Cơ hội cho Mỹ và các nước Mỹ Latinh

Hà Anh 02/04/2022 07:00

Giới chuyên gia nhận định, giá năng lượng tăng cao là cơ hội cho ngành dầu khí Mỹ và một số nước Mỹ Latinh có thể tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu mới, vẫn còn nhiều trở ngại mà các nước cần phải vượt qua.

Các nước Mỹ Latinh đang thay đổi mục tiêu tăng cường khai thác dầu. Ảnh: Reuters

Cơ hội giảm nhiên liệu hóa thạch

Giá các loại năng lượng tăng vọt trong thời gian qua do tác động của cuộc chiến tại Ukraine đã gây ra không ít hệ lụy trên thị trường toàn cầu. Thế nhưng, giới chuyên gia nhận định đây cũng chính là cơ hội không những khiến ngành dầu khí của nước Mỹ có thể tăng trưởng nhanh chóng mà còn tạo điều kiện để nước Mỹ giảm bớt tiêu thụ năng lượng hóa thạch và tiến nhanh tới mục tiêu đạt mức phát thải bằng không.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cam kết cắt giảm hoàn toàn lượng khí thải CO2 và các loại khí thải nhà kính khác vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, chính quyền của Tổng thống Biden đã ra nhiều quy định và sắc lệnh để có thể tiến dần tới mục tiêu tích cực xử lý rò rỉ khí methane từ các đường ống hay giếng dầu và hạn chế cho thuê hay khoan dò trên đất liên bang, chuyển dần sang năng lượng sạch.

Tuy nhiên, cho dù nước Mỹ có cắt giảm sản xuất nhiên liệu hóa thạch thì nhu cầu sử dụng các loại năng lượng này trên toàn cầu vẫn rất cao. Chính vì vậy, khi nhiều nước ngừng nhập dầu của Nga thì đây chính là cơ hội cho nước Mỹ.

Mỹ có thể vừa bán được nhiều hơn các sản phẩm dầu khí, vừa ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả hơn thông qua áp thuế các công ty gây phát khí thải và áp thuế đối với nhập khẩu năng lượng nhưng không áp thuế đối với năng lượng xuất khẩu.

Châu Âu, vốn nhập tới 45% tổng lượng khí đốt từ Nga hiện muốn chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu của Nga và Mỹ đã cam kết sẽ xuất thêm 15 tỷ mét khối khí hóa lỏng (LNG) cho châu Âu trong năm nay và sau đó 50 tỷ mét khối mỗi năm sau đó, tương đương khoảng 1/3 lượng khí đốt mà châu Âu nhập của Nga trong năm 2021.

Hãng nghiên cứu thị trường năng lượng Rystad Energy ước tính thị phần LNG của Mỹ trên thị trường toàn cầu sẽ tăng từ 19% trong năm 2021 lên 28% vào năm 2030.

Còn với dầu mỏ, các lệnh trừng phạt của phương Tây dự kiến sẽ khiến Nga bị ngừng xuất khoảng 3 triệu thùng mỗi ngày kể từ tháng 4, theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nên lượng dầu mỏ Mỹ sản xuất sẽ tăng khoảng 1,3 triệu thùng mỗi ngày và đạt mức 12,8 triệu thùng/ngày vào tháng 12 tới.

Thúc đẩy trở lại hoạt động sản xuất dầu khí

Giá năng lượng tăng cao đã thay đổi mục tiêu của Peru và các quốc gia trên khắp Mỹ Latinh và xa hơn nữa là tìm cách giảm sự phụ thuộc vào dầu của nước ngoài. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã cắt giảm hàng triệu thùng dầu mỗi ngày ra khỏi thị trường toàn cầu. Điều này làm tổn hại đến nông dân, thương gia và lạm phát tăng cao.

Chính phủ Peru đã muốn tăng cường khai thác dầu tại một số mỏ ở vùng Amazonian khi giá dầu thô toàn cầu tăng cao do lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Nga. Lô 192 là một trong số các khu vực cần khởi động lại. Nằm sâu trong rừng rậm Amazon ở phía Bắc Peru, trong nhiều thập kỷ, Lô 192 là một trong những nơi sản xuất dầu hàng đầu của nước này.

Peru hiện nhập khẩu 80% dầu mỏ, xăng và dầu diesel, một con số mà Tổng thống Pedro Castillo quyết tâm giảm. Chính quyền của ông đã thúc đẩy công ty dầu khí nhà nước đang gặp khó khăn Petroperu khởi động lại hoạt sản xuất dầu sau nhiều thập kỷ, mặc dù nó vẫn ở mức dưới 1.000 thùng/ngày.

Vào thời kỳ đỉnh cao của những năm 1980, sản lượng của Petroperu là khoảng 200.000 thùng / ngày, sau đó con số đã giảm mạnh trong quá trình tư nhân hóa khiến công ty phải tạm dừng sản xuất để tập trung vào lọc dầu và phân phối. Tổng thống Castillo cũng đang tìm cách thúc đẩy sản xuất khí đốt tự nhiên trong nước để nhiên liệu có thể "đến được với mọi nhà".

Cuối năm ngoái, cựu Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ của Peru, Eduardo Gonzalez đã thay mặt chính phủ đến Houston, Mỹ để chào hàng với các nhà đầu tư dầu mỏ tiềm năng mà ông từ chối nêu tên. “Tương lai lý tưởng là tự cung tự cấp về dầu mỏ” - ông Gonzalez nói. Đây là một mục tiêu vô cùng tham vọng đối với Peru.

Theo Bộ Năng lượng và Mỏ Peru, hiện nay, nước này chỉ khai thác được 40.000 thùng dầu mỗi ngày, con số ít nhất so với những quốc gia ở Mỹ Latinh. Nếu Lô 192 được tái khởi động, nó có thể tăng thêm 25.000 thùng/ngày vào sản lượng của đất nước.

Tuy nhiên, xung đột ở Ukraine đã đặt ra tiêu điểm về an ninh năng lượng trên toàn cầu. Các nhà lãnh đạo trên khắp châu Mỹ Latinh giàu tài nguyên đang cố gắng mua cây trồng từ các nguồn cung cấp trong nước.

Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso đang thúc đẩy Tập đoàn Petroecuador, thuộc sở hữu nhà nước, tăng sản lượng dầu lên gấp đôi. Argentina gần đây đã đưa ra kế hoạch cho 1 đường ống dẫn khí đốt tự nhiên lớn để tăng công suất trong nước. Và công ty năng lượng nhà nước YPF đặt mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng dầu trong 5 năm tới.

Tăng sản lượng là rất quan trọng "đặc biệt là với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, bởi chiến tranh ảnh hưởng đến tất cả mọi người" - Bộ trưởng Năng lượng Argentina Darío Martínez nói và thông báo rằng, sản lượng dầu hàng tháng của nước này đang ở mức cao nhất trong 11 năm là 571.000 thùng/ngày.

Ông Torre - Tổng Giám đốc của Công ty Petroperu cho biết, Lô 192 là chìa khóa cho Peru, cũng như kế hoạch mở rộng nhà máy lọc dầu Talara của công ty này trị giá 5 tỷ USD.

“Vai trò của Công ty Petroperu đang lớn hơn nhiều so với trước khi cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra. Giá cả ở “trên mây” và xuất hiện những vấn đề về sự thiếu hụt nguồn cung dầu đến Nam bán cầu, vì vậy hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn" - ông Torre nói.

Tài chính cũng là một vấn đề. Nhiều nhà cho vay phương Tây ngày càng thận trọng với việc thu lời từ các hoạt động sản xuất dầu ở Amazon, nơi mà việc bảo tồn rừng được các nhà nghiên cứu khí hậu coi là rất quan trọng để chống lại biến đổi khí hậu. Diện tích rừng nhiệt đới của Peru chỉ đứng sau Brazil.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội cho Mỹ và các nước Mỹ Latinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO