Thông tư 29 siết dạy thêm, học thêm trong nhà trường mới có hiệu lực và đã triển khai được khoảng 2 tháng qua. Song mới đây chủ trương về việc học sinh các cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông sẽ phải học 2 buổi/ngày khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Bởi thực tế đã cho thấy ranh giới giữa học 2 buổi với dạy thêm rất mong manh.
Mới đây, tại buổi kiểm tra, khảo sát về tình hình triển khai học bạ số, xây dựng học liệu số và tổ chức dạy 2 buổi/ngày đối với giáo dục phổ thông, đại diện Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) cho hay, sắp tới sẽ hướng tới yêu cầu bậc THCS, THPT dạy 2 buổi/ngày.
Việc học 2 buổi/ngày, theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, có mục tiêu là bảo đảm thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), giảm áp lực cho học sinh và được tổ chức một cách bài bản. Thời gian tới, Bộ sẽ có hướng dẫn chung toàn quốc để thực hiện với từng cấp học, với quan điểm nâng cao chất lượng học chính khóa, giảm áp lực học tập cho học sinh nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả.
Không ít người băn khoăn, cho rằng việc dạy học 2 buổi/ngày với học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 là chưa hợp lý, học sinh cần có thời gian tự lập, tự học và trải nghiệm. Trong khi điều kiện cơ sở vật chất trường lớp ở khu vực thành thị còn hạn chế, có thể ảnh hưởng đến chất lượng dạy học 2 buổi/ngày.
Thậm chí cả phụ huynh, giáo viên đều cho rằng việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tại trường gây ra chồng chéo với quy định cấm dạy thêm thu tiền, nếu không có hướng dẫn cụ thể. Ranh giới giữa "dạy thêm" với các hoạt động do nhà trường chủ động xây dựng hiện mong manh, có những điểm mờ rất cần được làm rõ. Khi học ngày 2 buổi ở trường, tất cả học sinh trong lớp sẽ phải theo một chương trình chung, không có thời gian tự học để đạt mục tiêu riêng. Không phải em nào cũng phấn đấu thi vào trường THPT điểm, top đầu, nhiều em chỉ muốn học hết bậc THCS để vào trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên… Như vậy, tổ chức học 2 buổi/ngày với tất cả học sinh sẽ không đạt hiệu quả, làm tăng học phí và nếu không quản lý chặt ở các trường sẽ lại tiếp diễn các lớp dạy thêm, học thêm núp bóng bồi dưỡng kỹ năng. Thực trạng này đã xảy ra trong thực tế lâu nay.
Ở góc độ người học, một số học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội chia sẻ, từ ngày 14/2 đến nay, khi Bộ GDĐT áp dụng quy định không dạy thêm, học thêm có thu phí tại trường, nhiều học sinh đã đăng ký học thêm ở các trung tâm để bổ trợ kiến thức ôn thi vào lớp 10 THPT và thi tốt nghiệp THPT 2025. Đến nay, lịch học tập đã vào nền nếp, nên nhiều em dự tính sẽ duy trì kế hoạch này đến lớp 12. Ngoài ra, không ít học sinh còn đang học thêm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và ôn thi đánh giá năng lực để chuẩn bị cho việc xét tuyển ĐH vào năm 2026. Vì thế, nếu việc học 2 buổi/ngày là bắt buộc thì sẽ khiến học sinh khó xoay xở.
Những thấp thỏm đang đặt ra không phải không có cơ sở. Rằng việc dạy những gì ở buổi học thứ 2 trong ngày với mô hình dạy 2 buổi/ngày và học sinh có bắt buộc phải học 2 buổi/ngày không, hay là được lựa chọn theo nhu cầu? Rồi còn nữa là nội dung nào ở buổi học thứ 2 được thu tiền, nội dung nào không được phép thu tiền…? Tất cả đều cần phải được làm rõ trong bối cảnh việc siết dạy thêm - học thêm trong nhà trường vừa mới đi vào quỹ đạo. Để quy định dạy học 2 buổi/ngày không chồng chéo với việc cấm dạy thêm ở trường có thu tiền, Bộ GDĐT cần sớm có hướng dẫn để các trường thực hiện, vừa không chồng chéo, vừa không tạo thêm gánh nặng tài chính cho phụ huynh. Đặc biệt là để học sinh được hưởng sự giáo dục công bằng, hiệu quả.
Việc dạy - học 2 buổi/ngày làm sao phải để phụ huynh thấy con họ không phải mang bài về nhà làm. Cùng đó, phải đảm bảo quyền lợi của giáo viên (thu nhập, chế độ, đãi ngộ) được tăng lên - tương ứng cùng khối lượng công việc.