Chuyện về 3 nữ giáo sư Toán học

HÀ PHƯƠNG 15/11/2023 05:58

Giới Toán học Việt Nam mới đây vừa có thêm một nữ giáo sư. Điều thú vị, đây là nữ giáo sư Toán học thứ 3 ở Việt Nam. Trước đó, Việt Nam mới chỉ có 2 nữ giáo sư Toán học. Nhiều ý kiến cho rằng, Toán học thường là lĩnh vực của đàn ông vì nó khô khan, vì thế việc có những người phụ nữ say mê nghiên cứu toán, là điều đáng khích lệ.

Từ trái qua: Giáo sư Hoàng Xuân Sính, Giáo sư Lê Thị Thanh Nhàn, Giáo sư Tạ Thị Hoài An.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023. Theo danh sách này có tổng cộng 630/648 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023. Trong đó có 58 ứng viên đạt tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư, 572 ứng viên đạt tiêu chuẩn công nhận chức danh phó giáo sư, có 2 ứng viên giáo sư và 16 ứng viên phó giáo sư không đạt tiêu chuẩn.

Ngành Toán có 26 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. 2 giáo sư của ngành Toán đều khá đặc biệt, đó là ứng viên Tạ Thị Hoài An và Đoàn Thái Sơn. Trong khi ứng viên Tạ Thị Hoài An trở thành nữ giáo sư Toán học thứ 3 của Việt Nam thì ứng viên Đoàn Thái Sơn lại là một trong ba ứng viên giáo sư trẻ tuổi nhất năm 2023.

Giáo sư Tạ Thị Hoài An sinh năm 1972, quê quán Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), hiện đang làm việc tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Bà tốt nghiệp đại học ngành Toán tại Trường Đại học Vinh năm 1993, được cấp bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ cũng ngành Toán tại Trường Đại học Vinh, lần lượt trong các năm 1997 và năm 2001.

Bà An được cấp bằng Tiến sĩ khoa học năm 2015, ngành Toán bởi Đại học Clermont Ferrand 2 Blaise Pascal, Cộng hòa Pháp. Bà được công nhận và bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư vào năm 2009.

Theo hồ sơ, từ tháng 12/1995 đến tháng 9/2001, bà là giảng viên tại Trường Đại học Vinh; từ tháng 9/2001 đến tháng 8/2004, bà học sau tiến sĩ tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học Đài Loan; từ tháng 9/2004 đến tháng 3/2005, bà vẫn giữ vai trò giảng viên tại Trường Đại học Vinh; từ tháng 3/2005 đến tháng 3/2013 bà là nghiên cứu viên tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; từ tháng 4/2014 đến nay bà là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Toán học. Chức vụ cao đã qua của bà Tạ Thị Hoài An là Trưởng phòng.

Bà cũng từng tham gia thỉnh giảng tại các trường: Đại học Quy Nhơn, Đại học Thái Nguyên, Đại học Công nghệ.

Bà Tạ Thị Hoài An đã hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, hoàn thành 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ; đã công bố 33 bài báo khoa học, trong đó 33 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín; xuất bản 2 sách thuộc nhà xuất bản có uy tín; nhận được 3 giấy khen và giải thưởng, tài trợ khoa học của quốc tế cũng như của Viện.

Các hướng nghiên cứu chủ yếu của nữ giáo sư Toán học thứ 3 của Việt Nam - bà Tạ Thị Hoài An gồm có:

- Bài toán về sự xác định duy nhất của các hàm.

- Lý thuyết Nevanlinna và ứng dụng.

- Tính suy biến của ánh xạ giải tích.

- Các bài toán về xấp xỉ Diophant.

Đến đây, câu hỏi đặt ra, vậy ai là nữ giáo sư Toán học đầu tiên của Việt Nam? Xin thưa, đó là Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Hoàng Xuân Sính. Bà sinh năm 1933, là người làng Cót, Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1951, sau khi tốt nghiệp bằng tú tài 1 ở Hà Nội ban Sinh ngữ, tiếng Anh và Pháp, bà Hoàng Xuân Sính sang Pháp lấy bằng tú tài 2 về chuyên ngành Toán học. Lúc đó, bà chọn khoa Toán chứ không phải là một ngành nào khác, bởi theo sự lựa chọn của gia đình, cả cha và mẹ đều khuyên răn các con rằng để xây dựng đất nước học giỏi môn khoa học là thực sự rất cần thiết. Và, đơn giản, bà thấy trong các môn học thì toán là học dễ nhất.

