Mạng di động thế hệ thứ 5 - mạng 5G đã dần quen thuộc hơn với nhiều người dân Việt Nam khi dịch vụ này đang trong giai đoạn thương mại hóa. Giới quan sát cũng như nhiều chuyên gia bày tỏ kỳ vọng, mạng 5G sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tạo động lực phát triển mới cho nền kinh tế của đất nước.
Động lực phát triển kinh tế số
Trong chiến lược phát triển, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 và 2030, kinh tế số sẽ đóng góp tương ứng 20% và 30% GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% vào năm 2025, tăng lên gấp đôi vào năm 2030. Việt Nam phấn đấu nằm trong số 30 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh và đổi mới sáng tạo vào cuối thập kỷ này.
Và việc phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Nội dung này bao gồm xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng, chất lượng cao trên toàn quốc; quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng mạng di động 5G, sớm thương mại hóa mạng di động 5G; mở rộng kết nối internet khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối khu vực; phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT)…
Ngày 15/10 vừa qua, mạng 5G chính thức được Viettel triển khai tại nhiều tỉnh thành, với hơn 6.500 trạm thu phát sóng. Sau đó VinaPhone đã triển khai kế hoạch trải nghiệm miễn phí 5G cho người dân. MobiFone đang tập trung triển khai các công việc tiếp theo, đảm bảo các điều kiện để sẵn sàng cho việc thương mại hóa 5G như đầu tư thiết bị phát sóng, vùng phủ sóng; xây dựng các chương trình, kịch bản kinh doanh, hoàn thiện các dịch vụ 5G.
Sự hiện diện của mạng 5G đang tạo ra một làn sóng kỳ vọng mới trong cộng đồng, hứa hẹn mang lại những thay đổi tích cực trong đời sống của người dân.
Nhiều người dân đã chia sẻ, sau những trải nghiệm đầu tiên đều nhận thấy tốc độ vượt trội của 5G, cho phép tải xuống dữ liệu nhanh chóng, một số chương trình cũng tải về chất lượng cao cả về âm thanh lẫn hình ảnh. Từ đây tạo nền tảng để các doanh nghiệp (DN) sáng tạo, phát triển những dịch vụ, ứng dụng mới.
Đại diện của Viettel cho biết, trong điều kiện thực tế, tốc độ tối đa của 5G Viettel lên đến gần 2.000 Mbp/s, tốc độ trung bình từ 700 Mbps - 1.000 Mbps. Điều đó đồng nghĩa, để tải 1 bộ phim trung bình với dung lượng 1 Gb, người dùng chỉ mất thời gian đúng bằng 1 click chuột.
5G là thế hệ thứ 5 của công nghệ di động không dây. Công nghệ 5G mang đến tốc độ kết nối tối đa ở điều kiện lý tưởng là 10Gbps, con số này nhanh hơn gấp 10 lần so với tốc độ 1Gbps của công nghệ 4G. Điều này giúp cung cấp trải nghiệm trực tuyến nhanh chóng, liền mạch cùng độ trễ rất thấp.
Bà Rita Mokbel - Chủ tịch Ericsson Việt Nam nhận định, đối với Việt Nam, 5G sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mạng 5G riêng (private 5G network) sẽ cho phép các DN đổi mới sáng tạo và giảm chi phí, đồng thời mang lại cơ hội doanh thu mới cho các nhà mạng viễn thông. Nhìn chung, 5G sẽ là công cụ quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, dự kiến sẽ đóng góp 20% GDP của đất nước vào năm 2025” - bà Rita Mokbel đánh giá.
Cũng theo bà Rita Mokbel, dự báo 5G sẽ chiếm trên 50% thuê bao di động tại Việt Nam vào năm 2029. Khi được triển khai thương mại tại Việt Nam, mạng 5G sẽ mang lại trải nghiệm tốt hơn; giáo dục từ xa, chơi game, trải nghiệm video tốt hơn, tương tác nhanh hơn… 5G có tiềm năng trở thành một nhân tố chuyển đổ quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, cho phép tự động hóa, nâng cao năng suất và tối ưu hóa quản lý tài nguyên. Các ngành như sản xuất, logistics và thành phố thông minh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Đóng góp khoảng 7,34% vào tăng trưởng GDP năm 2025
5G đang được ứng dụng phổ biến ở nhiều nước. Tại Đức và Nhật Bản, 5G hỗ trợ các DN sản xuất thông minh và tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Ở Mỹ và Hàn Quốc, 5G được sử dụng để phát triển xe tự lái và hệ thống giao thông thông minh, trong khi Anh và Trung Quốc áp dụng công nghệ này trong y tế từ xa.
