Có ngăn được giá vàng 'nhảy múa'?

An Hà 22/03/2022 08:25

Trước việc thời gian qua giá vàng miếng trong nước biến động mạnh, nhiều chuyên gia cho rằng trong đó có nguyên nhân từ sự mất cân bằng cung cầu do các chính sách hạn chế nhập khẩu vàng; đồng thời còn do tâm lý mua vàng vì lo ngại lạm phát.

Vàng hiện đang là “sân chơi không dành cho người yếu tim”.

Với thị trường thế giới, giá vàng cũng biến động theo chiều đi lên. Chỉ trong vòng hai tháng 2 và 3, giá vàng thế giới tăng khoảng 15%, khiến vàng trở thành một trong những kênh đầu tư sinh lời tốt nhất giữa khung cảnh các tài sản rủi ro như chứng khoán liên tiếp điều chỉnh. Ngày giá vàng cao nhất là 7/3/2022, lên tới 2.070 USD/ounce. Đó là mức giá kỷ lục ghi nhận hồi tháng 8/2020. Hiện vàng đã quay đầu về lại quanh mức 1.970 USD/ounce (ngày 21/3).

Tuy nhiên, nhìn vào giá vàng trong nước, người ta còn sốc hơn không chỉ ở chiều tăng mà còn ở cả chiều giảm, cả hai chiều đều nóng hừng hực. Ngày 8/3, giá vàng miếng SJC leo lên đỉnh 74 triệu đồng/lượng. Trước đó 1 tháng, giá vàng SJC ở quanh mức trên dưới 62 triệu đồng/lượng. Khi leo lên đỉnh, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 17 triệu đồng/lượng. Đó là mức chênh lệch “siêu tưởng”.

Dù vậy, cũng như mọi cuộc đẩy giá trước đây, thị trường tăng nhanh rồi giảm sốc khi chỉ 2 ngày sau, giá vàng rớt xuống quanh mức 67 triệu đồng/lượng, tức mất 7 triệu/lượng, tương đương gần 10%.

Giá vàng lên xuống quá mãnh liệt như vậy khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ lo sợ. Trong số đó có những người thu nhập thấp chắt bóp nhiều năm mới mua được vài ba chỉ vàng vội mua, vội bán và phải gánh chịu thua thiệt.

Việc giá vàng SJC luôn duy trì cao hơn vượt trội so với giá thế giới quy đổi, cũng như thường tăng nhanh hơn và giảm chậm hơn, được cho là xuất phát từ sự mất cân bằng cung cầu do các chính sách hạn chế nhập khẩu vàng. Việc đó cũng sẽ gây áp lực lên tỷ giá USD/tiền đồng Việt Nam, khi các đầu nậu kinh doanh vàng sẽ gom USD trong nước để nhập lậu vàng nhằm đáp ứng nhu cầu tăng lên trong nước.

Rõ ràng là khi chỉ trong một thời gian rất ngắn, giá vàng trong nước tăng “bốc đầu” tạo ra mức chênh lệch so với giá thế giới quy đổi lên đến trên dưới 17 triệu đồng thì khó có nhà đầu tư nhỏ lẻ nào dám mua vào, thậm chí nhiều người còn tranh thủ bán ra. Như vậy, thị trường vàng trong nước có thể nói là bị điều chỉnh lên/xuống ở những doanh nghiệp kinh doanh lớn, chứ không phải là nhu cầu mua bán thật sự. Càng không phải là “sân chơi” cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ, lướt sóng.

Câu hỏi đặt ra là: Vậy liệu vàng có đang bị “làm giá”?

Trong 2 tuần qua, giá vàng SJC trong nước biến động mạnh và liên tục lập đỉnh mới nhưng cũng lại có nhiều ngày trái chiều với biến động của giá vàng thế giới. Khi giá vàng thế giới giảm nhưng giá vàng trong nước vẫn tăng; giá vàng thế giới tăng một thì giá vàng trong nước tăng 1,2-1,5 lần. Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng giá vàng SJC hiện không hẳn phản ánh cung cầu thị trường mà do ý chí tạo giá của các đơn vị kinh doanh trong bối cảnh giá vàng thế giới đang có xu hướng tăng. Để phòng ngừa rủi ro, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã nới rộng khoảng cách mua và bán 2,2-2,5 triệu đồng/lượng, đẩy rủi ro cho người mua.

Đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, sự tăng trưởng nóng của thị trường vàng chỉ là cục bộ và nhà đầu tư cần cẩn trọng vì giá vàng SJC trong nước liên tục “nhảy múa” và có thể lao dốc bất cứ lúc nào. Đặc biệt, với xung đột Nga - Ukraine, khi có thông tin tích cực về đàm phán của hai bên thì giá dầu cũng như giá vàng thế giới sẽ hạ nhiệt ngay. Và đương nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước cũng sẽ nhanh nhẹn chốt lời, chỉ có nhà đầu tư nhỏ lẻ là thua thiệt.

Nói như ông Phan Dũng Khánh- Giám đốc tư vấn đầu tư Maybank Investment thì với việc giá vàng biến động như hiện nay, việc “lướt sóng” là sẽ rất nguy hiểm. Đáng chú ý, nếu giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới trên dưới 25% thì thị trường vàng là một “sân chơi” đầy rủi ro không dành cho những người yếu tim.

Nếu thị trường vàng tiếp tục “nhảy múa” cần phải xem là chỉ báo lo ngại cho những bất ổn về giá, nhất là với những mặt hàng giao dịch được quy đổi bằng vàng, trong đó có thị trường bất động sản và sàn giao dịch chứng khoán. Cũng cần lưu ý, khi chính sách tiền tệ bắt đầu thắt chặt với lãi suất đi lên trở lại, sẽ xuất hiện xu hướng chuyển tiền sang các tài sản có lợi nhuận tốt hơn, khiến vàng mất giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có ngăn được giá vàng 'nhảy múa'?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO