Gần 20 năm qua, người phụ nữ khuyết tật ở bản Vắn Tốc (xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) vẫn hàng ngày đến từng hộ dân để làm công tác Mặt trận. Một mình nuôi mẹ già 99 tuổi, với bộn bề khó khăn, nhưng người cán bộ Mặt trận ấy vẫn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Từ vùng quê Vĩnh Bảo (Hải Phòng), năm 2005, qua mai mối của người thân, bà Phạm Thị Dự kết hôn với ông Chìu Tắc Mềnh, người dân tộc Dao, trú tại bản Bảo Lâm (một bản cũ của xã Quảng Đức). Gia đình ông Mềnh thuộc diện nghèo. Lấy chồng, về làm dâu, bà Dự đảm đương mọi phần công việc trong gia đình. Đến năm 2018, cả em chồng và chồng bà Dự đều qua đời vì lâm bệnh nặng, để lại một mình bà nuôi mẹ già gần trăm tuổi.
Vượt qua số phận hẩm hiu, bà Dự luôn tận tâm với công việc chung của bản Vắn Tốc. Từ làm Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận đến Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Vắn Tốc, dù công việc nào, người phụ nữ này cũng tận tâm, hết lòng vì công việc.
Bà Dự vẫn còn nhớ như in những ngày đầu mới làm quen với công tác Mặt trận. “Đó là năm 2008, chúng tôi được giao nhiệm vụ vận động các gia đình cho trẻ con quay lại lớp học. Cũng như một số trẻ em trong bản, cháu M. năm ấy mới học đến lớp 3 đã bỏ học. Trên đường đến nhà M., mọi người còn khuyên tôi đừng đến nhà vận động vì bố của M. khó tính, thầy cô giáo không dám đến nhà. Nhưng tôi vẫn quyết tâm đến” – bà Dự kể.
Cũng phải mất 4-5 buổi đến nhà vận động, M. mới đến lớp đều đặn. Cô gái ấy giờ đã lấy chồng và có một gia đình hạnh phúc. “Cũng nhờ sự kiên trì của bà Dự, phong trào đến lớp của trẻ ở bản người Dao này ngày càng được cải thiện. Đến nay không còn tình trạng học sinh bỏ học, cả bản Vắn Tốc trẻ con đủ tuổi đến trường” – một cán bộ xã Quảng Đức đánh giá.
Ngoài việc vận động trẻ đến lớp, công tác Mặt trận ở một bản biên giới như Vắn Tốc còn trăm thứ việc không tên. Đó là hòa giải, tuyên truyền, phổ biến kiến thức từ những buổi tập huấn… Bất kể đêm hay ngày, khi có việc cần, bà Dự đều có mặt.
Đến bây giờ thì các chiến sĩ Đồn Biên phòng Quảng Đức đã quá quen thuộc với hình dáng bà Dự, mỗi khi bà xách cặp đến trạm gác barie gần Cửa khẩu Bắc Phong Sinh. Tuần nào cũng thấy bà Dự bước chân tập tễnh tới trạm gác. Thấy bà, các cháu bộ đội biên phòng lập tức ra vẫy xe cho bà Dự đi nhờ xuống xã họp hoặc đi tập huấn dưới huyện. Từng ấy năm, chưa buổi họp hay tập huấn nào bà Dự vắng mặt.
“Chân tay như vậy mà cứ phải đi lại nhiều, có lúc nào bà muốn nghỉ không?” – tôi hỏi. “Thật tình chưa bao giờ vì bàn chân khuyết tật này mà tôi muốn nghỉ. Sức còn làm được là tôi làm” – bà chia sẻ.
Gia cảnh hiện tại còn nhiều khó khăn, ngoài số tiền phụ cấp 2 triệu đồng/tháng là thu nhập chính, bà chỉ còn trông chờ vào đàn gà, ngan. Căn nhà, chái bếp dột và ẩm thấp mấy năm qua chưa có tiền sửa chữa thế nhưng bà Dự luôn tích cực, gương mẫu trong việc tham gia vào các phong trào từ thiện.