Trong câu chuyện với chúng tôi, khi đã cởi mở, thầy giáo-nhạc sĩ Lê Bách cao hứng, cất tiếng hát ca khúc “Trên đường diệt Mỹ” mà ông sáng tác cuối năm 1967, chuẩn bị cho đợt tiến công Tết Mậu Thân 1968. Ở tuổi 89, nhưng giọng ông vẫn hào sảng và đầy nội lực. “Mang truyền thống Điện Biên cả nước vang quân hành lên đường/ Ầm ầm như thác đổ trên tuyến lửa hùng dũng quân đi…”
Ông Lê Bách sinh năm 1935 tại Hải Phòng. Tuổi thơ của ông gắn bó với nhiều kỷ niệm với vùng đất cảng Hải Phòng. Năm lên 8-9 tuổi, ông theo gia đình lên Hà Nội.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông theo gia đình về Hưng Yên. Chứng kiến cuộc sống tản cư tạm bợ, cực khổ, không được đến trường vì chiến tranh, trong ông nung nấu ý định đi bộ đội.
Đầu năm 1947, được sự dìu dắt của anh thứ hai Lê Ngọc Thiết, Phó Trưởng ban Trinh sát Trung đoàn 64 Liên khu III, ông bước vào quân ngũ.
Năm 1949, ông được tập trung về trường Thiếu sinh quân Liên khu III, sau đó trường sáp nhập với trường Thiếu sinh quân Việt Bắc thành trường Thiếu Sinh quân Việt Nam. Ở trường Thiếu sinh quân, ông vừa được học văn hoá vừa học quân sự. Ngoài học tập và rèn luyện, ông tự mày mò tập đàn guitar, học nhạc lý... Năm 1951, trường được chuyển địa điểm sang Quế Lâm, Trung Quốc. Rồi trường chọn một số học sinh sang học Sư phạm Trung cấp đặt tại Nam Ninh, Trung Quốc, trong đó có ông.
Cuối năm 1954, ông về nước, cùng tham gia tiếp quản trường Chu Văn An Hà Nội và khẩn trương tổ chức cho trường học trở lại. Ông bắt đầu cuộc đời dạy học tại trường đó. Ban đầu, trường thiếu giáo viên nên ông được phân công dạy khá nhiều môn đồng thời phụ trách việc báo cáo thời sự hằng tuần cho toàn trường vào giờ chào cờ sáng thứ hai đầu tuần. Ngoài ra, do biết nhạc và chơi đàn violon nên ông còn giúp học sinh trong hoạt động văn nghệ. Có lẽ “trời phú” cho năng khiếu sư phạm nên trong giảng dạy và giáo dục, ông mau chóng thu phục được các em học sinh.
Cuối năm 1959, ông chuyển sang dạy ở Trường Sư phạm trung cấp Hà Nội và được kết nạp Đảng năm 1960. Trong thời gian này, ông học tiếp và tốt nghiệp Đại học Sư phạm.Tháng 9 năm 1965, theo tiếng gọi của chiến trường miền Nam, ông cùng một số giáo viên Hà Nội xung phong vào Nam chiến đấu (đi B).
Trong ký ức của thầy giáo Lê Bách cuộc hành quân vượt Trường Sơn năm ấy dường như vẫn nguyên vẹn, ông chia sẻ: Đúng dịp địch tạm ngừng ném bom Bắc, cả đoàn lên đường. Mỗi người được trang bị ba lô, tăng võng, dép râu, bình toong, lương khô, hũ mắm kem, ruột tượng gạo, ít thuốc y tế thông thường… Phải mất ba tháng rưỡi hành quân, trèo đèo lội suối gian nan mới tới Trung ương Cục miền Nam (sau này gọi là R). Dọc đường hành quân phải đối mặt với đói, khát, muỗi, vắt, biệt kích, máy bay trinh sát của địch, sốt rét rừng… Mỗi người tự sắm một chiếc gậy trúc, vì vượt Trường Sơn nhất thiết phải có đủ “ba chân”, bởi nhiều khúc đường chênh vênh, trơn trượt, lại mang vác nặng, không có gậy không xong. Có đoạn đường leo từ sáng tới trưa mới tới đỉnh dốc. Lại có chỗ phải leo thang dựng đứng, bện bằng dây rừng. Có những khi phải hành quân liên tục, vắt cơm nắm đủ ăn trong ba ngày. Có lúc đang đi thì phải tạm dừng vì phía trước địch mở trận càn… Suốt cuộc hành quân phải tuân thủ nguyên tắc: “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Thấy mấy đồng chí người Thượng làm giao liên mà nể phục và thương đồng bào mình. Không la bàn, không đường mòn, cứ dùng con dao quắm phạt lá, nhắm hướng mà đi. Vậy mà chẳng bao giờ bị lạc… Gian khổ, nguy hiểm là thế nhưng ai cũng hăng hái, hăm hở với tinh thần tiến về phía trước.
