Chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Hoàn thiện pháp luật về tổ chức chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, từ thực tiễn TP Thủ Đức”, Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, khi trực tiếp đến làm việc với 32/34 phường trên địa bàn đã nhận được hơn 200 câu hỏi tiêu biểu từ Bí thư ở các khu phố. Điều rất đáng suy ngẫm, một số ý kiến bày tỏ ý kỳ vọng từ cấp quận lên thành phố thì “con hẻm hết ngập nước” nhưng nay vẫn còn ngập.
Từ thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, TP Thủ Đức còn phải giải quyết khối lượng hồ sơ hành chính ách tắc, tồn đọng, khiến trả kết quả bị trễ hẹn kéo dài. Hậu Covid-19, thành phố trở lại “bình thường mới” thì lại tiếp tục phải đối diện với tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc đồng loạt do áp lực, lương thấp. Trong khi đó kể từ khi sáp nhập 3 quận, số lượng dân cư của TP Thủ Đức đã lên tới 1,2 triệu người. Khối lượng công việc tăngn nhưng 30% cán bộ, công chức, viên chức của 3 quận cũ lại bị cắt giảm, dẫn đến sức nặng công việc dồn lên hệ thống bộ máy cơ sở. Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết sau 18 tháng thành lập thì Thủ Đức vẫn chưa ổn định về cơ chế, tổ chức bộ máy, dẫn đến còn nhiều khó khăn, vướng mắc về nhiệm vụ quyền hạn, biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong việc triển khai nhiệm vụ.
Hiện Thủ Đức vẫn đang chờ quyết định của Trung ương sau khi UBND TPHCM đề xuất Quốc hội bổ sung vào Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về một chương liên quan đến cơ chế đặc thù phát triển TP Thủ Đức. Trong đó, có số lượng biên chế đối với khối chính quyền.
Xét về vị thế đóng góp, hiện nay TP Thủ Đức đang là điển hình về đóng góp GDP cho TPHCM, với năng suất lao động cao nhất, phấn đấu gấp 2-3 lần TPHCM trong tương lai gần. Với lợi thế này, Thủ Đức phải là đô thị có quy hoạch tốt nhất, có sự hài lòng cao nhất và tốt nhất ở TPHCM. Tuy nhiên, muốn thực hiện được các mục tiêu này, cả TPHCM và Trung ương cần quan tâm, sớm nghiên “cởi trói” cơ chế “chiếc áo chật” cho thành phố trực thuộc thành phố này.