Đề xuất lập khu thương mại tự do ở Hải Phòng chưa trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 này (do đã tách khỏi cơ chế chính sách đặc thù cho TP Hải Phòng). Song từ đề xuất trên, nhìn rộng ra có thể hình thành một cơ chế để áp dụng “đặc thù” cho một số địa phương đủ điều kiện lập các vùng kinh tế, tạo sức lan tỏa.
Nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế thì rất cần những mô hình kinh tế mới. Cũng cần nhấn mạnh rằng, vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế là vấn đề lớn, quan trọng và nhất quán trong chủ trương, đường lối của Đảng từ Đại hội XI đến nay.
Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới. Tập trung sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, ủy quyền gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cá nhân và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành”.
Nói vậy để thấy chủ trương của Đảng đã có, và nền kinh tế đang rất cần những mô hình kinh tế mới. Đơn cử trong thực hiện nghị quyết Đại hội XIII, Hà Nội cũng xác định phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững. Trong nhiệm kỳ 2020-2025 thành phố sẽ phát triển một số mô hình kinh tế mới: Kinh tế số, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Còn ở góc độ lập pháp có thể nhìn nhận đề xuất thành lập khu thương mại tự do cũng thể hiện sự quyết tâm, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của Chính phủ.
Việc quy định hình thành khu thương mại tự do là vấn đề quan trọng. Nó không chỉ dưới góc độ kinh tế mà còn liên quan đến yếu tố như: Quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Việc thành lập khu thương mại tự do không chỉ dừng ở phạm vi của cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ mà còn gắn với việc xây dựng các thể chế, thiết chế pháp luật có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng.
Vừa qua, khi Quốc hội bàn về cơ chế chính sách đặc thù cho TP Hải Phòng, đại biểu Lã Thanh Tân - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hải Phòng cho biết, thành phố tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng thể đưa ra đề xuất nhằm đảm bảo đầy đủ nội hàm chính sách, báo cáo Chính phủ, xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Như vậy có nghĩa Hải Phòng sẽ xây dựng đề án về khu thương mại tự do để trình cấp có thẩm quyền.
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc thành lập khu thương mại tự do tại TP Hải Phòng là mô hình mới. “Vì vậy, Chính phủ cần nghiên cứu tổng thể mô hình quản lý, cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho khu thương mại tự do, không chỉ riêng cho Hải Phòng mà cả một số địa phương khác”.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cũng cho rằng: Cần thiết kế pháp luật mới cho khu thương mại tự do, tính toán hài hòa lợi ích giữa Trung ương và địa phương, giữa địa phương này với địa phương khác”.
Như vậy một vấn đề đang được đặt ra, đó là Chính phủ hoàn toàn có thể nghiên cứu, đưa ra một “mẫu số chung” tổng thể về mô hình quản lý, cũng như cơ chế chính sách đặc thù áp dụng cho khu thương mại tự do đối với một số địa phương nếu đủ điều kiện. Việc ban hành cơ chế mới để thực hiện mô hình kinh tế mới, gắn với việc thực hiện Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung chắc chắn sẽ đưa kinh tế đất nước phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm lực, vị thế.
“Đề xuất lập khu thương mại tự do tại Hải Phòng mới dừng ở mức ý tưởng, chưa có đề án, chưa có chủ trương. Trên cơ sở đề xuất của các đại biểu, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan Trung ương phối hợp với địa phương nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định về chủ trương, trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.