Vào đến khu 6, đúng thời điểm Mỹ chuyển hướng chiến lược từ chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ, ồ ạt đổ 50 vạn quân vào miền Nam. Chiến tranh trở nên ác liệt, không thể mở trường lớp dạy học được. Vào đến căn cứ R, các thầy cô giáo, trừ số ít về Tiểu ban Giáo dục R, số còn lại được phân công sang các đơn vị khác. Riêng ông, do có biết chút ít âm nhạc, nên được phân công về tổ nhạc của B2 (Tiểu ban văn nghệ R) của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Ông bắt đầu tập sáng tác, phục vụ nhiệm vụ chính trị. Những trải nghiệm từ chiến trường hiểm nguy, khốc liệt, những chuyến đi thực tế, sự cầu thị học hỏi từ những người thầy nhạc sĩ, từ đồng nghiệp đã dưỡng nuôi, tích hợp và chắp cánh cho cảm hứng trong ông thăng hoa để rồi nhiều ca khúc cách mạng ra đời. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến ca khúc “Trên đường diệt Mỹ” được Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam dàn dựng ngay sau đó, được lớp lớp bộ đội nằm lòng khi vào Nam chiến đấu, được các chiến sỹ trong ngục tù truyền nhau hát. Ca khúc với âm hưởng sôi nổi, hào hùng, với ý chí quyết tâm và tinh thần lạc quan cách mạng đã khơi dậy, thúc giục lớp lớp thanh niên, chiến sĩ sẵn sàng xông pha lên tuyến đầu đánh đánh Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Ca khúc “Xuồng em lướt tới” lại được gợi cảm hứng từ một buổi chiều trên đường hành quân đã được đoàn Văn công giải phóng dàn dựng và biểu diễn ngay tại chiến trường và được in trong tập san Âm nhạc của Hội nhạc sĩ Việt Nam. Đặc biệt trong ký ức của ông vẫn còn lưu giữ những kỷ niệm khó quên về hoàn cảnh sáng tác bài hát “Bác Hồ muôn kính yêu”. Ông tâm sự: Thời gian chúng tôi đang ở Mỹ Tho thì được tin Bác từ trần. Chứng kiến cảnh đồng bào khóc nghẹn ngào vì thương Bác, đây đó lập bàn thờ lặng lẽ viếng Bác, kể cả trong vùng địch tạm chiếm. Trong lòng trào dâng biết bao cảm xúc, tôi đã sáng tác ca khúc “Bác Hồ muôn kính yêu” mà Đài phát thanh Giải phóng dựng ngay sau đó. Những ngày đầu sau giải phóng, ca loa phường tại Thành phố Sài Gòn phát lại nhiều lần...
Trong thời gian là cán bộ công tác tại Tiểu ban Giáo dục B3 của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam cũng như Ủy viên của Tiểu ban Giáo dục T4, do chiến tranh ác liệt, ông đã phải cùng đơn vị di chuyển nhiều nơi, đối mặt nhiều trận càn dữ dội, đối mặt với những lần “chết hụt”, đau xót khi chứng kiến đồng đội ngã xuống trước mặt mình. Dẫu vậy, ông đã kiên cường vượt qua gian khổ, hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ được tổ chức giao phó.
Những ngày đầu tiếp quản, công việc khẩn trương, bộn bề, những cán bộ như ông làm việc không kể giờ giấc, ngày đêm với tinh thần hăng hái, phấn chấn. Để ngành Giáo dục thành phố mau chóng hoạt động, Ban Giám đốc Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập, ông là một trong 4 Phó Giám đốc được bổ nhiệm và là người trẻ tuổi nhất. Đồng thời sau ngày thống nhất đất nước, ông là một trong những hội viên sáng lập Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh. Sau đó, ông chuyển sang làm Giám đốc trường Hành chính Thành phố Hồ Chí Minh.
Thoát ly gia đình từ nhỏ, dấn thân cống hiến cho đất nước, cho sự nghiệp giáo dục đến khi tóc đã bạc trắng nhưng nhà giáo-nhạc sĩ Lê Bách lại không thể trọn vẹn được chữ Hiếu với gia đình. Bố mất khi ông đang hoạt động ở chiến trường Nam Bộ. Thư nhà gửi cho ông theo đường dây vượt Trường Sơn vào tới Nam Bộ mãi một năm sau ông mới nhận được. Mẹ qua đời ngay sau ngày Giải phóng miền Nam 30/4/1975 nhưng ông cũng không thể về kịp nhìn mẹ lần cuối vì những quy định, thủ tục nghiêm ngặt của thời kỳ quân quản khi đăng ký đi máy bay quân sự.
Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo-nhạc sĩ Lê Bách rất khiêm tốn khi nói về mình. Nhiều lần thầy dừng lại xúc động khi nhắc đến những người thân trong gia đình, những đồng đội đã tận hiến hy sinh cho Tổ quốc, những nghĩa tình sâu nặng của biết bao người dân đã yêu thương.
“Khi nghĩ về một đời người/Tôi thường nhớ về rừng cây”, câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của thầy giáo-nhạc sĩ Lê Bách gợi lên hình ảnh của một thế hệ nhà giáo quả cảm, kiên cường, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân sẵn sàng từ giã bục giảng, bảng đen, phấn trắng, hăng hái mặc áo lính, khoác ba lô ra chiến trường dù biết trước có thể không có ngày trở về.