Các nền tảng thương mại điện tử và giải trí tại Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng tận dụng 5G để nâng cao trải nghiệm người dùng. Ngoài ra, Hà Lan và Australia ứng dụng 5G trong nông nghiệp thông minh, giúp tăng sản lượng và giảm chi phí. Tại Việt Nam, 5G đang được thương mại hóa góp phần vào mục tiêu chuyển đổi xanh. Các lĩnh vực có tiềm năng đẩy mạnh quá trình số hóa được củng cố bởi khung pháp lý hiện hành có thể kể đến như ngân hàng, DN ứng dụng công nghệ tài chính, các DN kinh doanh sàn thương mại điện tử và các DN đưa hoạt động cung ứng hàng hóa, dịch vụ lên sàn.
Theo ông Hà Đông Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), mạng 5G đã phát huy tác dụng tối đa trong việc kết nối toàn bộ robot, máy móc với hệ điều hành trung tâm trong quy trình sản xuất, phục vụ đắc lực cho hoạt động chia, chọn hàng hóa. Khi chưa có công nghệ 5G, việc kết nối giữa các robot trong hệ thống gặp nhiều khó khăn do thế hệ mạng di động 4G tốc độ xử lý chậm hơn mạng 5G.
“Trong một nhà máy, số lượng robot tự động có thể lên tới hàng trăm, vì vậy, chỉ cần một robot hoặc một thiết bị máy móc bị chậm, lệch nhịp sẽ kéo theo tốc độ của cả quy trình sản xuất bị chậm” – ông Tùng nói. Khi một robot xử lý chậm hơn robot khác sẽ dễ dẫn đến va chạm, gây nguy hiểm cho hệ thống. Vì vậy, tốc độ xử lý nhanh, mạnh mẽ của 5G sẽ phát huy hiệu quả khi được sử dụng vào hoạt động kết nối, điều khiển máy móc. “Bên cạnh đó, công nghệ 5G sẽ được sử dụng để điều khiển các robot làm việc trong các kho hàng, bến bãi, những nơi chật hẹp và môi trường thiếu ánh sáng, độc hại, từ đó giảm gánh nặng công việc và mức độ nguy hiểm cho con người” - ông Tùng cho biết.
Như vậy song hành cùng xu hướng mạng 5G đang được triển khai rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã chính thức gia nhập cuộc chơi. Giới chuyên gia đặt ra kỳ vọng, việc thương mại hóa 5G sẽ là động lực cho sự phát triển và chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế số tại Việt Nam. Chia sẻ với báo giới ông Khánh Nguyễn - Phó chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật số (EuroCham) phân tích, với khả năng kết nối vượt trội và tốc độ truyền tải dữ liệu cao, công nghệ 5G được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam bằng cách cải thiện kết nối và thúc đẩy sự bùng nổ của các thiết bị Internet vạn vật (IoT), qua đó thúc đẩy sự đổi mới trong các lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất, chăm sóc sức khỏe và thành phố thông minh; thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử và mở ra cơ hội kinh tế mới trong các dịch vụ kỹ thuật số, sáng tạo nội dung. Ngành công nghiệp sản xuất sẽ được hưởng lợi từ các nhà máy thông minh và chuỗi cung ứng được tối ưu hóa. Dịch vụ công sẽ được cải thiện với những tiến bộ trong chính phủ điện tử... Nhìn chung, 5G đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế và hạ tầng của Việt Nam.
Báo cáo Chiến lược của Viện Thông tin và Truyền thông quốc gia, với dự báo, 5G sẽ đóng góp khoảng 7,34% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2025.
Bà Rita Mokbel - Chủ tịch Ericsson Việt Nam nhấn mạnh, từ trước đến nay, các nhà mạng chỉ tập trung vào thuê bao cá nhân, nhưng với 5G, các nhà mạng có thể tiếp cận thị trường DN, số hóa các DN, từ đó tạo ra nguồn doanh thu mới. Hơn thế, các nhà mạng viễn thông sẽ trở thành nền tảng của sự đổi mới sáng tạo khi họ mở nền tảng mới 5G cho các nhà phát triển giải pháp ứng dụng.
Các cơ hội mở ra từ mạng 5G là rất lớn, song khai thác sao cho hiệu quả cũng là vấn đề lớn. Ông Nguyễn Đình Tuấn, Thành viên, Hội đồng thành viên, Tổng công ty Viễn thông MobiFone chia sẻ 3G và 4G, 5G cũng là hạ tầng số, nhưng 5G có các đặc điểm là tốc độ cao, băng thông rộng, độ trễ thấp, từ đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp tận dụng công nghệ tiên tiến để phát triển, tạo ra giải pháp cho chính mình. Tuy nhiên, phát triển 5G vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức.
Với DN viễn thông, triển khai 5G như thế nào và khai thác một cách hiệu quả là thách thức lớn. Ví dụ, với 2G, chỉ cần 20.000 trạm để phủ 100% diện tích Việt Nam; 3G cần 30.000 – 35.000 trạm; 4G cần khoảng 40.000 – 60.000 trạm là có thể phủ 100%, nhưng 5G cần vài trăm nghìn trạm, thậm chí hàng triệu trạm. Theo đó, để có mạng 5G phục vụ cho xã hội là thách thức rất lớn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Viết Tiến- Phó Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, dù Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu trong thử nghiệm 5G nhưng để chuyển đổi số và hạ tầng số thành công, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, nhà mạng và đơn vị cung cấp giải pháp. Trong đó, người dùng cuối cần được hỗ trợ sử dụng. Đơn vị cung cấp giải pháp và hạ tầng cần đưa ra giải pháp thân thiện với người dùng. Cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành các nghị định, thông tư, hướng dẫn cụ thể, phù hợp…
Ông Hoàng Viết Tiến - Phó Chủ tịch quỹ đầu tư MarsConnect, Phó Tổng thư ký Hội truyền thông số Việt Nam
5G – nhân tố chuyển đổi quan trọng
Một trong những giải pháp để phát triển hạ tầng số nhằm phát triển kinh tế số là phát triển 5G. 5G có tiềm năng trở thành một nhân tố chuyển đổi quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, cho phép tự động hóa, nâng cao năng suất và tối ưu hóa việc quản lý tài nguyên. Các ngành dịch vụ, sản xuất là những lĩnh vực có thể hưởng lợi từ dịch vụ 5G mang lại nhờ các ứng dụng như thành phố thông minh, nhà máy thông minh, lưới điện thông minh, logistics...
Đây là một trong những cơ hội đầu tư và phát triển khá nhiều cho nền kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế số. 5G sẽ mở ra một chương mới, tác động đến 3 thành phần chủ yếu trong xã hội là: Chính phủ, DN và người dùng cuối. Chúng ta thấy được sự thay đổi lớn về chuyển đổi số giai đoạn vừa rồi phục vụ người dân kết nối, giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và công sức, mang lại giá trị thật cho quản lý nhà nước; Đối với DN, 5G mở ra nhiều cơ hội phát triển mới trong các lĩnh vực như IoT, nhà máy thông minh, xe tự lái và logistics tự động hóa, công nghệ AI, dữ liệu mới, những công nghệ này giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, gia tăng hiệu suất và cải thiện khả năng cạnh tranh; Đối với người dùng cuối: Được hưởng lợi ích, giá trị của chính phủ và DN mang lại, tạo điều kiện thuận lợi, tối ưu hóa và giảm thiểu thời gian tương tác với với dịch vụ công, đối với DN, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dùng và hưởng lợi từ những tiện ích mang lại.
Thái Nhung (ghi)
Chuyên gia Ngô Minh Hiếu (Đồng sáng lập Công ty TNHH Doanh nghiệp chống lừa đảo):
Hứa hẹn nhiều đột phá
Phủ sóng 5G hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thay đổi đáng kể cho nền kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ, sản xuất và dịch vụ. Một số kỳ vọng và đột phá có thể kể đến bao gồm: Cải tiến trong ngành công nghiệp và sản xuất như tự động hóa thông minh, Internet vạn vật (IoT); Chuyển đổi số và nền kinh tế số. 5G sẽ hỗ trợ sự phát triển của các dịch vụ trong các lĩnh vực như giải trí, giáo dục và thương mại điện tử, tăng cường giao dịch trực tuyến; Phát triển các thành phố thông minh như quản lý năng lượng và giao thông, tăng cường hệ thống giám sát; Đối với lĩnh vực y tế, có sự hỗ trợ của 5G, các cuộc phẫu thuật từ xa và giám sát y tế liên tục sẽ trở nên thực tế và phổ biến hơn, mang lại lợi ích lớn cho bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa, phân tích dữ liệu y tế cá nhân, tạo ra các giải pháp chăm sóc sức khỏe cá nhân hóa...
Tuy nhiên, 5G không chỉ mang lại cơ hội mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh mạng, đặc biệt đối với các DN, bao gồm: Làm tăng khả năng tấn công mạng; 5G sẽ sử dụng nhiều điểm truy cập và mạng lưới phi tập trung hơn so với 4G, điều này tạo ra nhiều lỗ hổng hơn trong hệ thống và có thể khiến việc quản lý bảo mật trở nên khó khăn hơn, khả năng tấn công DDoS quy mô lớn hơn; Các vấn đề về bảo mật dữ liệu... Do đó, khi các mạng 5G được quản lý bởi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, việc chọn lựa các đối tác uy tín với cơ sở hạ tầng bảo mật tốt sẽ là yếu tố quan trọng để giảm thiểu rủi ro bảo mật cho DN.
Thái Nhung (ghi)