Về nước, bà được phân công dạy Toán tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong thời gian đi sơ tán, bà vừa dạy học vừa làm luận án tiến sĩ. Bà được Nhà nước cho phép mang bản luận án ấy sang Paris (Pháp) bảo vệ để lấy bằng Tiến sĩ quốc gia. Cuộc bảo vệ diễn ra tại Đại học Paris 7, thuộc hệ thống Sorbonne. Hội đồng chấm luận án gồm những nhà toán học nổi tiếng như Giáo sư Henri Cartan, Huy chương Fields, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp; Giáo sư Alexandre Grothendieck, Huy chương Fields... Lúc đó, bà Hoàng Xuân Sính bảo vệ bản luận án thứ nhất trong khoảng 150 phút, bản luận án mà bà đã viết trong nhiều năm sơ tán tại một làng quê bên dòng sông Đáy.

Sau đó, bà bảo vệ tiếp bản luận án thứ hai "Cái nhúng của một phức một thứ nguyên vào một đa tạp vi phân hai thứ nguyên". Bản luận án thứ hai này bà thực hiện tại Paris, chỉ trong vòng 2 tháng, do Hội đồng Toán học nơi bà dự thi, ra đề để... “thử tài”. Cả hai bản luận án ấy đều nhằm giải quyết những vấn đề toán học hiện đại.

Giáo sư Hoàng Xuân Sính là người phụ nữ nước ngoài đầu tiên đến Paris bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc gia về toán học. Ngoài giảng dạy Toán Đại số ở Trường Đại học Sư phạm và biên soạn giáo trình đại học, sách giáo khoa Toán học phổ thông, Giáo sư Hoàng Xuân Sính từng là chủ nhiệm bộ môn đại số rồi làm trưởng khoa Toán-Tin học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Ngày 29/4/1980, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định công nhận chức vụ khoa học giáo sư cho 83 cán bộ và phó giáo sư cho 347 cán bộ làm công tác giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học. Trong đó có nữ giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam. Đó là Giáo sư Hoàng Xuân Sính ở lĩnh vực đại số. Như vậy, Giáo sư Hoàng Xuân Sính là vừa là nữ tiến sĩ vừa là nữ giáo sư toán học đầu tiên ở Việt Nam.

Bà là một trong những người sáng lập ra Trường Đại học Thăng Long - trường đại học tư thục đầu tiên ở Việt Nam (1988). Bà là thành viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng khoa học Kovalevskaia ở Việt Nam.

Nhiều lần bà được giao trọng trách là Trưởng Đoàn học sinh Việt Nam đi dự Olympic Toán Quốc tế. Bà cũng dành thời gian tham gia nhiều hoạt động xã hội đa dạng như: Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI (2004), Ủy viên Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia, Ủy viên Hồi đồng Từ điển Bách khoa Việt Nam.

Bà được phong tặng danh hiệu cao quý "Nhà giáo nhân dân"; được Chính phủ Pháp tặng "Huân chương Cành cọ Hàn lâm" vào năm 2003 vì những đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển và hợp tác nghiên cứu khoa học Pháp - Việt.

Phải đến 35 năm sau - năm 2015 - Việt Nam mới có nữ giáo sư toán học thứ hai, đó là Giáo sư Lê Thị Thanh Nhàn - Đại học Thái Nguyên, hiện công tác tại Bộ GDĐT.

Giáo sư Lê Thị Thanh Nhàn sinh năm 1970, lớn lên tại Thái Nguyên. Theo chia sẻ của Giáo sư Nhàn, từ phổ thông, bà đã thích học Toán nên thi vào khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc.

Trong suốt 4 năm đại học thời bao cấp, được sống trong tình yêu thương, đùm bọc của thầy cô, bạn bè, nữ sinh Thanh Nhàn đã vươn lên hàng đầu trong khóa học, tốt nghiệp loại giỏi và được giữ lại trường giảng dạy khi tròn 20 tuổi.

Sau đó, năm 1995, bà nhận học vị Thạc sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và đến năm 2001 nhận học vị Tiến sĩ tại Viện Toán học. Năm 2005, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Nhàn được công nhận chức danh Phó Giáo sư ở tuổi 35 - là Phó giáo sư trẻ nhất năm đó.

Tiếp đó, năm 2007, Phó Giáo sư Lê Thị Thanh Nhàn được trao Giải thưởng Khoa học Viện Toán học cho cụm công trình nghiên cứu về Đại số Giao hoán. Đây là giải thưởng Khoa học uy tín được trao 2 năm một lần cho không quá 2 nhà toán học xuất sắc của Việt Nam dưới 40 tuổi. Năm 2011, bà được nhận Giải thưởng Kovalevskaia - giải thưởng cao quý được trao thường niên cho các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Năm 2015, bà được phong Giáo sư. Trong bài phát biểu tại Lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2015, Giáo sư Lê Thị Thanh Nhàn xúc động: “Đối với tôi, được nghiên cứu Toán là được làm điều mình yêu thích, được phát huy năng lực của mình và đóng góp tốt hơn cho sự nghiệp khoa học và đào tạo. Thành công và hạnh phúc của tôi hôm nay bắt đầu từ sự yêu thích đó…”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện về 3 nữ giáo sư Toán học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO