Phim “dự thi chui” trong nước tất nhiên là khó xảy ra. Nhưng đem phim “đi thi chui” các liên hoan phim ở nước ngoài là điều đã thấy. Dù phim thi chui có được giải cao nhưng theo quy định pháp luật chủ phim vẫn bị xử phạt. Có điều, mức xử như giơ cao đánh khẽ.
Hiện tượng đem phim đi thi “chui” không còn là điều hiếm thấy. Gần đây là hai bộ phim có tiêu đề rất gọn, chỉ một từ là “Ròm” và “Vị”.
Tháng 9/2019, trong khi Hội đồng duyệt phim quốc gia yêu cầu chủ phim phải chỉnh sửa, biên tập một số đoạn phim thì chủ sản xuất phim “Ròm” là Công ty cổ phần sản xuất phim Hoan Khuê (HKFilm) đã tự ý mang phim sang dự thi Liên hoan Phim (LHP) Quốc tế Busan 2019 tại Hàn Quốc. Bộ phim sau đó đã giành giải ở hạng mục “New Currents” (Dòng chảy mới) dành cho các đạo diễn thực hiện bộ phim đầu tay.
Xét theo quy định pháp luật, bộ phim “Ròm” đã vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 41 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh: “Phim tham gia liên hoan phim quốc tế, hội chợ phim quốc tế, những ngày phim Việt Nam ở nước ngoài phải có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình”.
Hành vi này tương ứng với mức xử phạt tại điểm a khoản 4 Điều 5 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Phát hành phim nhựa, băng, đĩa phim khi chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình”.
Tuy nhiên, HKFilm lại vi phạm thêm một lỗi khác là để người có quốc tịch nước ngoài tham gia sản xuất phim mà không thực hiện giám định kịch bản theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 11/2011/TT-BVHTTDL ngày 19/9/2011 của Bộ VHTTDL, hướng dẫn thực hiện một số quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực điện ảnh. Trong đó có thủ tục cấp giấy phép cho tổ chức trong nước hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Với hai lỗi vi phạm trên, Thanh tra Bộ VHTTDL đã ra quyết định xử phạt HKFilm với số tiền 40 triệu đồng. Và phải tiêu hủy bản phim đã tham dự LHP Quốc tế Busan 2019.
HKFilm đã thực sự cầu thị khi nộp phạt và chấp thuận chỉnh sửa phim theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Ngày 31/3/2020, phim “Ròm” được cấp phép phát hành ở Việt Nam với nhãn 18+. Và thực bất ngờ, sau khi ra rạp vào ngày 25/9/2020, phim “Ròm” đã đạt một doanh thu kỷ lục hơn 60 tỷ đồng theo công bố của nhà sản xuất.
Điều đáng mừng nữa là bộ phim “Ròm” tiếp tục đi thi ở LHP Châu Á (Asian Film Festival) diễn ra ngày 24/6 tại Rome (Italy) đã đem đến cho diễn viên nam chính Trần Anh Khoa giải “Nam diễn viên xuất sắc”.
Khác với “Ròm” là chưa có giấy phép phổ biến phát hành phim đã đem đi dự thi thì “Vị” lại không hề nộp bản phim để duyệt mà đã đưa phim đi dự thi LHP Quốc tế Berlin lần thứ 71. Hành vi này vi phạm quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 5 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 28/2017/NĐ-CP. Và tháng 5/2021, chủ phim là Công ty TNHH Le Biens đã bị Thanh tra Bộ VHTTDL ra quyết định xử phạt 35 triệu đồng.
Bên cạnh việc không có giấy phép phổ biến phát hành phim mà đã đưa phim đi dự thi, phim “Vị” cũng như “Ròm” đều vi phạm thêm hành vi có đối tác hợp tác thực hiện phim là người nước ngoài. Phim “Vị” hợp tác với một số nhà sản xuất quốc tế như Singapore, Pháp, Thái Lan, Đức và Đài Loan (Trung Quốc).
Với hai hành vi như trên, song chủ phim “Vị” chỉ bị phạt 35 triệu đồng, ít hơn 5 triệu so với phim “Ròm”.
Sau khi bị xử phạt, Công ty TNHH Le Biens đã gửi phim tới Cục Điện ảnh để cơ quan chức năng thẩm định. Kết cục, Hội đồng duyệt phim Quốc gia đã không cấp phép phổ biến phát hành phim. Khi trả lời báo chí, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: “Nội dung phim truyền tải bức bối của người lao động, không có gì đáng phê phán, nhưng cảnh nude quá dài, không phù hợp văn hóa Việt. Tôi có trao đổi với êkíp về phương án sửa nhưng họ cho biết không quay đủ cảnh để lấp vào các trường đoạn khỏa thân”.
Không chỉ phim chưa có quyết định được phép phổ biến phát hành bị xử phạt mà ngay cả phim được cấp phép cũng vẫn có thể bị coi là chưa cấp phép. Thực tế đã xảy ra hiện tượng này. Vào tháng 5/2019, bộ phim “Vợ ba” vừa ra rạp đã bị cơ quan chức năng “thổi còi” khi bản chiếu tại rạp khác bản được cấp phép. Đơn vị sản xuất và rạp chiếu đã phải dừng chiếu và phải tuân thủ mức xử phạt 50 triệu đồng mà Thanh tra Bộ VHTTDL đưa ra.
Nhà báo Việt Văn, thành viên Hội đồng duyệt phim Quốc gia cho rằng: So với quy định pháp luật của một số nước trong khu vực thì mức xử phạt ở Việt Nam quá nhẹ. Điều 49 Luật Xúc tiến công nghiệp điện ảnh của Trung Quốc quy định nếu cố tình phát hành phim chưa có phép sẽ bị tịch thu phim và các khoản thu lợi bất hợp pháp; với mức phạt tiền rất cao có thể từ 10 đến 20 lần số tiền thu lợi bất hợp pháp.
Cùng hành vi này, Luật Xúc tiến phim và video của Hàn Quốc quy định sẽ đình chỉ hoạt động kinh doanh trong một khoảng thời gian cố định không quá 3 tháng hoặc hủy đăng ký rạp chiếu phim. Và nặng nhất là Luật phim của Singapore quy định đối tượng vi phạm phải chịu mức phạt không vượt quá 40.000 đô la hoặc phạt tù với thời hạn không quá 6 tháng hoặc cả hai.
Chính vì quy định xử phạt nặng nên đạo diễn lừng danh Trương Nghệ Mưu đã phải kiên nhẫn sửa phim từ 2019 đến nay để được cấp phép. Hiện tại, bộ phim còn chưa ra rạp.
Chắc chắn, những quy định về duyệt phim ở nước ta sẽ cụ thể hơn, để bớt đi phần cảm tính của các thành viên. Những quy định cấm cũng sẽ được cụ thể, cân đong đo đếm được. Và chắc chắn, mức độ xử phạt sẽ tăng hơn hiện tại.
Và cuối cùng, để các chủ phim yên tâm duyệt phim để chiếu rạp, để dự thi, cơ quan quản lý nên rộng rãi trong việc để cho các phim đã được duyệt được tự do mang phim đi dự thi ở nước ngoài. Bởi vì mỗi liên hoan phim, mỗi ban giám khảo lại có tiêu chí riêng. Như thế mới góp phần tạo ra sự bình đẳng cho các nhà sản xuất, các chủ phim.
“Phim thi chui” là cụm từ để chỉ những bộ phim sản xuất trong nước, chưa được cấp phép phổ biến phim nhưng chủ sở hữu phim đã mang phim ra nước ngoài dự thi hay tham gia các liên hoan phim. Cho dù sau khi phim tham gia liên hoan phim nước ngoài đó được giải và được Hội đồng duyệt phim quốc gia cấp phép phổ biến thì vẫn gọi là “phim thi chui”.