LTS: Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến về việc chăm lo cho người yếu thế gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19, ngày 6/9, Báo Đại Đoàn Kết phát động Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” và triển khai hoạt động đầu tiên trao 10.000 suất cơm cho bệnh nhân nghèo, người vô gia cư… trên địa bàn TP Hà Nội, với mong muốn chung tay với Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đảm bảo an sinh cho người dân, không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, khó khăn mà không được trợ giúp.
Kể từ số báo này, Đại Đoàn Kết mở chuyên mục “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” để kêu gọi mỗi người hãy lan toả những nghĩa cử cao đẹp, phát huy tinh thần tương thân tương ái, đồng hành cùng với chương trình, tiếp thêm sức mạnh cho người nghèo, người yếu thế vượt qua hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo trong đại dịch.
Khởi động chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19”, trong hai ngày 4,5/9, Báo Đại Đoàn Kết đã phối hợp với Bếp ăn 0 đồng của chị Nguyễn Hoài Sương trao 1.000/10.000 suất cơm đầu tiên cho người nghèo. Những bát cơm bình dị nhưng ấm tình người đã mang đến tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, đùm bọc lẫn nhau trong hoạn nạn.
Những mảnh đời bất hạnh
Trong giãn cách xã hội, khi mọi hoạt động không thiết yếu dừng lại, người dân chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết thì ở nhiều nơi trên địa bàn TP Hà Nội, người vô gia cư, người lao động bị kẹt lại vẫn phải vật lộn với bữa ăn hàng ngày. Vì họ không thể mưu sinh, không còn đủ tiền thuê trọ, thậm chí mang trong mình nhiều bệnh tật. Và ở đó, chúng tôi đã lặng người khi chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh.
Đoàn xe chúng tôi dừng lại ở ga tàu điện Cát Linh – nơi đây vẫn chưa đi vào hoạt động nên một nhóm người vô gia cư ở một góc cửa của nhà ga. Một chiếc chiếu cũ, rách được trải ngay ở góc bậc thềm, trên đó là một chiếc chăn đã sờn, bạc màu, xung quanh vài bộ quần áo được vắt vào lan can của bậc thềm.
Sau vài phút, chúng tôi nhận ra một người đàn ông đang dầm mình dưới nước – con mương ở dưới chân nhà ga. Đó là ông Nguyễn Hồng Toàn (53 tuổi) – một thành viên trong nhóm 7 người sống tại khu vực này. Ông Toàn đang bị ung thư gan, có thêm vấn đề về thận và đường ruột nên bụng trướng to và luôn cảm thấy khó thở. Mỗi khi khó thở, ông lại chui xuống mương, dầm mình dưới nước để cảm thấy dễ chịu hơn.
Khi nghe tiếng gọi, ông Toàn hổn hển đáp lời và vội vã lên bờ. Dáng người gầy gò, da đen thui, trên người vằn vện dọc ngang những vết xăm trổ- vết tích của một thời “oanh liệt”, ông ướt nhẻm, run rẩy nhận phần cơm trưa.
Ông Toàn sống ở khu ga Cát Linh với một nhóm người cũng có hoàn cảnh khó khăn. Những ngày dịch này, ông cùng mọi người không thể mưu sinh và may mắn nhận được hỗ trợ của các đoàn thiện nguyện. Mỗi lần nhận được suất cơm hay suất cháo, ông lại chảy nước mắt, chắp tay cúi đầu cảm tạ.
Trong câu chuyện vội vã với ông Toàn, chúng tôi chỉ nghe được những tiếng thì thào, có câu nói không rõ, nhiều khi phải thở rít lên vì quá xúc động.
Tìm đến khu vực cầu Long Biên, nơi một nhóm người lao động mưu sinh tại chợ giờ không có đủ việc làm, không đủ tiền thuê trọ, suốt ngày lang thang quanh khu vực này, dựa vào nhau mà sống. Khi chúng tôi xuống xe, một cô bé 6 tuổi mặc chiếc váy vàng đã cũ, kéo mẹ về phía đoàn xe để nhận suất ăn. Nhận một suất cháo và chiếc bánh ngọt, cô bé nhảy chân sáo, hân hoan, ánh mắt toát lên niềm vui con trẻ.
Vừa nhìn con ăn, chị Nguyễn Thị Thuý Hằng chia sẻ, chị làm nghề bán nước và thuê trọ tại đây. Do dịch bệnh nên công việc bán nước không thể tiếp tục, hết tiền thuê trọ, mấy mẹ con lang thang, ngày nào may mắn nhận được suất cơm từ thiện sẽ bớt đói.
“Năm nay, Lan Anh – (tên của cô bé) 6 tuổi nhưng tôi không đủ tiền để cho cháu đi học. Nếu không dịch, chắc tôi còn cố lo được nhưng hoàn cảnh như hiện tại, tôi đành để cháu ở nhà” – chị Hằng rơm rớm nước mắt nhìn con.
Ở phía xa hơn, có hai bố con ngồi lặng lẽ trên vỉa hè, trong tay bố, em bé đang ngủ say. Nhận một suất cháo cho bé và một suất cơm cho mình, anh Nguyễn Quốc Chiến (bố cháu bé) buồn rầu chia sẻ, vợ anh bỏ đi khi con còn rất nhỏ, ở quê cũng không còn ai thân thích nên anh đã bồng bế con, lang thang tại khu chợ Long Biên kiếm sống qua ngày.
Bé Minh Tâm mới 3 tuổi, những ngày không dịch, anh Chiến gửi bé cho chủ hàng để đi kéo xe, bốc vác kiếm tiền. Bé cứ tự chơi quanh quẩn, chờ bố về. Còn những ngày này, khi không có việc, anh Chiến chỉ biết bế con đi lang thang quanh khu vực này. Nhìn bé Tâm nằm trong vòng tay của bố say sưa giấc nồng, không ai kìm được một nỗi xót xa...
10.000 suất cơm đến với người nghèo khó
Đoàn chúng tôi đã đi qua nhiều cung đường, từ Ga Hà Nội, Trần Bình Trọng, Ga Trần Quý Cáp, Cát Linh rồi Long Biên...từ “vùng xanh” cho đến “vùng đỏ”, đêm cũng như ngày, có nơi hàng chục người đã xếp hàng ngay ngắn, có nơi chỉ vài người, đôi khi là một người tình cờ bắt gặp bên vỉa hè đường phố. Mỗi bát cơm nóng lại là một số phận, nhưng ở nơi nào cũng vậy, thấm đấm tình người sẻ chia. Và ở nơi nào cũng không quên kèm theo một lời nhắn nhủ “Cứ ở yên một chỗ, ngày mai sẽ quay trở lại”.
Để chương trình 10.000 suất cơm đến được với những người có hoàn cảnh khó khăn triển khai một cách sớm nhất, nhanh nhất, Báo Đại Đoàn Kết đã phối hợp với các đội tình nguyện. Trong đó, 1.000 suất ăn đầu tiên, báo đã phối hợp với Bếp 0 đồng của chị Nguyễn Hoài Sương cùng các thành viên.
Những thành viên của bếp cũng đồng hành với báo trong suốt quá trình phát 1.000 suất ăn đầu tiên, đến từng địa điểm, cùng nhau gửi tới tay từng người có hoàn cảnh khó khăn.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Sương cho biết, đây là đầu tiên chị và bếp chuẩn bị hơn 500 suất ăn, gấp đôi, gấp ba công suất những ngày bình thường. Mọi thứ phải chuẩn bị từ vài hôm trước và chị cũng thức trắng đêm để sắp xếp từng thứ, đảm bảo mỗi suất ăn đều chất lượng. Khi lần lượt hơn 500 suất ăn được phát đến tận tay người có hoàn cảnh khó khăn, cảm giác mệt vì cường độ làm việc cao của chị Sương dường như tan biến, thay vào đó là rất vui, vui bởi mình đã góp phần làm được nhiều suất ăn hơn.
“Khi được kết hợp cùng báo Đại Đoàn Kết, tôi rất vui, háo hức, hồi hộp và có chút lo lắng khi ngày đầu tiên sẽ phát hơn 500 suất ăn. Nhưng mọi sự lo lắng dần biến mất, khi đồng hành cùng bếp là các anh chị tại báo Đại Đoàn Kết, mỗi người một tay một chân, không ai nề hà việc lớn nhỏ, bê vác để cùng thực hiện kế hoạch, từ Q. Tổng Biên tập báo cho đến các thành viên. Tôi thật sự bất ngờ bởi sự thân thiện, gần gũi của mọi người” – chị Sương chia sẻ.
Trò chuyện thêm với anh Hà Ngọc Hào – thành viên đội tình nguyện, anh Hào chỉ cười và nói với chúng tôi: “Mệt nhưng vui. Sự kết hợp với báo Đại Đoàn Kết là sự kết hợp hoàn hảo, ai cũng chuyên nghiệp, nhiệt tình và không ngại vất vả”. Anh Hào cũng mong muốn, bếp sẽ được đồng hành cùng báo Đại Đoàn Kết trong suốt chương trình “10.000 suất cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” để mang đến sự sẻ chia ấm áp với những người có hoàn cảnh khó khăn trong thời điểm này.
