Hôm qua (30/10) Quốc hội đã dành trọn một ngày để thảo luận báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Những bất cập, hạn chế trong tổ chức bộ máy hành chính đã được chỉ rõ qua cuộc giám sát này. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là qua giám sát, Quốc hội cần đưa ra được những giải pháp cụ thể để sắp xếp, tổ chức lại bộ máy sao cho hiệu lực, hiệu quả.
Không cần chờ đến phiên thảo luận của Quốc hội về vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy mới nóng. Mấy chục năm qua, chúng ta luôn bàn đến câu chuyện giảm biên chế, giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy hành chính nhà nước, nhưng dường như hô hào nhiều mà hiệu quả chẳng được bao nhiêu, thậm chí bộ máy ngày càng “phình” to hơn. Không thể để tình trạng một đất nước có 90 triệu dân mà có tới 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách, cách đây 2 năm Bộ Chính trị đã ban hành Nghị Quyết 39 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức cũng với kỳ vọng sắp xếp lại đội ngũ, nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Thế nhưng, 2 năm qua, dù giảm đầu mối nhưng thực chất lại tăng số cục, vụ. Thêm vào đó, những đơn vị sự nghiệp công lập nở rộ như “nấm sau mưa” khiến chi từ ngân sách dường như chỉ dành để chi lương mà chẳng còn tiền chi cho đầu tư phát triển.
Minh họa rõ tốc độ tinh giản biên chế ngược của các cơ quan nhà nước 5 năm qua, báo cáo kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 chỉ ra rằng: 5 năm qua, số đơn vị hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ mặc dù đã thực hiện sắp xếp điều chỉnh ở nơi này, nơi khác nhưng về tổng thể vẫn tăng 28 đơn vị. Số đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục tăng 822 đơn vị. Xu hướng nâng cấp Vụ lên Cục diễn ra ở nhiều Bộ.
Bộ có cách tăng của Bộ, Trung ương có cách lách biên chế của Trung ương thì địa phương cũng không ít cách làm đúng luật để không bị “thổi còi” về biên chế. Tình trạng Trung ương có tổ chức, cơ quan nào thì địa phương có tổ chức, cơ quan đó vẫn phổ biến. Cụ thể có 17/21 cơ quan chuyên môn” ở các địa phương, có tên gọi và lĩnh vực phụ trách tương ứng với các bộ ngành. Chính vì vậy, bất chấp công cuộc tinh giản biên chế cứ quyết tâm ở đâu đâu, kết quả là càng hô hào giảm thì biên chế lại càng tăng.
Không có ngân sách quốc gia nào có thể chịu đựng và nuôi số người khổng lồ như vậy. Công cuộc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết và nó đòi hỏi phải có những giải pháp đủ mạnh, giải pháp căn cơ đối với vấn đề này. Do đó, rất nhiều giải pháp được ĐBQH và Đoàn giám sát của QH đưa ra như: Thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND các cấp, thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp huyện, cấp xã ở nơi có điều kiện. Đồng thời, thí điểm việc hợp nhất một số cơ quan có nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có điều kiện và tạo quyền chủ động, sáng tạo cho địa phương. Áp dụng cơ chế khoán kinh phí hành chính, khoán biên chế, cụ thể, phù hợp với yêu cầu quản lý và đặc thù địa phương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, lấy kết quả thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự tín nhiệm đối với người đứng đầu... Rõ ràng những giải pháp đưa ra để tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ là không hề “xoàng”, thế nhưng để thực hiện được thì không đơn giản, bởi tinh ai, giảm ai đã là cả vấn đề đại sự, đó là chưa nói hợp nhất các cơ quan với nhau gộp thế nào, ai ‘chủ trì”, ai sẽ đứng phía sau?
Khó như tinh giản biên chế, gập ghềnh như hợp nhất một số cơ quan nhưng không thể không làm. Chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến Đề án đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế và Đề án xây dựng cơ quan tham mưu, giúp việc chung trong khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện mà tỉnh Quảng Ninh thực hiện trong thời gian qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng cho rằng: “Đi trước như người dò đá qua sông, có thể bị vấp ngã và uống nước, có thể phải hy sinh vẫn phải làm. Bởi đường dù gần không đi thì không đến, việc dù dễ không làm thì không xong”.
Muốn tinh giản biên chế hoặc hợp nhất các cơ quan cần từ bỏ quyền và lợi ích nhỏ để bảo vệ quyền và lợi ích lớn trong đó có lợi ích của mình thì đấy là điều nên làm. Các cơ quan tổ chức, đoàn thể của Quảng Ninh đã thực hiện theo phương châm này đó là, thoát ra khỏi “cái bóng” của mình để làm điều tốt lành cho nhân dân và đất nước. Bớt nghĩ những mối lợi của mình, lo cho lợi ích của đất nước với quyết tâm chính trị cao để có bộ máy tinh gọn hiệu lực, hiệu quả vì nhân dân. Nếu bộ, ngành địa phương nào cũng thực hiện trên tinh thần này chắc chắn tinh giản biên chế, hợp nhất một số cơ quan, một số chức danh sẽ không quá khó.
Tại Nghị trường QH, nhiều ĐBQH đề nghị QH, Chính phủ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy, thiết kế lại toàn bộ bộ máy của hệ thống chính trị, chuẩn hóa các quy trình, đẩy mạnh xã hội hóa theo hướng: Nhà nước không làm những việc xã hội có thể làm được. Đồng thời xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cán bộ minh bạch, cụ thể; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh nhất thể hóa một số chức danh gắn với trách nhiệm, quyền lợi; hợp nhất các xã, huyện không đủ tiêu chuẩn...để có bộ máy hiệu lực hiệu quả, thông suốt.
Nhiều ý kiến kỳ vọng rằng, việc Trung ương ban hành Nghị quyết về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, QH tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã cho thấy quyết tâm cao của Đảng, QH trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Điều cần làm lúc này là quyết tâm chính trị của các cấp, các ngành. Nếu đơn vị nào cũng bớt lo cái tôi của đơn vị mình mà lo cho lợi ích chung của đất nước, của công cuộc đổi mới, thì việc sắp xếp tổ chức bộ máy chắc chắn sẽ có bước chuyển mình.
Muốn tinh giản biên chế hoặc hợp nhất các cơ quan cần từ bỏ quyền và lợi ích nhỏ để bảo vệ quyền và lợi ích lớn, trong đó có lợi ích của mình. Thực tế cho thấy, các cơ quan tổ chức, đoàn thể của Quảng Ninh đã thực hiện theo phương châm này đó là, thoát ra khỏi “cái bóng” của mình vì lợi ích chung. Bớt nghĩ đến những mối lợi của mình, lo cho lợi ích chung làm tinh gọn bộ máy. Nếu bộ, ngành, địa phương nào cũng thực hiện trên tinh thần ấy chắc chắn tinh giản biên chế, hợp nhất một số cơ quan, một số chức danh sẽ không phải là việc quá khó. |