Ngày 28/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã công bố báo cáo thường niên Chỉ số cấp tỉnh (PCI) năm 2018.
Chỉ số PCI được xây dựng từ năm 2005 để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, TP tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Năm nay, chỉ số PCI được tổng kết dựa trên thông tin phản hồi từ hơn 12.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 11.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại 63 tỉnh, TP và 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Dẫn đầu bảng xếp hàng PCI năm 2018 là tỉnh Quảng Ninh với 70,36 điểm trên thang điểm 100. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Quảng Ninh đạt điểm cao nhất trong 63 tỉnh, TP trên cả nước. Năm 2017, điểm số của Quảng Ninh còn cao hơn năm nay khi đạt 70,69. Xếp thứ 2 là tỉnh Đồng Tháp với 70,19 điểm, kế đến là Long An đạt 68,09 điểm.
Trong khi đó, Hà Nội đứng thứ 9 với 65,40 điểm. Con số này cũng đánh giá mức độ cải thiện khá tốt của thủ đô khi đã tăng 4 bậc so với năm 2017. TP HCM xếp ngay sau Hà Nội với vị trí thứ 10 trong tổng số 63 tỉnh, TP, đạt 65,34 điểm.
Đáng chú ý, Đà Nẵng đã tụt hạng khi rơi xuống vị trí thứ 5 với 67,65 điểm. Trong khi đó vào năm 2017, chỉ số PCI của Đà Nẵng là 70,11, xếp vị trí thứ 2 trên cả nước.
Kết quả điều tra PCI nêu rõ, đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại Đà Nẵng sụt giảm rõ rệt. Các doanh nghiệp cũng phản ánh về khoảng cách giữa chỉ đạo điều hành của chính quyền TP với các sở, ngành, huyện thị có sự gia tăng.
Trong các năm từ 2013-2016, Đà Nẵng liên tiếp giữ vững ngôi đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, địa phương này đã đánh mất lợi thế khi để Quảng Ninh "soán ngôi" vào năm 2017, và đến nay nay tiếp tục tụt hạng sâu.
“Đội sổ” trong bảng xếp hạng PCI 2018 là tỉnh Đắk Nông khi chỉ đạt 58,16 điểm trên thang điểm 100. Xếp ở vị trí 62 là tỉnh Lai Châu.
Theo VCCI, điều tra PCI cho thấy năm 2018 một số lĩnh vực của môi trường kinh doanh có thay đổi tích cực so với năm 2017. Chi phí không chính thức tiếp tục được cắt giảm, môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân có xu hướng bình đẳng hơn và cải cách hành chính đang chuyển biến rõ nét.
Kết quả điều tra cũng chỉ rõ lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà gồm nhóm thủ tục về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông và xây dựng.