Năm nào Hà Nội cũng có vài ba đợt ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường. Thế nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn tồn tại như một thách thức. Từng mét vỉa hè ở các khu phố trung tâm đều được tận dụng để bày biện hàng hóa, đỗ xe.
Chỉ trong hơn 1 tháng cao điểm Tết Nguyên đán, quận Hoàn kiếm đã xử lý hơn 1.100 trường hợp lấn chiếm lòng lề đường, tổng số tiền xử phạt là gần 1 tỷ 500 triệu đồng. Song đến nay lại trở về... “nguyên trạng”.
Không chỉ Hà Nội mà thành phố Hồ Chí Minh và một vài thành phố lớn khác, việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ tốn khá nhiều công sức của lực lượng chức năng, cũng như tốn rất nhiều giấy mực của báo chí. “Giành lại” được ít ngày thì lại bị “tái chiếm”, chẳng khác gì một cuộc rượt đuổi không hồi kết.
Vì sao lại như vậy?
Còn nhớ vào năm 2017, ông Đoàn Ngọc Hải lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND quận 1 TPHCM đã nổi lên như một “ngôi sao sáng” khi tuyên bố chắc nịch sẽ giành lại vỉa hè, lòng lề đường. Cùng với lực lượng chức năng của quận, ông Hải trực tiếp chỉ huy hiện trường, làm được vài vụ nổi đình nổi đám. Rồi đến năm 2019, ông được điều về làm phó Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn. Sau đó, ông Hải có đơn xin từ chức. Ngày 5/9, UBND TPHCM có quyết định chính thức cho ông Hải thôi giữ chức vụ được phân công. Sau quyết định này, ông Hải trở thành nhân viên bình thường, phía công ty đã sắp xếp công việc nhưng ông Hải tiếp tục xin được nghỉ theo nguyện vọng cá nhân. Do đó vào ngày 6/12, lãnh đạo công ty đã ký quyết định cho ông Hải được thôi việc.
Kể lại câu chuyện này mới thấy việc “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” không hề dễ dàng.
Vỉa hè ở các đô thị lâu nay là nơi buôn bán mưu sinh của rất nhiều người. Có thể là chủ nhà mà cũng có thể là người nơi khác đến thuê. Có nghĩa là vỉa hè nuôi sống cả triệu người. Họ tự nguyện chịu cảnh suốt ngày phơi mặt ra đường hứng nắng gió bụi bặm, chịu đựng tiếng động cơ gầm rú để mưu sinh. Từ lâu đã hình thành cái gọi là “thương mại vỉa hè”, “văn hóa vỉa hè”, vì thế muốn dẹp cũng không phải dễ.
Được biết, Sở Giao thông vận tải TPHCM đã từng được giao lập Đề án cho thuê vỉa hè tạm thời, cho biết sẽ tính toán kỹ lưỡng nhằm phù hợp với văn minh đô thị, giảm thiểu tác động đến người dân cũng như giao thông. Mức phí sẽ tính cụ thể với từng trường hợp thuê sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường đang được xây dựng; đồng thời sẽ nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ, miễn giảm cho một số đối tượng nhằm giảm thiểu tác động đến người dân.
Việc này căn cứ vào Quyết định 74 năm 2008 của UBND TPHCM về quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn. Đây được xem là khung pháp lý quy định điều kiện vỉa hè, lòng đường nào được đậu xe; vỉa hè nào được dùng làm nơi giữ xe có thu phí, cho thuê kinh doanh, ai có thẩm quyền cho thuê… Đến năm 2017, Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND TPHCM sửa Quyết định 74/2008. Tại thời điểm đó, Sở này cho rằng, phí sử dụng hè phố theo quyết định trước đây là 12.000 đồng/m2 mỗi tháng là quá thấp, không còn phù hợp với thực tế. Trên cơ sở đó, đề xuất mức phí mới trong việc sử dụng tạm thời vỉa hè để làm bãi giữ xe, kinh doanh, chợ đêm... mức phí dựa trên giá đất của từng khu vực. Trong đó, cao nhất thuộc quận 1 là 100.000 đồng cho 1 m2/tháng. Giá thuê thấp nhất là 20.000 đồng/m2/tháng.
Nhưng rồi vẫn không thành hiện thực.
Để thực sự “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, nhiều ý kiến cho rằng cùng với việc kiên trì kiểm tra, kiểm soát, quy trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền phường, thì cũng nên tính đến chuyện cho thuê vỉa hè - đương nhiên phải quy định rõ ràng trách nhiệm của người thuê; cũng như vận động nâng cao ý thức và lâu bền là phải tạo sinh kế mới cho người dân để họ tự nguyện “trả lại vỉa hè” về với đúng nghĩa là không gian công cộng trong lòng đô thị.