Để đảm bảo được chất lượng các bữa ăn, ngoài việc lựa chọn nguồn thực phẩm sạch, chị Sương cũng cho biết, mọi công đoạn từ chế biến cho đến việc trao suất ăn cho người nghèo đều được đảm bảo đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt: Nếu còn chút dư, hãy sẻ chia trong lúc này
“Chúng ta còn được bình an trong ngôi nhà mình, còn có cơm ăn mỗi ngày là hạnh phúc lắm rồi. Nếu có chút dư, hãy sẻ chia trong lúc này. Sự sẻ chia, cho đi chính là của để dành gửi vào cuộc đời này, phòng khi gặp gian khó, nguy nan. Đưa cánh tay mình ra với người khốn khó để khi rơi vào cảnh khốn cùng sẽ có nhiều cánh tay đưa ra với mình…”.
Ông Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết cho biết, chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch” là thực hiện chỉ đạo của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến về việc tiếp sức cho các tổ, nhóm tình nguyện chăm lo cho người yếu thế trong xã hội ở thời điểm nhiều tỉnh, thành thực nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch. Báo Đại Đoàn Kết đã triển khai chương trình bằng việc trao 10.000 suất cơm đến 3.000 người có hoàn cảnh khó khăn, người vô gia cư, người bị bệnh nặng… trên địa bàn TP Hà Nội.
Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” sẽ được Báo Đại Đoàn Kết phối hợp với các địa phương, các tổ, nhóm tình nguyện thực hiện cho đến khi đất nước ta khống chế được dịch bệnh, cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường. Báo sẽ liên tục kêu gọi, huy động nguồn lực từ các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để cùng các chính quyền địa phương, các tổ, nhóm tình nguyện chăm lo cho người nghèo trên cả nước.
“Chúng ta còn được bình an trong ngôi nhà mình, còn có cơm ăn mỗi ngày là hạnh phúc lắm rồi. Nếu có chút dư, hãy sẻ chia trong lúc này. Sự sẻ chia, cho đi chính là của để dành gửi vào cuộc đời này, phòng khi gặp gian khó, nguy nan. Đưa cánh tay mình ra với người khốn khó để khi rơi vào cảnh khốn cùng sẽ có nhiều cánh tay đưa ra với mình...”, nhà báo Lê Anh Đạt kêu gọi sự sẻ chia, đóng góp nguồn lực cho chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” và khẳng định: “Với chương trình này, ngoài câu chuyện nhường cơm sẻ áo, Báo Đại Đoàn Kết mong muốn khơi dậy, lan tỏa những giá trị của người Việt Nam, đó là tinh thần đoàn kết, gắn bó, thương yêu, hy sinh vì nhau mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn”.
Các nguồn lực ủng hộ xin gửi về: Chương trình Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19, Báo Đại Đoàn Kết. Toà soạn tại Hà Nội: 66 Bà Triệu, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, TP Hà Nội; Ban Đại diện tại TP Hồ Chí Minh: 176 Võ Thị Sáu, TP HCM. Các Văn phòng thường trú: Nam Định: Số 2 Máy Tơ, TP Nam Định; Thanh Hoá: Đường Hạc Thành, TP Thanh Hoá; Thừa Thiên- Huế: Tầng 3 Toà nhà Viettel, số 11 Đường Lý Thường Kiệt, TP Huế; Đà Nẵng: 12 Trần Phú, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng; Quảng Nam: Khối phố 1, Trường Xuân, Tam Kỳ, Quảng Nam; Khánh Hoà: A4, chung cư 2 Lê Hồng Phong, TP Nha Trang, Khánh Hoà; Cần Thơ: 5A đường 30-4, TP Cần Thơ.
Hotline tiếp nhận hiện vật: 0988185528. Tài khoản tiếp nhận tài chính: 112000132970, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam- chi nhánh TP Hà Nội. Chủ tài khoản: Báo Đại Đoàn Kết.
Danh sách tổ chức và cá nhân ủng hộ sẽ được công bố công khai trên Báo Đại Đoàn Kết. Chúng tôi cam kết sử dụng kịp thời, đúng mục đích, công khai, minh bạch các nguồn lực đã kêu gọi ủng hộ từ quý đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm.