Xã hội

Có nên duy trì thuốc bảo vệ thực vật?

QUỐC ĐỊNH 01/01/2024 07:32

Thuốc bảo vệ thực vật có vai trò rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dư luận lại dấy lên trào lưu bài trừ sản phẩm có dùng thuốc bảo vệ thực vật, điều này gây khó khăn cho việc tiêu thụ hàng hóa cả ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

anh-bai-tren(2).jpg
Sử dụng đúng cách thuốc bảo vệ thực vật không gây hại đến sức khỏe cho người mà còn góp phần giúp ngành nông nghiệp phát triển. Ảnh: Quốc Định.

Gây hại do lạm dụng thuốc

Theo ước tính của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), tổn thất mùa màng do các loài sinh vật hại cây trồng gây ra trên toàn cầu hiện nay là khoảng 40%. Như vậy, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã giúp nông dân giảm thiệt hại do sinh vật hại gây ra khoảng 35 - 42%.

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trên thế giới và ở Việt Nam, thuốc BVTV vẫn được sử dụng như là một trong những biện pháp đề phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng trong nông nghiệp và đạt hiệu quả kinh tế nhất.

Theo ông Thiệt, nhiều năm qua, công tác BVTV ở nước ta luôn phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của dịch hại nhưng đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào thành công chung của ngành trồng trọt. Để đạt được những thành quả trên, không thể không nhắc tới vai trò của thuốc BVTV được các doanh nghiệp cung ứng kịp thời với các chủng loại phong phú, đa dạng. Đây là nhân tố quan trọng giúp các địa phương trong cả nước kịp thời ngăn chặn, khống chế và dập tắt nhiều dịch hại trên cây trồng, góp phần bảo vệ và nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho nông dân.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) chia sẻ, thuốc BVTV là một trong những yếu tố gây mất ổn định môi trường. Nguyên nhân là khi nhận thấy ưu điểm của thuốc BVTV, người nông dân từ thăm dò sử dụng, đến ỷ lại, lạm dụng, dùng sai kỹ thuật, bỏ qua mọi biện pháp BVTV khác. Họ tin, thuốc có thể giải quyết mọi vấn đề của BVTV. Do lạm dụng, thiếu kiểm soát, dùng sai kỹ thuật, nhiều mặt tiêu cực của thuốc BVTV đã bộc lộ như: gây ô nhiễm nguồn nước và đất; để lại dư lượng trên nông sản, gây độc cho người và nhiều loài động vật máu nóng...

Ở Việt Nam, vẫn tồn tại xu thế bài xích thuốc BVTV, đặc biệt là thuốc BVTV hóa học. Để hạn chế thuốc sinh vật gây hại hóa học, người ta định thay thế hoàn toàn bằng thuốc BVTV sinh học. Nhưng thuốc BVTV sinh học vẫn có hạn chế, không thể thay thế hoàn toàn thuốc hóa học” - ông Sơn nhấn mạnh.

Dịch chuyển sang kinh tế xanh

Đánh giá cao vai trò của thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch Hội VIPA bày tỏ ủng hộ chiến lược của Chính phủ trong việc phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững và giá trị cao. Đây sẽ là trụ đỡ rất quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam nói chung.

“Nông dân là trung tâm của mọi hệ thống sản xuất lương thực, do đó để chuyển sang một hệ thống sản xuất bền vững hơn, nông dân cần được tiếp cận kịp thời với những giải pháp - công cụ canh tác tiên tiến nhất. Và để hỗ trợ họ, cần có các khung pháp lý phù hợp để khuyến khích ứng dụng các giải pháp BVTV mới, duy trì các sản phẩm BVTV hiện có theo cách bền vững ” - ông Sơn nói.

Chuyên gia ngành nông nghiệp - TS Nguyễn Đăng Nghĩa cũng cho rằng, kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu mà ngành nông nghiệp Việt Nam phải đi theo để phát triển bền vững - hiệu quả.

Hầu hết đất ở nước ta hiện tại có phản ứng chua; nghèo các dinh dưỡng đa lượng, trung lượng đặc biệt các chất dễ tiêu. Nhiều vùng đất bị thoái hóa, giảm sức sản xuất; xuất hiện nhiều yếu tố dinh dưỡng hạn chế năng suất cây trồng; cân bằng dinh dưỡng không ổn định và chuyển dịch theo hướng mất cân bằng dinh dưỡng trong đất gây nhiều bất lợi cho sự phát triển của cây trồng.

Trong khi đó, sản lượng phân hữu cơ sản xuất tại Việt Nam còn quá nhỏ so với yêu cầu của sản xuất thực tiễn. Chưa nói đến đáp ứng cho nhu cầu của nông nghiệp hữu cơ mà mới đề cập đến việc bón phân cân đối giữa vô cơ và hữu cơ cho thấy, cứ bón 1kg phân vô cơ thì cần bón 3kg phân hữu cơ. Như vậy, ước tính mỗi năm ngành trồng trọt sử dụng gần 12 triệu tấn phân hóa học các loại thì phải cần đến 36 triệu tấn phân hữu cơ. Hiện tại chúng ta mới đáp ứng được gần 3 triệu tấn phân hữu cơ các loại. “Chính phủ cần sớm có Nghị định và chính sách mang tính đột phá dành cho việc phát triển nông nghiệp hữu cơ và cũng nên có sự khác biệt giành riêng cho từng đối tượng như: nông dân; nhà đầu tư; doanh nghiệp nông nghiệp” - ông Nghĩa kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có nên duy trì thuốc bảo vệ thực vật?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO