Chỉ mới có 37/128 doanh nghiệp (DN) được cổ phần hoá (CPH). 91 DN tương đương với 72% công việc còn lại phải hoàn thành trong 4 tháng còn lại của năm. Liệu nhiệm vụ này có “bất khả thi” khi dịch Covid-19 quay trở lại?
Không quá khó để kể tên những DN chậm chạp trong CPH. Đó là VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc, Mobifone, Argibank... Hiện các DN này vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị DN.
Nhiều “ông lớn” chưa phê duyệt phương án sử dụng đất
Theo thống kê, không ít “địa chi” còn nhiều DN thuộc danh sách phải thực hiện (CPH) trong năm nay như: Hà Nội CPH 13 DN (trong đó có 4 tổng công ty); TP HCM CPH 38 DN (11 tổng công ty); Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp CPH 6 DN (bao gồm 3 tập đoàn, 3 tổng công ty); Bộ Công thương CPH 4 DN (bao gồm 3 tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 1 tổng công ty); Bộ Xây dựng CPH 2 tổng công ty.
Về tình hình thoái vốn, cũng trong hoàn cảnh tương tư, khá chậm. Những đơn vị còn nhiều DN phải thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị lớn là: Bộ Công thương, Bộ Xây dựng (còn phải thoái vốn tại 8/11 tổng công ty cổ phần); Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 31/34 DN).
Một trong các nguyên nhân dẫn đến tiến độ CPH, thoái vốn chậm lại là do sự bùng phát của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, đối tượng CPH, thoái vốn trong giai đoạn này bao gồm một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.
Ngoài ra, nhiều quy định mới về CPH, thoái vốn mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước, quy trình thực hiện dài hơn nên các DN phải thực hiện lại từ đầu hoặc một số nội dung, công đoạn trong quá trình CPH, thời gian thực hiện kéo dài hơn.
Doanh nghiệp sử dụng tài sản công không nghiêm túc
Theo giới chuyên gia, trong nhiều trường hợp, chậm CPH, thoái vốn cũng đồng nghĩa với khả năng gây thất thoát cho Nhà nước.
Theo đánh giá chung từ Bộ Tài chính, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa nghiêm túc, thường xuyên; nhiều DN chỉ đến khi thực hiện CPH mới thực hiện sắp xếp, xử lý đất đai theo quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg trước đây và Nghị định số 167/2017/NĐ-CP hiện nay, dẫn dến làm chậm quá trình CPH.
Đặc biệt, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và DN nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập. Còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ CPH, thoái vốn.