Giáo dục

Có nên giao bài tập Tết?

Lâm An 31/01/2024 09:52

Nhiều địa phương đã thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó, tùy từng nơi có thời gian nghỉ khác nhau. Với học sinh, bên cạnh niềm vui được nghỉ học tại trường đón Tết thì một trong những vấn đề khiến các em lo lắng là khối lượng bài tập Tết có “khổng lồ” hay không? Liệu trong vài ngày nghỉ với hàng tá hoạt động thú vị, hấp dẫn bên người thân, gia đình dịp năm mới có thêm nỗi lo canh cánh chưa hoàn thành núi bài tập thầy cô giao chăng?

Theo lịch do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố, học sinh Thủ đô sẽ được nghỉ Tết 8 ngày. Hơn 1 tuần không đến trường nhưng với nhiều học sinh, việc học cũng không bớt áp lực là bao bởi trước mắt các em là những kỳ thi căng thẳng, như thi vào lớp 10 THPT, thi tốt nghiệp THCS… Chị Bảo Ngọc (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có con là học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thông tin, sau nhiều vòng thi đấu loại con được chọn vào đội tuyển thi Olympic Tiếng Anh của trường. Tuy nhiên, thời gian học tăng cường trên trường không nhiều nên hai mẹ con chị dự định Tết này sẽ dành toàn bộ thời gian rỗi, trừ những lúc đi thăm hỏi, chúc tết họ hàng… để cùng cày Tiếng Anh.

“Ngay sau Tết, cuối tháng 2 con đã thi rồi trong khi nền tảng ngữ pháp của con vẫn còn thiếu hụt rất nhiều, vì vậy tôi đã chủ động xin cô giáo giới hạn kiến thức thi của học sinh khối 5 và tự tìm thêm tài liệu bên cạnh một số bài tập cô giáo giao. Với các môn học còn lại, hầu như các năm học trước tôi không thấy cô giáo giao bài tập mà chủ yếu là các bài cảm nhận về tết, những việc đã làm trong dịp này… khá thú vị, không gây căng thẳng cho học sinh tiểu học” - chị Ngọc chia sẻ.

Tương tự, dù thầy cô giáo có giao bài tập hay không thì nhiều học sinh cũng lựa chọn không lơ là hoàn toàn với sách vở, bởi chính các em cũng không muốn mình bị rớt lại phía sau. Ngược lại, thực tế ghi nhận dù thầy cô giáo giao nhiều bài tập nhưng nếu học sinh không có ý thức tự giác học tập thì việc làm đối phó, trả bài cho đủ theo yêu cầu của giáo viên là rất dễ. Nhất là trong thời buổi internet bùng nổ hiện nay, các em có thể tìm kiếm lời giải, thậm chí nhờ sự trợ giúp từ rất nhiều nguồn để hoàn thành bài tập nhưng thực chất kiến thức, kỹ năng tích lũy thêm chẳng có bao nhiêu.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Trường THPT chuyên Biên Hòa, Hà Nam) cho biết, cô thấu hiểu tâm lý học sinh vì chính người lớn trong dịp Tết cũng muốn có những ngày nghỉ trọn vẹn, không xen lẫn công việc nếu không phải là những việc gấp gáp, cần giải quyết ngay. Học sinh cũng có nguyện vọng như vậy nên việc giao bài tập nếu có cũng chỉ nên ở mức vừa phải để các em không lãng quên hẳn sách vở, bút thước hoặc không sa đà vào ti vi, trò chơi điện tử… như mong muốn của một số phụ huynh. Nếu giao quá nhiều, học sinh làm nhiều không xuể hoặc sẽ không làm nữa, hoặc các em làm theo kiểu đối phó, hoặc làm cẩn thận, chỉn chu thì sẽ mất rất nhiều thời gian, không còn nhiều thời gian sum họp với gia đình. Đặc biệt với khối Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo không giao bài tập về nhà mỗi ngày nên trong kỳ nghỉ Tết cũng không nên giao bài tập. Thay vào đó, mỗi phụ huynh trong lúc gần gũi, trò chuyện cùng con có thể đặt câu hỏi, chỉ cho con những điều chưa biết trong cuộc sống, rèn cho con những kỹ năng cần thiết… mà ngày thường vì bận rộn chưa sát sao được.

Nhiều năm nay những bài tập Tết thú vị và sáng tạo, thu hút sự quan tâm, sự hào hứng của học sinh, phụ huynh thường đề cập đến những hoạt động trải nghiệm thực tế, sau đó viết bài thu hoạch nộp lại sau kỳ nghỉ. Thậm chí với nhiều giáo viên, việc này cũng không bắt buộc mà học sinh có thể thuyết trình ngay trong buổi gặp mặt đầu năm sau Tết thay vì viết kín vài trang giấy… Nhìn chung, giao bài tập Tết theo nhu cầu, khuyến khích học sinh làm bài tập Tết là cách làm linh hoạt, hiệu quả giúp việc học trong kỳ nghỉ Tết không áp lực, nặng nề và phát huy hiệu quả của những bài học từ thực tế cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có nên giao bài tập Tết?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO