Nổi tiếng từ câu chuyện đạp xe 1.200 km để đưa cha bị thương về quê, cuộc đời Jyoti Kamuri (15 tuổi, một thiếu nữ Ấn Độ) đã có bước ngoặt bất ngờ.
Tháng 5, Jyoti Kumari đã đạp xe 1.200 km trong vòng một tuần để đưa người cha bị thương về quê. Hành trình đầy khó nhọc ấy cho thấy tình thương vô bờ bến của con gái dành cho cha, và cũng nói lên rằng đại dịch Covid-19 làm cho cuộc sống của người nghèo ở đất nước Ấn Độ đã khó càng khó hơn.
Ngược thời gian, hồi tháng 1/2020, một người đàn ông tên là Mohan Kumari, làm lái xe kéo ở Delhi, gặp tai nạn và bị chấn thương, phải điều trị. Ông là bố của cô gái Jyoti. Hay tin, cô đã rời làng quê ra thành phố để chăm sóc cha.
Tuy nhiên, kể từ ngày 25/3, khi lệnh phong tỏa toàn Ấn Độ được ban hành thì cũng là lúc họ cạn tiền. “Tiền sinh hoạt của hai bố con không còn nhiều và chủ nhà trọ gây sức ép lên chúng tôi, nếu không trả tiền phòng sẽ bị đuổi ra ngoài. Vì không có ai thân thích ở Delhi, chúng tôi quyết định về nhà tránh dịch”, Jyoti cho biết.
Nhưng chi phí để về quê rất tốn kém và họ không có khả năng chi trả, vì vậy Jyoti quyết định mua một chiếc xe đạp với giá 500 rupee (6,6 USD). Ngày 10/5, cô và bố bắt đầu hành trình. Họ về nhà an toàn vào ngày 16/5.
“Chúng tôi chỉ có 600 rupee (7,9 USD) khi rời Delhi. Tôi thường đạp xe cả ngày lẫn đêm và chỉ nghỉ khoảng 2 đến 3 tiếng tại trạm xăng mỗi tối. Chúng tôi chủ yếu ăn đồ ăn tại các điểm cứu trợ và được một số người tốt bụng cho thêm trên đường đi” - Jyoti cho biết.
Sự việc nhanh chóng thu hút sự chú ý của cả truyền thông Ấn Độ và quốc tế. Cô gái đã nhận nhiều lời ca ngợi về lòng dũng cảm khi đạp xe chở bố về quê. Jyoti còn được Ivanka Trump - con gái Tổng thống Mỹ Donald Trump - ca ngợi là “kỳ tích tuyệt đẹp về sự bền bỉ và tình cha con”.
Khi tin tức được truyền đi rộng rãi, một quan chức bang Bihar đến thăm Jyoti, kéo theo đó là những đám đông hiếu kỳ tìm đến nhà cô gái ở làng Sirhulli, quận Darbhanga, miền Đông Ấn Độ. Nhiều người đã ủng hộ vật chất cho cô gái, trong đó có người tặng 8 chiếc xe đạp. Hiệp hội Đua xe đạp Ấn Độ đã ngỏ lời chào đón và mời Jyoti tham dự thi đấu chuyên nghiệp. Ngoài ra, cô gái còn ký 2 hợp đồng đóng phim và được trả trước một khoản thù lao.
“Jyoti là biểu tượng của lòng dũng cảm. Với tư cách là một nhà làm phim, tôi muốn hiểu điều gì đã khiến cô ấy đưa ra quyết định táo bạo như vậy”- nhà sản xuất Vinod Kapri cho hay.
Nhờ số tiền được tặng mà gia đình Jyoti đã xây được một ngôi nhà mới với 4 phòng sinh hoạt và một nhà vệ sinh; và món nợ 100.000 rupee (1.354 USD) là tiền chữa trị bệnh tật cho ông Mohan Kumari cũng đã thanh toán hết.