Cơ chế hoạt động đại học tư thục: Còn nhiều ý kiến trái chiều

Minh Hà 27/01/2018 00:00

Hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đại học tư thục” vừa được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Tại đây, nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế hoạt động của loại hình trường ĐH tư thục đã được đề cập. Đặc biệt là những băn khoăn xoay quanh vấn đề giáo dục có phải là một dịch vụ, và trường ĐH tư thục có phải là doanh nghiệp hay không- đã được các đại biểu dành nhiều thời gian bàn thảo, tranh luận.

Cơ chế hoạt động đại học tư thục: Còn nhiều ý kiến trái chiều

Sinh viên Trường ­­­­­­­ĐH tư thục N­­­­guyễn Tất Thành

Trường học phải là môi trường sư phạm
PGS.TS Chu Hồng Thanh- chuyên gia của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Thách thức không nhỏ trong phát triển ĐH tư thục nằm ngay trong nhận thức chính sách về ĐH tư thục. Cách nhìn đối với trường tư thục còn rất nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Đó là cách nhìn định kiến và thiếu thiện cảm của xã hội và Nhà nước đối với khu vực giáo dục ĐH tư thục. Vì thế, thời gian qua mặc dù có một số trường ĐH tư thục bước đầu xây dựng được thương hiệu tốt, nhưng nhìn vào cả hệ thống, thì bức tranh chung về ĐH tư thục không mấy sáng sủa. Ông Thanh nhấn mạnh, dù là công lập hay tư thục thì vẫn phải phân biệt rõ nhà trường và doanh nghiệp: Nếu nhà trường đồng nghĩa với doanh nghiệp, thì không thể được. Nhà trường là đơn vị sự nghiệp, còn doanh nghiệp là đơn vị kinh doanh. Cho nên, trong Luật hiện hành có một ý nêu ra rõ là ít nhất phải dành 25% để đầu tư phát triển. Chuyện vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận thì bàn sau. Nhà trường phải liên tục được đầu tư để phát triển lâu dài, trong khi doanh nghiệp có thể đến một lúc nào đó thì thôi sứ mệnh đó nhưng nhà trường thì phải phát triển dài lâu.

PGS.TS Trương Quang Mùi- Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn cũng đồng quan điểm này: Trường học phải là môi trường sư phạm, ở đó người thầy được tôn vinh, người học được tôn trọng, quan hệ ở đó là quan hệ thầy – trò, đồng nghiệp. Trong khi đó, tại Dự thảo Luật Giáo dục ĐH lần này, chúng ta đang quy định quyền lực của các nhà góp vốn, các cổ đông, thì môi trường ở đó là quan hệ giữa chủ và người làm thuê, là quan hệ kinh doanh - khách hàng chứ không phải quan hệ của giáo dục đào tạo…

Còn TS Phạm Thị Ly- Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá giáo dục- Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, cho rằng: Trong thời đại kinh tế tri thức, giáo dục ĐH là một dịch vụ là quan niệm được chấp nhận nhiều trên thế giới. Một khi chúng ta quan niệm giáo dục ĐH là một dịch vụ thì việc xem xét trường ĐH có phải là doanh nghiệp hay không có thể tìm được câu trả lời. Thật ra, giáo dục ĐH là một dịch vụ, cho nên về bản chất các trường ĐH tư là doanh nghiệp là một thực tế, dù chúng ta không nhìn nhận thì thực tế là như vậy.

Nhiều chuyên gia có chung nhận định rằng, các quy định nhằm kiểm soát trường tư là một vấn đề nhạy cảm mà các nhà làm chính sách luôn phải tìm kiếm một điểm cân bằng. Có một thực tế là những quy định quá chặt chẽ và chi tiết sẽ triệt tiêu năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng của các trường với một thị trường thay đổi từng giờ.

Dự thảo luật còn né tránh nhiều vấn đề

Cụ thể hơn về cơ chế hoạt động của ĐH tư thục, theo GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, trước khi bàn về các chính sách, pháp luật đối với ĐH tư thục chúng ta cần định vị rõ ràng mô hình ĐH tư thục mà chúng ta sẽ áp dụng theo hình thức nào, ĐH tư thục hoạt động phi lợi nhuận hay có lợi nhuận. Bởi vì, một thực tế đang diễn ra tại Việt Nam là hiện nay đã có một số tập đoàn giáo dục đang hoạt động với việc quản lý một số trường ĐH. Như vậy, xây dựng luật phải dựa trên thực tế này để phù hợp với thực tiễn đang diễn ra. Bên cạnh đó, khi soạn thảo các chính sách cần đưa ra những quy định rất chi tiết, cụ thể để thực hiện. Thực tế, hiện nay ở dự thảo Luật Giáo dục ĐH chưa thực sự rõ ràng và chi tiết. Còn né tránh nhiều yếu tố về luật liên quan đến những vấn đề cụ thể của mô hình ĐH tư thục như cổ đông, cổ phần, lợi nhuận… Hay một vấn đề rất quan trọng liên quan đến điều hành, quản trị hoạt động của nhà trường là phải nêu rõ nguyên tắc bầu hội đồng cổ đông, HĐQT theo cách thức nào. Quy định cụ thể các cơ chế hoạt động của các bộ phận đứng đầu trong ĐH tư thục.

Theo GS.TS Cao Văn Phường (ĐH Bình Dương), Luật Giáo dục ĐH cần xác định mô hình của trường ĐH đó là phi lợi nhuận hay có lợi nhuận để có chính sách, pháp luật phù hợp. Cụ thể, với trường không vì lợi nhuận thì các cổ đông sẽ không được chuyển nhượng vốn. Trong suốt quá trình hoạt động, trường không vì lợi nhuận không thể chuyển sang mô hình ĐH vì lợi nhuận (tuy nhiên, ngược lại, với các trường ĐH có lợi nhuận, trong quá trình hoạt động có thể chuyển sang mô hình ĐH phi lợi nhuận). Đặc biệt, không được tuyên bố phá sản hay giải thể.

Từ thực tiễn rút ra từ hoạt động của một trường ĐH tư thực, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng- Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, cần tiếp tục điều chỉnh Luật theo hướng tăng cường tính tự chủ của các trường, gắn với tự chịu trách nhiệm, không phân biệt công tư. Đặc biệt, tăng cường tính tự chủ toàn diện cho các trường đã được kiểm định về chất lượng.

Về hướng phát triển ĐH tư thục ở Việt Nam, theo GS.TS Nguyễn Lộc (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành), ở tầm vĩ mô, các chiến lược phát triển giáo dục ĐH phải xây dựng và nhất quán được mô hình phát triển hệ thống ĐH tư thục như thế nào? Cách thức vận hành ra sao? Chỉ có xác định rõ mô hình thì chúng ta mới có thể xây dựng những định chế, quy định phù hợp để phát triển. Từ những phân tích trên, GS.TS Nguyễn Lộc đưa ra 2 “kịch bản” phát triển giáo dục ĐH tư thục dựa trên quan hệ giữa ĐH công và tư. Kịch bản thứ nhất, giáo dục ĐH công lập sẽ chiếm tỷ trọng chủ đạo (90%) và giáo dục ĐH tư thục chiếm tỷ trọng thấp (10%-14%); Kịch bản thứ hai lại đẩy mạnh sự phát triển của giáo dục ĐH tư thục theo tỷ lệ 40% trên tổng nền giáo dục ĐH theo chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020 mà Chính phủ đã đề ra. Theo ông Lộc, việc xem xét lựa chọn một trong 2 kịch bản sẽ phụ thuộc vào chiến lược phát triển tổng thể hệ thống giáo dục ĐH của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Bởi sự phát triển của giáo dục ĐH tư thục nằm trong mối quan hệ hữu cơ với giáo dục ĐH công lập.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ chế hoạt động đại học tư thục: Còn nhiều ý kiến trái chiều

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO