Có một nghề thầm lặng nhưng rình rập rủi ro

Hoàng Vân 06/08/2021 13:30

Những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ, người dân hạn chế ra đường. Thế nhưng mỗi buổi tối, trên từng con ngõ của Thủ đô, những công nhân vệ sinh môi trường vẫn cần mẫn với công việc thường lệ.

“Đi làm mùa này nhiều thứ sợ lắm”

Trời chỉ vừa chập tối, thế nhưng đường phố Thủ đô từ ngày áp dụng Chỉ thị 16 có phần vắng vẻ, thưa thớt người hơn so với độ trước. Dù vắng người qua lại, nhưng trên mỗi con ngõ, bóng lưng của những công nhân vệ sinh môi trường ngày đêm cần mẫn dọn dẹp đường phố vẫn rất lung linh, đẹp đẽ.

17h chiều, dọc trên các tuyến đường, vài công nhân vệ sinh môi trường đã bắt đầu ca làm việc mới. Ngày nào cũng vậy, họ mải mê với công việc dọn dẹp, quét rác, nhặt túi nilong làm đẹp cho thành phố.

Thi thoảng rảnh tay, họ truyền tai nhau về chuyện đồng nghiệp của mình là chị chị Lê Thị Trâm (39 tuổi, quê huyện Như Thanh, Thanh Hóa) hiện đang làm việc tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) bị cướp mất xe máy trong đêm khi đang làm việc trên đường Đại Mỗ. Ai nấy đều tỏ ra lo lắng, sợ hãi do tính chất công việc thường xuyên phải đi sớm về muộn.

Không ít người bày tỏ niềm thương cảm đối với những người lao công ngày đêm làm đẹp cho môi trường. Một số khác bày tỏ sự lo lắng cho những người làm công việc vất vả này, khi họ bất đắc dĩ phải làm việc ngay cả khi thành phố thực hiện giãn cách.

Ông Khái cho biết: "Nhiều lần đẩy xe rác lên dốc, tôi cảm thấy toàn thân đau nhức".

Ông Trịnh Ngọc Khái (56 tuổi, Nam Khởi, Nam Định), lên Hà Nội làm lao công đã được 5 năm nay, bàn tay thoăn thoắt nhặt nhạnh từng túi rác, ông nói vọng ra với đồng nghiệp: “Tôi mà rơi vào hoàn cảnh như thế cũng không biết làm gì, chắc chỉ xin giữ lại mạng sống”.

Ông Khái cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông phải lên Hà Nội làm lao công, thấm thoắt cũng được 5 năm nay. Năm năm qua, bằng chính những đồng lương ít ỏi từ công việc này, ông nuôi 4 người con ăn học. Vì thế, dù công việc nặng nhọc, vất vả, ông cũng đành cố gắng làm lụng để nuôi gia đình.

"Làm công việc này rất có hại cho sức khỏe nhưng vì đồng ra đồng vào nên tôi phải chấp nhận. Đợt này do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công ty tôi cắt giảm tiền lương. Đi làm mùa này còn sợ nhiễm bệnh, những hôm về muộn lại sợ bị cướp giật do đường vắng", ông Khái trải lòng về những nguy hiểm khi làm nghề lao công.

Bà Phạm Thị Vinh cho biết, bà thường tránh đi những cung đường tối để bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm.

19h tối, trời đổi sắc, nhá nhem tối, lúc này trên đường Liễu Giai, dòng người cũng thưa thớt dần. Thế nhưng, xe rác của bà Nguyễn Phạm Vinh (55 tuổi, Phú Thọ) đã đầy ắp những rác là rác. Bà cho hay, bà làm lao công đã 10 năm nay, ca làm việc của bà bắt đầu từ 19h tối - 2h sáng.

Từ khi nghe tin có đồng nghiệp bị cướp xe máy trong lúc làm việc, bà không khỏi lo sợ. Tuy nhiên do tính chất công việc nên bà đành chấp nhận. “Đi làm mùa này nhiều thứ sợ lắm”, bà than thở với PV Báo Đại Đoàn Kết Online.

Vất vả nhưng gắn bó và đầy tình người

Chú Luyến chỉ mong nhanh hết dịch, để nhịp sống trở lại bình thường.

Tròn 13 năm làm nghề, thậm chí là ngay cả khi dịch bệnh khó khăn, nhiều công nhân vệ sinh môi trường muốn nghỉ việc. Thế nhưng ông Phạm Văn Luyến (52 tuổi, Quan Hoa, Cầu Giấy) chưa từng có ý nghĩ sẽ nghỉ công việc đã gắn bó lâu năm.

Ông Luyến nghĩ rằng, vụ việc nữ công nhân môi trường bị cướp xe máy chỉ là một trong số ít trường hợp hi hữu. Ông không thấy lo sợ vì bản thân là con trai, nhiều kỹ năng, bình tĩnh để xử lý tình huống hơn phụ nữ.

“Bây giờ chỉ mong có thật nhiều sức khỏe, hết dịch để cuộc sống của những người lao động nghèo như tôi và nhiều người khác đỡ vất vả, hơn nữa làm nghề này nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Tôi chỉ mong dịch bệnh được kiểm soát”, ông Luyến bày tỏ mong muốn.

Gần 23h khuya, chị Lâm vẫn loay hoay với xe rác của mình, không biết công việc khi nào mới xong.

Trời mỗi lúc một tối, màn đêm phủ kín tại điểm tập kết rác nằm trên đường Phú đô (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội), lúc này những công nhân vệ sinh môi trường vẫn đang miệt mài với công việc dọn rác. Tranh thủ xách những bao tải rác cho vào thùng, chị Nguyễn Thùy Lâm (39 tuổi, Phú Đô, Hà Nội) cho biết, ngày nào cũng như ngày nào, công việc của chị bắt đầu từ 16h và kết thúc vào lúc 24h, hôm nào nhiều việc có thể làm đến 1, 2h sáng.

Gia đình chị Lâm có 4 người con gái đều đang độ tuổi ăn học thế nên mọi gánh nặng đều đổ dồn lên đôi vai vợ chồng chị. Chồng chị cũng làm trong lĩnh vực môi trường, tiền lương của 2 vợ chồng gộp lại khó đủ cho chị trang trải, nuôi 4 người con ăn học.

Công việc vất vả, khó nhọc thế nhưng vì đường phố Thủ đô, những người công nhân vệ sinh môi trường vẫn phải chấp nhận rủi ro để tô điểm cho từng con đường, ngõ ngách. Họ chỉ mong dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát.

“Nghề lao công, làm công nhân vệ sinh môi trường rất vất vả, lại tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Ngày trước, 22h tối còn có người qua lại, từ ngày thực hiện giãn cách, đường phố trở nên vắng vẻ hơn, lắm khi tôi cũng thấy sợ”, chị Lâm than thở.

Chị cho biết: "Hôm qua, tôi và đồng nghiệp ngồi với nhau cũng có xem lại video người lao công bị cướp xe máy khi đang làm việc trên đường Đại Mỗ, tôi thấy rất lo lắng nếu như bản thân cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự thì cũng không biết xử lý làm sao, chỉ mong họ đừng làm hại đến mình”.

“Đợt dịch này bọn tôi đi làm gặp rất nhiều áp lực, tâm lý luôn nặng nề, nơm nớp lo sợ, vì rất nguy hiểm, tuy nhiên vì do tính chất công việc không thể dừng được nên tôi vẫn phải làm, chỉ cầu trời mau hết dịch”.

Rạng sáng ngày 3/8, chị Trâm bị một nhóm thanh niên 4 người cướp xe máy trong lúc đang làm việc trên đường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm. Ảnh: Lê Khánh.

Những tưởng khó khăn, nguy hiểm là vậy, chị Trâm sẽ có tâm lý sợ làm nghề, nhưng trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, chị Lê Thị Trâm tâm tình: “Sau vụ việc bị cướp xe máy diễn ra, tâm trạng của tôi vẫn rất lo lắng, sợ hãi. Thế nhưng, tôi vẫn phải đi làm để kiếm miếng cơm manh áo. Tôi nghĩ rằng, mặc dù công việc có phần vất vả, khó khăn thế nhưng công việc này cũng có những niềm vui riêng, việc được nhìn thành phố sạch, đẹp là động lực để tôi đi làm mỗi ngày”.

Rất may là sau khi vụ cướp xe máy, câu chuyện của chị Trâm đã được cư dân mạng truyền tai nhau trên mạng xã hội, nhiều nhà hảo tâm đã “ra tay” mua tặng chị 4 chiếc xe máy để chị có phương tiện đi lại và làm việc. Đáng nói, ngay lập tức, chị Trâm đã có hành động đẹp, tặng lại 2 chiếc xe máy vừa nhận được cho hai đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn.

Bởi đối với chị: "Các đồng nghiệp đều khó khăn, thậm chí trong tổ làm cùng có 2 người khó khăn hơn cả, là một nữ lao công cũng bị cướp xe đêm hôm trước và một nam lao công xe bị cháy, đến nay cũng chưa có phương tiện đi lại".

Cũng như những đồng nghiệp của mình, mong ước của chị Trâm lúc này là hi vọng dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát và có thật nhiều sức khỏe để đi làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có một nghề thầm lặng nhưng rình rập rủi ro

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO