong những nhà trọ bình dân tiềm ẩn bao nguy hiểm, mà không về quê sinh sống và lập nghiệp. Khi đặt lại vấn đề đó trong chuyên đề này, chúng tôi rất ngạc nhiên khi nhận ra đây không hề là một câu chuyện phiếm. Đó là nỗi trăn trở của rất nhiều bạn trẻ trước ngưỡng cửa vào đời.

Chúng ta, đôi khi nhìn trên mặt bằng chung của thành phố, nhất là của Hà Nội, thường chỉ thấy một đời sống nhộn nhịp và sung túc. Nhưng có một góc khác của Hà Nội, một mặt bằng khác của những người nhập cư, của người trẻ, của những người lao động đang chật vật kiếm sống ở thành phố.

Thành phố khắc nghiệt khiến bao người tuyệt vọng nhưng chính niềm kỳ vọng lớn lao của mọi người vào bản thân mới khiến chúng ta gục ngã khi cuộc đời chỉ quẩn quanh nơi thành thị. Về quê không được - chúng ta thà để bản thân gục ngã còn hơn để cả gia đình, hàng xóm phải thất vọng, ở lại để mong có ngày khá hơn, chúng tôi cứ quăng quật bản thân giữa thành phố lớn.

Rốt cuộc thì, chúng ta đâu có chọn giữa thành thị hay nông thôn, cũng không phải tiền hay vật chất - ở một nơi sâu thẳm trong hành trình cuộc đời, chúng ta vẫn đang đi tìm những điều sâu xa và ý nghĩa hơn. Thành thị hay nông thôn chỉ là một lớp vỏ, ôm ấp lấy hoài bão của mỗi người. Chúng ta chẳng bao giờ nói: “Ước mơ của cuộc đời em là được sống ở thành phố” mà chỉ đơn giản “em ước có cuộc sống hạnh phúc”.

Tại sao chúng ta lại phải áp lực vì một thứ “công cụ" để đạt được điều khao khát thực sự trong cuộc sống. Có lẽ tôi sẽ không chọn về lại quê nhà, dù đôi khi nhớ khói rơm đến quay quắt - vì tôi tìm được những điều mình muốn nơi đây. Còn nếu bạn đã quá mệt mỏi trong hành trình này rồi, về đi, nơi đâu cũng có niềm vui.

Trong rất nhiều thứ áp lực của tuổi trẻ, áp lực vươn mình ra thành thị khiến nhiều người thấy bế tắc. Nếu không vươn mình được ra biển lớn, hãy cứ làm một dòng sông nhỏ âm thầm chảy không được sao? Những người bạn giỏi giang, họ sống kiên cường trên mọi mảnh đất - họ mở homestay, xây trang trại, phát triển trung tâm tiếng Anh ở quê, làm việc freelancer… Tất cả đều đang có một cuộc sống tốt đẹp, không phải quệt nước mắt giữa đêm rồi tự hỏi: Hay là bỏ tất cả thôi?

Nếu cuộc sống khó khăn quá, bạn có thể chọn cách đứng dậy nỗ lực thêm một lần nữa. Và bạn cũng có thể chọn một con đường khác - về quê không phải từ bỏ khi con đường tới hạnh phúc đâu có phải xa lộ cắt ngang thành phố. Chúng ta chỉ đang chọn một lối đi phù hợp hơn cho cuộc đời này mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyên gia Phạm Ngọc Anh - người sáng lập dự án Wake Up Việt Nam: Chọn lối đi phù hợp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO