Côn Đảo mùa gió chướng

Nguyễn quang Long 05/01/2023 14:02

Đã từng vài lần đặt chân đến Côn Đảo, nhưng lần trở lại những ngày cuối tháng 12 vừa qua với chúng tôi đầy “bão táp” nhưng cũng ngập tràn tự hào.

Các ca sĩ cùng hòa giọng trong "Giai điệu Tổ quốc".

Vì biển đảo xanh

Lần này nhiệm vụ chính dẫn lối chúng tôi tới Côn Đảo là tham gia đêm nghệ thuật Thanh âm Tổ quốc phục vụ chiến sĩ, người dân huyện đảo theo lời mời của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và UBND huyện Côn Đảo. Chương trình diễn ra vào đêm 17/12 nhưng cả nhóm quyết định đi sớm hơn một ngày, như vậy là hành trình của chúng tôi kéo dài 3 ngày.

Đặt chân tới Côn Đảo trưa 16/12, người lái xe ra đón chúng tôi đưa về tới khách sạn thì nhận được cuộc điện thoại hẹn đoàn đợi để về cùng ăn trưa. Chúng tôi tận hưởng không khí biển tháng 12 lộng gió chừng gần 2 tiếng thì chị Giang đi xe máy về.

Đón chúng tôi bằng nụ cười tươi rói, chị kể lý do không về sớm hơn được là vì đang dựng từng khung tranh, ghép từng chi tiết một cho bức tường có hình những con cá và những con vic biển làm từ rác thải. “Ngày mai bắt đầu chính thức chiến dịch nhặt rác, tặng túi xách thân thiện với môi trường trên khắp đảo nên bận quá anh chị ạ”, Giang nói. Chẳng mấy khi có cơ hội góp sức nhỏ làm sạch môi trường Côn Đảo, vậy là chúng tôi xung phong làm tình nguyện viên.

7h30 sáng hôm sau, tất cả có mặt ở nghĩa trang Hàng Keo, giờ chỉ còn hiện hữu với một đài tưởng niệm với những hàng cây phi lao to lớn nằm ngay ven biển tạo nên một không gian rất đẹp. Có tới chừng gần 500 bạn trẻ đã sẵn sàng.

Từ đoàn viên thanh niên, đến các chiến sĩ bộ đội và đông đảo các em học sinh khối 8 và 9 trường THCS Lê Hồng Phong. Nhìn quanh thấy Côn Đảo rất sạch. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, anh Đỗ Phi Phúc - Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Côn Đảo nói ngay: “Rác nhiều anh ạ, ở đây tháng nào Đoàn cũng tổ chức những đợt làm sạch môi trường như vậy”. “Nhưng rác ở đâu ra?”, tôi hỏi. Phúc đáp: “Ở bãi biển, lẫn vào cả trong cát. Rác này chủ yếu dạt từ ngoài biển vào”.

Sau trọn vẹn một buổi sáng cùng với các bạn trẻ Côn Đảo làm sạch môi trường biển. Buổi chiều theo chân các đoàn viên thanh niên có mặt ở nghĩa trang Hàng Dương phát những chiếc túi vải sử dụng được nhiều lần. Một người phụ nữ chừng 60 tuổi đến nhận một rồi xin thêm mấy cái cho mọi người cùng chuyến đi. Cô là Nguyễn Thị Minh Tuyến ở Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang, “lần đầu tiên ra đây, cô cảm thấy Côn Đảo rất thân thiện với môi trường”. Cuối giờ chiều, chúng tôi cùng đoàn cán bộ lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Bà Rịa - Vũng Tàu và UBND huyện Côn Đảo viếng thăm nghĩa trang, thắp nén nhang dâng lên anh linh các anh hùng liệt sĩ.

Bốn nghệ sĩ sau khi bị hủy chuyến tiếp tục khám phá Côn Đảo và chụp hình kỷ niệm.

Một đêm diễn đặc biệt

Đêm nghệ thuật Thanh âm Tổ quốc được diễn ra vào 19h30 ngày 17/12. Đoàn nghệ sĩ chỉ có 5 anh em: tôi, nhạc sĩ Giáng Son, ca sĩ - nhạc sĩ Phan Thanh Cường, ca sĩ kiêm MC Hoàng Chung và nữ ca sĩ trẻ Hạ Lan của Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng. Tất cả đến từ Hà Nội. Ngoài ra đoàn còn có một chuyên gia âm thanh đến từ TPHCM và mấy thành viên ban tổ chức. Toàn bộ trang thiết bị âm thanh ánh sáng, sân khấu… được huy động tại chỗ.

Dẫu thế, chương trình đã diễn ra thực sự ấm áp và gần gũi, thắm tình quân dân. Chúng tôi chọn những ca khúc cách mạng có giai điệu quen thuộc, có nội dung ý nghĩa để mang đến Côn Đảo như: “Giai điệu Tổ quốc” (Trần Tiến), “Một đời người, một rừng cây” (Trần Long Ẩn), “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” (Nguyễn Đức Toàn), “Màu hoa đỏ” (Thuận Yến)…

Chúng tôi chọn những ca khúc cách mạng vì muốn dành những lời ca tri ân, lòng biết ơn dâng lên vong linh các anh hùng liệt sĩ và như một dịp cùng nhóm thêm một chút lửa trong tinh thần mỗi người. Chương trình cũng tính đến yếu tố mới mẻ nên chủ ý để nhạc sĩ Giáng Son tự hát 2 bài “Giấc mơ trưa” và “Hà Nội mười hai mùa hoa” còn tôi hát bài xẩm chợ “Mục hạ vô nhân” có lời ca lạc quan, có tiết tấu rộn ràng. Nhưng khi thực diễn, dưới hàng ghế chủ yếu là các chiến sĩ trẻ, khán giả địa phương và du khách cũng nhiều người trẻ, cảm thấy cần phải đẩy mạnh độ “nóng” của chương trình lên nữa, vậy là Hạ Lan xung phong lên “quẩy” một vài bài tết xuân rộn ràng trong tiếng vỗ tay theo nhịp của khán giả.

Tới bài “Nối vòng tay lớn” tất cả nghệ sĩ bước ra sân khấu, rồi cả lãnh đạo sở, huyện và các chiến sĩ cũng lên và cùng nhau hát vang những câu hát như lời hiệu triệu, thấm đẫm tinh thần dân tộc. Chương trình khép lại trong sự hân hoan pha chút tiếc nuối của tất cả mọi người. Nghệ sĩ chúng tôi ai nấy đều bâng khuâng vì thời gian đến với Côn Đảo quá ngắn, chỉ buổi sáng hôm sau chúng tôi sẽ lại ra sân bay và trở về TPHCM, Hà Nội với cuộc sống thường nhật.

Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong tham gia hoạt động nhặt rác - Vì biển đảo xanh tại Nghĩa trang Hàng Keo.

Kỷ niệm khó quên

Sáng hôm sau, mọi thứ đã sẵn sàng để lên đường ra sân bay thì nhận được thông tin chuyến bay bị hủy, chuyến thay thế thì chưa xác định thời gian. Lý do là bởi thời tiết xấu. Gió mạnh lên tới cấp 6, cấp 7, toàn bộ các chuyến bay đi và đến đều bị hủy. Anh Hùng, chủ khách sạn nơi chúng tôi lưu trú cho biết: “Côn Đảo đang vào mùa gió chướng và trong suốt mùa kéo dài hàng tháng này sẽ có một vài đợt gió lớn. Và thời điểm này đang là đợt gió lớn nhất trong năm”.

Dẫu chưa biết gió chướng thế nào nhưng qua lời nói của anh Hùng tôi có thể so sánh nó như mùa đông ở miền Bắc kéo dài trong nhiều tháng, nhưng sẽ có một vài đợt rét đậm, rét hại. Thì đây là một trong những đợt gió lớn, gió không an toàn cho máy bay, tàu biển và tàu đánh cá của ngư dân nêu nhà chính quyền khuyến cáo với mọi người để an toàn.

Trong tâm trạng chưa biết ngày về, lại giữa lúc thời điểm cuối năm, văn nghệ sĩ ai cũng bận rộn, không những thế, trong đoàn có cô ca sĩ trẻ Hạ Lan chỉ chừng hơn một tuần nữa là cưới chồng, trong khi chưa mời, chưa thử váy cưới… lòng như lửa đốt. Biết chúng tôi có phần lo lắng, anh Hùng nói ngay: “Chỉ mai ngày kia là cùng, sẽ hết đợt gió lớn”. Nghe "thổ dân" ở đảo trấn an, Hạ Lan thấy yên tâm hơn.

Buổi trưa, anh Hùng lại xuất hiện, rủ chúng tôi đi leo núi xuyên rừng ở Côn Đảo. Tuyến đi anh rủ dài chừng 4km, phải đi bộ. Tiện đang rảnh rỗi, lại nghe đề nghị bất ngờ, đứng giữa biển khơi, cách xa đất liền mà lại được đi leo núi, đi đường rừng khám phá những cây rừng nguyên sinh chúng tôi nhận lời ngay.

Chuyến xe đưa chúng tôi tới chân núi, vừa rảo từng bước chân anh Hùng vừa giới thiệu về đặc điểm rừng ở Côn Đảo, về từng loài cây, từng con thú, những loại nấm… ở Côn Đảo như một nhà khoa học của rừng.

Hỏi ra mới biết, anh đã từng gắn bó với công tác kiểm lâm 20 năm ở Côn Đảo này, sau anh chuyển ngạch làm văn hóa nhưng yêu rừng và vẫn thường xuyên đi dọc theo những cung đường rừng ở nơi đây. Tuyến anh chọn cho chúng tôi là ngắn nhất, chừng 4 km, phù hợp để đi trong một buổi chiều. Anh chia sẻ rằng tuyến dài nhất ở đây phải đi từ sáng sớm tới khi trời tối.

Anh Hùng bảo, gắn bó với Côn Đảo, với rừng ở nơi đây gần hết tuổi thanh xuân giờ lại chuyển sang ngành văn hóa và tiếp xúc nhiều với khách du lịch, anh rất muốn những du khách đến nơi đây biết được rằng ngoài yếu tố tâm linh, tri ân, Côn Đảo không chỉ có biển, các hòn đảo nhỏ xung quanh, hay trải nghiệm tìm hiểu về loài rùa biển đã ở trong sách đỏ, mà nơi đây còn có thảm thực vật rừng phong phú, đặc trưng. Nếu du khách biết tới điều này, Côn Đảo có thể giữ chân du khách được lâu hơn.

Sau 2 ngày ngớt gió chướng, chúng tôi trở về TP HCM, Hà Nội mà trong lòng thêm yêu mảnh đất hải đảo thiêng liêng, xanh tươi và trù phú của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Côn Đảo mùa gió chướng