Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, trong thời kỳ hội nhập hiện nay việc Việt Nam tham gia ký kết các Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương (FTA) sẽ tạo ra nhiều cơ hội chắp cánh cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Chủ động chớp lấy thời cơ, hóa giải những bất lợi là việc các doanh nghiệp phải làm khi “đón sóng” các FTA.
FTA thế hệ mới chính là cơ hội để các DN nâng cao năng suất lao động, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, từng bước nâng sức cạnh tranh. Ảnh: TL.
Nâng sức cạnh tranh
Trong hai năm trở lại đây, Việt Nam đã thực hiện khá nhiều các cuộc ký kết giao thương với nhiều nước, khu vực trên thế giới thông qua các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA). Chính nhờ đó, môi trường đầu tư kinh doanh, kinh tế cũng như thể chế của Việt Nam đã có nhiều thay đổi vượt bậc. Đây chính là tiền đề tạo những bước đi vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), từ đó thúc đẩy sự phát triển của toàn nền kinh tế, hướng đến sự bền vững.
Điều này thể hiện rất rõ qua những con số: Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, giai đoạn 2007-2017, nhờ nỗ lực thực thi cam kết WTO và một loạt FTA, xuất khẩu hàng hóa giữ xu hướng tăng, tốc độ tăng xuất khẩu bình quân ước đạt 16,6%/năm. Tốc độ nhập khẩu trung bình đạt 15,1%/năm trong giai đoạn 2007-2017, thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2000-2006 là 21,1%/năm. Cũng từ việc nỗ lực thực thi các FTA, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng thông thoáng, tươi sáng hơn.
Trong 2 năm 2016- 2017, môi trường kinh doanh nước nhà chứng kiến sự khởi động mới của hơn 100 ngàn DN. Nếu xét về từng lĩnh vực, ngành nghề, có thể khẳng định, trong khoảng 1 thập kỷ qua, dệt may là lĩnh vực đón nhận nhiều thành quả đáng kể.
Điều này được ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) nêu rõ: Sau 10 năm tham gia WTO, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may đã đạt 31 tỷ USD, cùng với đó là việc tận dụng tốt các Hiệp định FTA. Theo đó, các DN dệt may nước nhà đã từng bước chinh phục được nhiều thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Theo vị lãnh đạo Vinatex, các FTA thế hệ mới chính là cơ hội để các DN trong ngành chủ động vươn lên, nâng cao năng suất lao động, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, từng bước nâng sức cạnh tranh.
“Trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào thế giới hội nhập, ngành dệt may mong muốn Chính phủ quan tâm thúc đẩy các FTA thế hệ mới, tham vấn DN trong các đàm phán, hệ thống ngân hàng thúc đẩy thanh toán. Đồng thời, DN cũng cam kết tự nâng cao năng lực nghiên cứu thị trường, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định FTA...”- ông Trường nêu quan điểm.
Tương tự, các DN ngành khác như da giày, nông lâm thủy hải sản… cũng có những hướng thay đổi, tái cơ cấu để phù hợp với xu hướng hội nhập. Con số kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đạt mức hơn 18 tỷ USD trong năm 2017 là minh chứng rõ nhất cho điều đó.
Theo Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam, ngành da giày nhiều khả năng sẽ có sức bật tốt hơn năm 2017 bởi có nhiều yếu tố thuận lợi từ việc ký kết các FTA. Rõ nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ được ký kết vào giữa năm 2018.
Ngành da giày dự kiến sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD nhờ việc ký kết các FTA thế hệ mới.
Thách thức
Mặc dù vậy, theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, các FTA thế hệ mới cũng đưa các DN Việt Nam đứng trước cả cơ hội và thách thức khi mà mức độ cam kết được đưa ra ở các FTA ngày càng cao. Bà Đặng Thị Minh Loan, Phó Giám đốc điều hành VinaCapital cho rằng, có hai thách thức lớn đối với DN Việt, đó là quy mô vốn đầu tư, năng lực sản xuất, thị trường, mạng lưới khách hàng và phát triển đội ngũ lãnh đạo. DN nhận được nhiều đóng góp vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế nhưng khó tìm được đội ngũ lãnh đạo để mở rộng đầu tư. Theo bà Loan, thực tế hiện nay, phần lớn các DN Việt Nam đều gặp khó khăn này.
Thừa nhận rằng các DN Việt sẽ phải đối diện với những thách thức không nhỏ khi Việt Nam ký kết các FTA thế hệ mới, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các khó khăn vướng mắc hiện nay trong hội nhập chủ yếu đến từ DN trong nước. Những khó khăn đó được vị chuyên gia chỉ rõ bao gồm: Các hàng rào phi thuế quan (còn gọi là hàng rào kỹ thuật); các chuẩn mực của các công ty đa quốc gia và một điều quan trọng hơn, đó chính là những thách thức từ nội tại đang kìm hãm khiến các DN trong nước không tận dụng được các cơ hội của hội nhập.
Ông Cung cho rằng, các DN cần phải có thái độ rất tích cực với các chuẩn mực từ các Hiệp định FTA, các tập đoàn đa quốc gia đã hoạt động ở Việt Nam. Như thế mới có thể tận dụng được cơ hội tiếp cận thị trường nếu như không muốn bị loại khỏi cuộc chơi hội nhập sâu rộng này. Bản thân các DN cần phải rất nỗ lực, chủ động trong việc thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến… Vì chỉ có chủ động những điều này, DN Việt mới có thể chiếm lĩnh được niềm tin của thị trường.
“Cải cách đầu tiên chính là thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Tiếp đó là thay đổi thái độ của cơ quan nhà nước trong việc tiếp cận với DN theo hướng hỗ trợ. Hiểu DN cũng như đối tác của DN nhiều hơn để giải quyết vấn đề nội tại, như vậy mới giúp DN vượt qua được những rào cản từ bên ngoài và tận dụng được các cơ hội mà các FTA mang lại”- ông Cung nhận định.