Những sản phẩm đẹp mắt với thiết kế tinh xảo, độc lạ, khiến nhiều người tìm đến hỏi mua, cô gái 9X dần khẳng định thương hiệu các sản phẩm len móc miền Tây đến với khách hàng trong nước và quốc tế.
Nhiều năm qua, cũng như nhiều phụ nữ ở thành phố Cần Thơ, chị Lê Thanh Ái Nhi, hội viên Hội LHPN phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, đã tận dụng thời gian cùng sự hỗ trợ từ Hội phụ nữ, phát huy tay nghề nữ công sẵn có của mình, thành lập cơ sở sản xuất nhỏ mặt hàng thủ công đan len, móc len, với tên gọi “Len Thỏ”.
Bén duyên với nghề móc len
Lê Thanh Ái Nhi từng tốt nghiệp Trường cao đẳng Y tế Cần Thơ, chuyên ngành dược. Thế nhưng niềm đam mê với thủ công lại khiến cô gái rẽ hướng, quyết định để lại sau lưng tất cả, chỉ theo đuổi đam mê. Năm 2013, Ái Nhi chính thức khởi nghiệp cùng sản phẩm handmade móc len đầu tiên từ số vốn ban đầu 1 triệu đồng.
“Giờ nghĩ lại thấy mình gan quá. Ngày đó 2 vợ chồng khởi nghiệp chỉ có trong tay 1 triệu đồng và đam mê với nghề thôi chớ có gì nữa đâu. Khó khăn thì quá nhiều nhưng khó nhất vẫn là người ta không biết đến mình, chưa có tên tuổi trong giới làm handmade, các sản phẩm làm ra chưa đa dạng. Quyết tâm bám trụ với nghề tôi bàn với chồng chuyển hướng sang kinh doanh online và học hỏi trên mạng làm thêm các sản phẩm độc lạ. Sau 2 năm miệt mài, cuối cùng nghề đã không phụ mình. Hai vợ chồng đã có chỗ đứng trong giới làm đồ handmade. Cửa hàng đầu tiên đã được khai trương với tên “Len Thỏ”. Các sản phẩm ở “Len Thỏ” luôn được cập nhật xu hướng mới phù hợp thị hiếu khách hàng” Chị Ái Nhi tâm sự.
Khi được hỏi về bí quyết thành công với nghề, chị Nhi cho biết: "Bí quyết duy nhất là đam mê với nghề, khi làm sản phẩm không đặt tiền lên hàng đầu nữa mà là chất lượng lên hàng đầu. Đồng thời muốn khẳng định với mọi người len có thể làm ra rất nhiều sản phẩm từ đồ trẻ em, áo khoác, khăn choàng, nón, gấu bông, đến những sản phẩm tinh xảo như túi xách, búp bê cưới và thậm chí là áo dài..."
“Thời gian tới, tôi mong muốn sẽ thể mở một showroom len ngay tại Cần Thơ, để khẳng định với mọi người khắp các vùng miền của đất nước là không phải chỉ ở những vùng lạnh như Đà Lạt mới phát triển nghề đan len mà ngay tại miền Tây chúng tôi cũng có thể tạo ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng. Dù con đường đi đến ước mơ mở showroom len còn rất dài và chông gai nhưng 2 vợ chồng sẽ cố gắng” Ái Nhi trải lòng về những dự định sắp tới.
Bằng tay nghề vốn có, Nhi còn hướng dẫn dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều bạn trẻ thông qua những lớp dạy học online, trực tiếp từ cơ bản đến nâng cao. Hiện tại Nhi còn tạo ra việc làm cho 4 đến 5 lao động. Những bạn có tay nghề tương đối tốt, được Ái Nhi giao đơn hàng, tạo thêm thu nhập mỗi người từ 5-8 triệu đồng/tháng.
Để chị em an tâm khởi nghiệp
Mô hình khởi nghiệp của Ái Nhi bước đầu tạo ra hiệu ứng tích cực tuy nhiên vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn. Năm 2018, Ái Nhi đã mạnh dạn tham gia Câu lạc bộ “Phụ nữ khởi sự kinh doanh” của Hội LHPN phường Thới Bình, quận Ninh Kiều. Tại đây, chị đã được hỗ trợ vay vốn 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, để mở rộng cho việc kinh doanh.
Chị Nguyễn Hoài Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, Cần Thơ cho biết: “Ái Nhi là nhân tố tài năng trẻ truyền lửa để cho niềm đam mê của các bạn trẻ như bây giờ muốn khởi nghiệp tự tin hơn, định hướng cho mình trong tương lai, thì Hội phụ nữ phường sẽ có nhiều nhân tố giống như Nhi để cùng phát triển, vươn lên"
“Để tiếp sức cho mô hình của Nhi có thể ngày càng đứng vững Hội đã hỗ trợ để Nhi vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội. Ngoài hỗ trợ về vốn, Hội còn đưa sản phẩm của Ái Nhi tham gia phiên chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, triển lãm hàng thủ công… Qua mỗi lần tham dự giới thiệu sản phẩm, Hội thấy được sự yêu thích của khách hàng dành cho mặt hàng thủ công do “Len Thỏ” làm ra. Có thể nói, Ái Nhi là một trong những tấm gương phụ nữ vươn lên khởi nghiệp thành công.” Chị Hương cho biết thêm.
Theo bà Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Cần Thơ, nhiệm vụ hỗ trợ cho phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp là nhiệm vụ được ưu tiên. Đồng hành cùng hội viên, tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, Hội LHPN đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho phụ nữ, gắn kết chặt chẽ với việc giới thiệu, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nữ.
Hội luôn tạo điều kiện để các chị em có thể tham gia phát triển kinh tế, phát huy ý tưởng, sáng tạo để thực hiện thành công các mô hình khởi nghiệp, ngày càng nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội. Điển hình là Hội viên Lê Thanh Ái Nhi sau khi tiếp cận nguồn vốn vốn, bạn đã sử dụng hiệu quả. Đến nay nhiều sản phẩm của bạn đã đến được thị trường của 15 quốc gia như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nga,…góp phần cùng thành phố thực hiện thành công Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”; đồng thời, khuyến khích mạnh mẽ chị em ở các cấp hội cơ sở tự tin, dám nghĩ, dám làm, ý tưởng dù nhỏ hay lớn đều đáng quý.
"Trong thời gian tới, Hội sẽ tập trung hỗ trợ, đẩy mạnh các mô hình, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp cho chị em, nâng cao năng lực khởi nghiệp. Đây sẽ là định hướng chính để chúng tôi tập trung hỗ trợ cho phụ nữ trên địa bàn thành phố", bà Thúy Hằng cho biết.
Từ số vốn 1 triệu đồng khởi nghiệp năm 2013, sau gần 8 năm, Lê Thanh Ái Nhi đã có thương hiệu riêng “Len Thỏ”, với doanh thu trung bình hàng tháng trên dưới 10 triệu đồng. Ái Nhi cũng vinh dự nhận bằng khen của thành phố “Đã có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tiêu biểu” năm 2019, 2020. Mô hình khởi nghiệp từ len của Lê Thanh Ái Nhi bước đầu tạo được hiệu ứng tích cực cho phong trào khởi nghiệp của phụ nữ và cổ vũ tinh thần cho những người dám đương đầu với khó khăn thách thức để thực hiện ước mơ. Ái Nhi đã chứng minh được câu nói “Chỉ cần bạn theo đuổi đam mê thành công sẽ theo đuổi bạn”.