Thực tế cho thấy đang thiếu cơ chế kiểm soát kê khai tài sản, chưa có quy định truy nguồn gốc tài sản nên không giải đáp được tài sản ấy có từ đâu, giải trình có đúng không. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cho rằng, kê khai của ta vẫn tự giác là chính, vì vậy cần có cơ chế kiểm soát việc kê khai, đồng thời phải có biện pháp xử lý nếu kê khai gian dối.
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh.
PV:Thưa ông, ông nhận định sao về việc trong thời gian gần đây nhiều người giải trình nguồn gốc tài sản của mình là do nuôi lợn, nuôi gà?
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh: Vấn đề nằm ở kê khai tài sản của ta không chính xác vì nước ta dùng tiền mặt rất nhiều. Nhà cửa có kê khai nhưng không giám định, xác minh bản kê khai. Đúng ra là phải có Hội đồng độc lập để xác minh việc kê khai có chính xác không. Hiện chỉ khi nào có đơn tố cáo thì cơ quan chức năng mới vào cuộc để xác minh chứ việc xác minh các bản kê khai không trở thành hệ thống.
Tại các nước họ không kê khai tài sản tràn lan, chỉ những người ứng cử vào Quốc hội hay quan chức lớn mới kê khai. Còn người dân thường họ quản lý được hết vì nước họ tiêu tiền qua tài khoản, tài sản rõ ràng trong ngân hàng nên kiểm soát được. Do vậy kê khai của ta có tính chất “đe nẹt” như kiểu uống thuốc mang tính phòng ngừa chứ không giải quyết được vấn đề.
Rồi việc giải trình cũng rất quan trọng, phải có một Ban để xem xét việc giải trình, và Ban ấy do tổ chức của chính quyền làm chứ không phải làm theo vụ việc một, ông này bắt giải trình còn ông kia thì không.
Cái đó phải làm có hệ thống thì hiện giờ mình chưa có hệ thống ấy, tiến tới phải xây dựng hệ thống như vậy nhưng phải giảm số người kê khai xuống chứ hơn 1 triệu người kê khai thì khó mà xác minh, hay giải trình.
Vậy tại sao ở các nước họ cũng kê khai nhưng hiệu quả, còn ở ta hiệu quả còn ở mức trông chờ vào sự tự giác của cán bộ là chính?
-Chỉ có các trường hợp chuẩn bị tranh cử từ các cấp khác nhau để chứng tỏ liêm khiết, minh bạch nên kê khai. Còn người dân thường không phải kê khai vì họ buôn bán họ đều đóng thuế, tài sản của người dân còn được coi là bí mật cá nhân, hàng ngày đã đóng thuế thu nhập cá nhân, thuế môn bài rồi. Chỉ khi nào phát hiện người dân trốn thuế thì mới xem xét chứ không phải kê khai tràn lan, nếu tràn lan thì rất khó kiểm soát.
Việc giải trình cũng rất quan trọng, phải có một Ban để xem xét việc giải trình, và Ban ấy do tổ chức của chính quyền làm chứ không phải làm theo vụ việc một, ông này bắt giải trình còn ông kia thì không. Cái đó phải làm có hệ thống thì hiện giờ mình chưa có hệ thống ấy. |
Từ việc giải trình của cán bộ trong thời gian gần đây cho thấy chúng ta đang thiếu cơ chế xác minh bản kê khai cũng như giải trình?
-Đúng là đang thiếu cơ chế xác minh xem kê khai có trung thực hay không. Bây giờ cần phải xác minh nhưng không phải cấp trên đi xác minh mà phải có Hội đồng độc lập để đi xác minh tính trung thực của những bản kê khai.
Tuy nhiên cần giảm đối tượng kê khai xuống chứ hiện hơn 1 triệu bản kê khai thì khó mà xác minh, chứ chưa nói đến xác minh bản giải trình xem có đúng hay không? Ở nước ngoài, các tài sản tiền mặt ở ngân hàng thì họ biết ngay thứ hai là tài sản lộ rõ hết. Họ dùng cơ chế của tòa án, cơ quan thuế để xác minh. Còn nếu kê khai phục vụ bầu cử thì hội đồng bầu cử đó phải xác minh chứ không phải đại diện người dân đi xác minh, nếu không xác minh sau này phát hiện ra vi phạm trong kê khai thì sẽ hủy kết quả bầu cử. Tức là luôn luôn có những cơ chế siết lại. Còn kê khai của ta mang tính tự nguyện, vẫn dùng giáo dục đạo đức là chính, chứ nếu dùng pháp luật thì phải xác minh kê khai có trung thực không? nguồn gốc tài sản ở đâu? và có đúng như thế không?
Ông nghĩ sao khi hàng năm cán bộ đều kê khai bổ sung tài sản nhưng vấn đề không được xử lý đúng như yêu cầu?
-Bởi vì nó vẫn là tự nguyện, đạo đức chứ chưa mang tính pháp lý. Đã mang tính pháp lý thì không thể mang tính đại trà được. Kê khai theo đạo đức cũng mang lại mặt tốt là để đe nẹt, phần nào cũng làm cho cán bộ sợ nhưng không thể bằng pháp lý.
Từ thực tế theo ông chúng ta có kiểm soát được việc chi tiêu bằng tiền mặt không?
-Hiện chưa thể vì văn hóa của ta là dùng tiền mặt rất nhiều. Thậm chí còn mang USD sang Mỹ để mua nhà. Tổng số tiền người Việt mua bất động sản ở Mỹ là hơn 3 tỷ USD, có người mang 1 triệu USD bằng tiền mặt cơ mà.
Để kê khai tài sản cũng như ngăn ngừa tham nhũng hiệu quả nhất thì cần biện pháp thiết thực nào, thưa ông?
-Bây giờ mọi thông tin phải công khai minh bạch. Đúng là có nhiều cái thiết thực nhưng chưa thể làm ngay được.
Theo nhiệm kỳ Quốc hội trong 5 năm có 1 lần lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm vào thời điểm năm thứ 3 của nhiệm kỳ. Vậy theo ông, đây có phải là dịp chúng ta kê khai tài sản với những chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn?
-Những người được lấy phiếu cần kê khai tài sản và có Hội đồng để xem xét. Chúng ta cứ làm triệt để thì tình hình sẽ khác. Phạm vi như thế chỉ vài chục người nên rất dễ làm, làm ít nhưng làm đến nơi đến chốn thì các cấp tự nhiên sẽ minh bạch. Ở trên chuyển thì dưới mới chuyển. Điều quan trọng là cần làm đàng hoàng, kiên quyết.
Trân trọng cảm ơn ông!