Chuyện hậu 20/11: Khi chiếc phong bì 'quay đầu' về chính chủ

23/11/2020 16:00

Mở ba lô của con gái, chị Lê Thị Thủy vô cùng bất ngờ khi bên trong có tập thơ đề chữ "Yêu tặng bé Dâu" kèm chiếc phong bì mà trước đó chị tặng cô giáo dịp 20/11.

Chị Lê Thị Thủy, có con gái đang học tại Trường mầm non Hoa Hồng, Thủ Đức, TP HCM kể, bé chị rất mến cô giáo phụ trách lớp, đi về suốt ngày líu lo kể về cô.

Cô ngoài 40 tuổi, nhẹ nhàng, kiên nhẫn, rất chân thành, thẳng thắn trong giao tiếp với phụ huynh. Mới đây, ngày 20/11, nghĩ có dịp cảm ơn cô, chị Thủy chuẩn bị bó hoa kèm món quà tiện lợi, thiết thực nhất là... phong bì để tặng cô giáo.

Giáo viên, học trò ở TPHCM viết lời tri ân thầy cô.
Giáo viên, học trò ở TP HCM viết lời tri ân thầy cô.

Chị cũng đã nghĩ đến tình huống có thể cô giáo từ chối nên khi mang hoa đến lớp, chị trao nhanh cho cô, lấy cớ mình có việc rồi chào đi ngay. Chị đảm bảo bì thư đã được kẹp một cách tinh tế và chắc chắc.

Ngày hôm sau, soạn ba lô con, chị sững người khi trong đó có tập thơ nhỏ "Bầu trời trong quả trứng" của nhà thơ Xuân Quỳnh đề chữ "Yêu tặng bé Dâu" kèm chiếc phong bì mà chị tặng cô.

Chị Thủy cho biết, mới đầu chị cũng cảm thấy ngại ngần khi bị cô trả phong bì. Nhưng sau đó chị rất nhẹ nhõm cùng sự cảm phục dành cho cô giáo và càng hiểu hơn, sao con mình yêu cô đến thế.

Một trường hợp khác được hiệu trưởng Trường mầm non Vàng Anh, Q.5, TP HCM chia sẻ trong lần giao lưu về nghề giáo.

Hậu 20/11, một ông bố lên gõ cửa phòng hiệu trưởng, kể lể về việc mình bị cô giáo của con... trả lại phong bì.

Khi tặng hoa cho cô, anh cũng tranh thủ trao vội sang cô bì thư như một món quà và cũng là lời gửi gắm.

Khi anh ra bãi gửi xe để về, bất ngờ thấy cô xuất hiện, gọi tên anh. Cô tiến lại, cầm hai tay, trao chiếc phong bì và nói: "Em nhận lãng hoa nhưng em xin phép được gửi lại cái này. Anh yên tâm, em sẽ chăm sóc các con hết sức của mình".

Ông bố cầm lại chiếc bì thư, không tránh được một chút gì đó ngại ngần, hổ thẹn trước thái độ dứt khoát nhưng đầy tình cảm của cô.

TS Nguyễn Thị Thu Huyền, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM chia sẻ, có lần cô đi dạy lớp tại chức ở tỉnh. Danh sách lớp 80 người nhưng ngay buổi đầu tiên, đến lác đác chưa tới 10 người. Cô vẫn dạy bình thường và cũng nói rõ, ai vắng 2/6 buổi tức hơn 30% thì không được thi theo đúng quy chế lúc đó.

Ngay buổi chiều hôm đó, lớp đi học gần đủ sĩ số. Khi hết giờ, lớp trưởng mời đi ăn, cô từ chối. Rồi lớp trưởng lại đưa phong bì, cô từ chối. Những buổi tiếp theo, lớp đông đủ, ai vắng đều xin phép rất đàng hoàng.

Buổi kết thúc, lớp trưởng lại lên tặng quà, cô Huyền xin phép bóc ra ngay trước lớp. Một chiếc hộp bút, cô tiếp tục mở hộp bút thì thấy phong bì cuộn bên trong.

Cô Huyền gửi lại chiếc phong bì cho lớp chỉ đơn giản đó là nguyên tắc của mình "không nhận là không nhận".

Lựa chọn sự thanh thản

Sau một thời gian, hiệu trưởng Trường mầm non Vàng Anh hỏi han cô giáo "từ chối phong bì" được phụ huynh tiết lộ kia.

Cô cười trả lời: "Em không nhận phong bì của bất cứ phụ huynh nào vì công việc của em đã được trả lương. Em muốn giữ cho mình sự thoải mái nhất để đối xử bình đẳng và tốt nhất cho tất cả học trò của mình".

Ngay trong dịp 20/11, hậu 20/11 hay nhiều ngày lễ khác, không ít chiếc phong bì tặng giáo viên được trả về chính chủ với nỗi lòng như vậy.

Việc giáo viên từ chối nhận phong bì, suy cho cùng là lựa chọn của người thầy.

Gửi lại phong bì là họ giữ nguyên tắc cho mình. Phía sau nguyên tắc đó là sự thanh thản, vững vàng với nghề nghiệp mà mình lựa chọn.

Có thể, khi gửi lại chiếc phong bì cũng là cách để giáo viên chủ động từ chối những kỳ vọng vô lý của phụ huynh.

Đồng thời, đó cũng là lời gửi gắm, nhắn nhủ ngược lại phụ huynh hãy yên tâm, các con đã, đang và luôn được đối xử một cách yêu thương và công bằng nhất.

Ở quy mô trường học, không ít trường học ra hẳn quy định giáo viên không nhận quà, tiền từ phụ huynh. Nghe có phần cứng nhắc nhưng đây cũng là quyền chủ động, quyền lựa chọn cần được tôn trọng của nhà trường, của giáo viên.

TS Nguyễn Khánh Trung, Nhà sáng lập Emile Việt Education chia sẻ, ở ta có Ngày Nhà giáo 20/11 phải nói rất sôi động. Nhiều người hướng về thầy cô của mình, cả xã hội rộn ràng, các trường học nhiều hoa, quà.... Đây là một điểm sáng vì vai trò của người thầy trong giai đoạn nào cũng rất quan trọng đối với chất lượng con người của xã hội

Ông cũng bày tỏ quan điểm, cử chỉ hướng về thầy cô là điều luôn cần khuyến khích. Nhưng việc tặng thầy cô những món quà mang tính tiền bạc thì thật sự không nên vì đã vật chất hóa, tiền bạc hóa một ngày thuộc về tinh thần.

Theo TS Nguyễn Khánh Trung, bên cạnh vấn đề cải thiện lương bổng cho nhà giáo, chúng ta cần dành cho người thầy chỗ đứng xứng tầm trong xã hội và lòng người.

Điều này, ngoài các chính sách, cần sự nỗ lực, tình cảm, chia sẻ của chính mỗi người thầy, phụ huynh và cả học trò.

Nhiều tỉnh thành từ chối nhận hoa, quà

Dịp 20/11 vừa qua, nhiều tỉnh thành ra thông báo không nhận hoa, quà.Vào đầu tháng 11, Sở GD&ĐT TP HCM có văn bản gửi đến các sở, ban ngành, đoàn thể, các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn và các cơ quan thông tấn, báo đài với nội dung: Sở không tổ chức tiếp khách và xin phép không nhận hoa, quà chúc mừng nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Sở GD&ĐT hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế cũng thông báo không nhận hoa, không tổ chức tiếp khách và chỉ nhận thiệp chúc mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 qua email.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện hậu 20/11: Khi chiếc phong bì 'quay đầu' về chính chủ