Kể từ hôm nay, 25/7/2023, phương tiện có trọng tải đến 3.000 DWT được phép từ cửa biển Lạch Giang vào sông Ninh Cơ (Nam Định), đi qua Kênh Nghĩa Hưng vừa hoàn thành xây dựng để sang sông Đáy, đi sâu vào nội địa.
Chiều 25/7, thông tin tới Đại Đoàn Kết Online, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết tỉnh đã nhận được văn bản quyết định số 888/QĐ-BGTVT do Bộ GTVT ban hành cùng ngày, về việc “công bố mở luồng đường thủy nội địa quốc gia Kênh Nghĩa Hưng”.
Theo quyết định, từ hôm nay, 25/7/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT công bố mở luồng đường thủy nội địa quốc gia Kênh Nghĩa Hưng (kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ).
Theo đó, luồng đường thủy nội địa có chiều dài 1,18 km; điểm khởi đầu là km8+300 sông Ninh Cơ, thuộc địa bàn xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (toạ độ X = 2226658.9457, Y = 518920.6983). Điểm kết thúc là km 35+450 sông Đáy, thuộc địa bàn xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (tọa độ X = 2227931.7696, Y = 517453.3155). Cấp kỹ thuật của luồng là cấp đặc biệt (phía sông Đáy có bề rộng đáy 90 m, cao trình đáy - 6,3m; phía sông Ninh Cơ có bề rộng đáy 100 m, cao trình đáy - 6,7m); chiều cao tĩnh không thông thuyền là 15m.
Về công trình Âu tàu Nghĩa Hưng, theo quyết định Âu tàu dài 179m; rộng 17m; chiều cao 10,5m; chiều dài hữu dụng 160m; cao trình đáy âu -7.0m; cao trình đỉnh âu +10.5m; kết cấu bê tông cốt thép, tường đứng hình chữ U (BTCT). Hệ thống neo âu tàu là hệ thống neo cố định ba mức nước vận hành, bao gồm 12 cụm neo hai bên, mỗi bên gồm 6 cụm neo. Khu chờ tàu gồm 2 khu, trong đó đầu Âu tàu phía sông Ninh Cơ có 7 trụ neo, 3 cầu bộ hành; đầu Âu tàu phía Sông Đáy có 7 trụ neo, 3 cầu bộ hành.
“Trọng tải phương tiện được phép đi qua âu: đến 3.000 DWT”, quyết định nêu.
Trong quyết định, Bộ trưởng Bộ GTVT giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ luồng đường thủy nội địa Kênh Nghĩa Hưng, Âu tàu Nghĩa Hưng theo quy định tại Nghị định số 08/2021/NĐCP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa và các quy định của pháp luật có liên quan.
Các cơ quan, tổ chức quản lý Nhà nước chuyên ngành về giao thông đường thủy nội địa khác tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền đối với hoạt động giao thông thủy nội địa, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo quy định.
Bộ trưởng Bộ GTVT giao Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định.
Được biết, trước khi có quyết định công bố mở luồng đường thủy nội địa quốc gia trên, cuối tháng trước, ở thời điểm cụm công trình sắp hoàn thiện xây dựng (sau gần 3 năm xây dựng), giữa Bộ GTVT và UBND tỉnh Nam Định đã có các văn bản trao đổi về việc đặt tên công trình, đi đến thống nhất đặt tên công trình Kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ là “Kênh Nghĩa Hưng”; đặt tên Âu tàu trên kênh là “Âu tàu Nghĩa Hưng (tên huyện nơi cụm công trình được xây dựng - PV), với mục tiêu gắn với vị trí địa lý và công năng khai thác sử dụng của công trình.
Trước đó, như Đại Đoàn Kết Online đã thông tin, cụm công trình kênh nối sông Đáy - sông Ninh Cơ, thuộc Dự án Phát triển Giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc bộ (Dự án WB6) được động thổ ngày 19/11/2020, có tổng mức đầu tư 107,19 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới là 78,74 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 28,45 triệu USD.
Dự án WB6 là dự án lớn nhất từ trước đến nay được đầu tư vào hạ tầng đường thủy nội địa ở khu vực phía bắc, được thực hiện trên phạm vi 14 tỉnh, thành phố. Đây là bước đột phá trong cải tạo hệ thống hạ tầng đường thủy nội địa, kết nối vận tải thủy nội địa khu vực với vận tải ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm gánh nặng cho đường bộ. Dự án có tổng mức đầu tư 200 triệu USD, trong đó vốn vay của Ngân hàng thế giới 170 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ 30 triệu USD; đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2016. Nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới sau đó đã ký hiệp định bổ sung vốn cho dự án WB6 để đầu tư cụm công trình kênh nối sông Đáy - sông Ninh Cơ.
"Đây là cụm công trình có ý nghĩa kinh tế, xã hội to lớn đối với sự phát triển kinh tế của các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc bộ, trong đó có tỉnh Nam Định và Ninh Bình; phát huy được hiệu quả cao nhất của cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang, giúp cho tàu có trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Bình, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm gánh nặng cho đường bộ", Bộ GTVT.
Cụm công trình kênh đào được thiết kế để tàu chở hàng trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải lưu thông từ biển, qua cửa Lạch Giang vào sông Ninh Cơ, sang sông Đáy và ngược lại một cách thuận tiện. Công trình được chọn thiết kế, thi công tại vị trí khoảng cách giữa sông Ninh Cơ và sông Đáy ngắn nhất, chỉ khoảng 1 km, thuộc địa bàn xã Nghĩa Sơn và xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Tại đây, một con kênh nối hai dòng sông được đào với chiều rộng khoảng 100 m; ở giữa có một âu tàu bằng bê tông cốt thép (rộng 17 m, dài 179 m). Âu tàu được thiết kế như một “van đóng mở” để ngăn cách 2 con sông vốn có mực nước và độ mặn chênh lệch nhau. Khi có tàu vào, một bên đóng kín, bên còn lại mở cho tới khi mực nước sông cân bằng với bên trong để tàu qua, và ngược lại. Mỗi chu kỳ một tàu qua kéo dài khoảng 15 phút, trong đó 2 phút bơm nước để cân bằng phía trong và ngoài sông.
Do kênh đào chia cắt tỉnh lộ 490 C, chia cắt huyện Nghĩa Hưng nên một cầu vượt qua kênh (dài 777 m) được thiết kế, thi công để nối lại tỉnh lộ trên.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, đây là cụm công trình có ý nghĩa kinh tế, xã hội to lớn đối với sự phát triển kinh tế của các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc bộ, trong đó có tỉnh Nam Định và Ninh Bình; phát huy được hiệu quả cao nhất của cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang (đã hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2016), giúp cho tàu có trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Bình, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm gánh nặng cho đường bộ.