Theo Arlingtonva, trong những ngày hè nắng nóng cực điểm, con người và các loài động vật có thể di chuyển đến những nơi râm mát để hạ nhiệt, trong khi cây xanh chỉ có thể đứng tại chỗ chịu trận, buộc chúng phải phát triển những chiến lược đối phó riêng.
Không thể di chuyển để thoát khỏi nắng nóng, cây xanh sử dụng chiến lược đóng lỗ thoát hơi nước và rụng lá để ứng phó.
Để làm mát cơ thể, con người đổ mồ hôi, còn cây xanh thoát hơi nước. Nước được rễ hút từ lòng đất, chuyển qua thân, lên cành và lá trước khi ra môi trường. Quá trình này cung cấp dưỡng chất và nước làm mát cho cây, đồng thời cho phép cây hô hấp.
Tuy nhiên, trong những ngày nắng nóng kéo dài, lượng nước trong lòng đất bốc hơi mạnh và ngày càng trở nên ít ỏi, không đủ để giúp cây xanh giải nhiệt. Lúc đó, cây sẽ kích hoạt cơ chế phòng thủ đầu tiên. Các lỗ trao đổi khí trên lá cây được đóng lại để ngăn sự thoát hơi nước. Dù quá trình này đồng thời kìm hãm sự phát triển của cây, nó giúp cho cây không bị kiệt nước và chết khô.
Trong trường hợp nắng nóng kéo dài dẫn tới khô hạn, cây xanh kích hoạt cơ chế phòng thủ thứ hai là rụng lá nhằm giảm nhu cầu nước và chất dinh dưỡng. Giải pháp quyết liệt này đồng nghĩa cây chấp nhận hy sinh khả năng thu thập dưỡng chất từ lá, nhưng chúng có cơ hội tồn tại cho đến khi khô hạn chấm dứt.
Theo các nhà khoa học, cơ chế phòng thủ này tồn tại ở tất cả các loại cây, kể cả cây thường xanh, nhằm giúp chúng đối phó với những hoàn cảnh môi trường khắc nghiệt.