Ngày 4/4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến. Theo đó, HSSV thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo tiêu chuẩn hoặc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (có bố hoặc mẹ, hoặc cả bố và mẹ mất do dịch Covid-19) được hưởng chính sách này.
Học sinh sinh viên (HSSV) không có máy tính, thiết bị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến và chưa được hưởng chính sách hỗ trợ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến dưới mọi hình thức cũng được nhận hỗ trợ này.
Về thủ tục, đại diện gia đình của HSSV đứng tên vay và giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp HSSV đủ 18 tuổi thì được trực tiếp đứng tên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cư trú hoặc nơi nhà trường đóng trụ sở.
Đây là tin vui lớn không chỉ đối với HSSV mà còn đối với rất nhiều gia đình trong cả nước. Hai năm qua, đại dịch kéo dài, buộc phải áp dụng nhiều biện pháp hạn chế để phòng, chống dịch nên hầu hết các địa phương, các trường đại học đã phải chuyển từ dạy - học trực tiếp sang dạy - học trực tuyến. Để đáp ứng, hầu hết các gia đình đang có con đi học đều phải bỏ ra một khoản không nhỏ để mua máy tính và thiết bị điện tử để con em theo học.
Với gia đình có điều kiện thì khoản chi phí đó không nặng nề, vả lại trước đó dù chưa học trực tuyến thì họ cũng đã trang bị cho con em những bộ máy tính, điện thoại thông minh đầy đủ tính năng. Nhưng, đối với gia đình nghèo làm nông, cư trú tại vùng kinh tế - xã hội còn khó khăn, kể cả gia đình viên chức, công nhân mà nguồn thu nhập chính là lương thì đó là gánh nặng. Để con em theo học được, nhiều gia đình đã phải vay tiền để mua máy tính, nối mạng internet... Nhiều em gia đình quá khó khăn còn phải “học ké” thiết bị của bạn bè, người quen.
Chính vì thế, việc được vay để mua máy tính tối đa 10 triệu đồng/HSSV; thời hạn cho vay tối đa 36 tháng; lãi suất cho vay 1,2%/năm; lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay vốn thực sự là tính ưu việt của chế độ, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Sự ưu việt ấy, ít nhất là trong lĩnh vực giáo dục, đã được Đảng, Nhà nước thể hiện trong nhiều chính sách, chế độ ưu tiên cho con em HSSV gia đình chính sách, gia đình thuộc diện nghèo. Cũng mới đây thôi, ngày 23/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 05 sửa đổi, bổ sung (lần thứ 8) một số Điều của Quyết định 157 ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với HSSV. Theo đó, mức vốn cho vay tối đa được điều chỉnh từ 2.500.000 đồng/tháng/HSSV (Quyết định 1656/QĐ-TTg) lên 4.000.000 đồng/tháng/HSSV (Khoản 2 Điều 1 Quyết định 05). Mức cho vay tối đa áp dụng từ ngày 19/5/2022 đối các khoản giải ngân mới là 4.000.000 đồng/tháng/HSSV (40.000.000 đồng/năm/HSSV). Mức lãi suất áp dụng là 6,6%/năm (0,55%/tháng).
Như vậy là, so với mức vốn cho vay năm 2007 là 800.000 đồng/tháng/HSSV, sau 15 năm mức vốn cho vay đã tăng được 3.200.000 đồng/tháng/HSSV. Từ năm 2019 đến nay, mức vốn cho vay được điều chỉnh tăng luôn lớn hơn 60%. Cụ thể, năm 2019 tăng khoảng 66,6% so với 2017 và năm 2022 tăng 60% so với 2019.
Đáng chú ý, đối tượng được vay vốn ngày một mở rộng, trong đó đã bổ sung thêm đối tượng được vay vốn là hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật.
Như vậy, với hai nguồn vốn cho vay của Chính phủ, phần lớn HSSV đã được hỗ trợ để giảm bớt khó khăn, tiếp tục phấn đấu học tập. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, thu nhập của nhiều gia đình giảm sút thì sự hỗ trợ đó là rất quý báu. Đã từng có lúc, có nơi không ít con em gia đình nghèo đã phải bỏ học giữa chừng vì cha mẹ không thể lo được tiền cho con đi học. Vì vậy nhiều em phải dừng lại ước mơ học vấn, “rẽ ngang” kiếm việc làm vừa nuôi thân vừa phụ giúp gia đình.
Nay, với hỗ trợ của Chính phủ cho vay lãi suất rất thấp để nhiều HSSV có tiền mua được máy tính phục vụ học tập, sẽ không còn cảnh các em con nhà nghèo phải “rẽ ngang”. Hạnh phúc sẽ đến với nhiều em HSSV, nhiều gia đình, cũng là hạnh phúc của toàn xã hội.