Công dân toàn cầu là cụm từ được Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh trong buổi làm việc mới đây với Bộ Giáo dục và Đào tạo và coi đây như một nhiệm vụ mà ngành giáo dục cần tập trung thời gian tới, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ. Và có thể hiểu, công dân toàn cầu thực chất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế.
Đào tạo nhân lực có trình độ đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa là việc quan trọng hàng đầu.
Đây cũng chính là thông điệp được đề cập khi Chủ tịch nước tiếp Giáo sư Carlos Alberto Torres, Chủ tịch Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu và đồng Chủ tịch Mạng Giáo dục công dân toàn cầu thuộc tổ chức UNESCO hồi cuối năm 2016 mà tại đó Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã cho rằng: Giáo dục công dân toàn cầu là một phần quan trọng giúp Việt Nam có thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để đạt được mục tiêu xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững, có nguồn nhân lực chất lượng cao, theo Chủ tịch nước, đòi hỏi ngành giáo dục và đào tạo phải đổi mới cách tiếp cận giáo dục, phát triển năng lực sáng tạo và kỹ năng khởi nghiệp của người học, nghiên cứu các mô hình đào tạo mới gắn với việc đổi mới và cấu trúc lại chương trình đào tạo trong một số ngành và lĩnh vực để có được đội ngũ “kỹ sư toàn cầu”. Khi mà giờ đây, Việt Nam đã coi việc đào tạo nhân lực có trình độ đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa là việc quan trọng hàng đầu, là một trong ba đột phá chiến lược.
Trên thế giới việc đặt ra vấn đề giáo dục công dân toàn cầu được khởi động từ nhiều năm nay. Cụ thể là năm 2012, Liên Hợp Quốc đã thành lập Chương trình giáo dục công dân toàn cầu dựa trên 3 trụ cột cơ bản: giáo dục cho tất cả mọi người, nâng cao chất lượng giáo dục và giáo dục công dân toàn cầu.
Ở Việt Nam, cũng tại buổi làm việc với Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định Bộ GD-ĐT sẽ xem xét đưa nội dung về giáo dục công dân toàn cầu vào chương trình học.
Theo GS Carlos Alberto Torres, Chương trình giáo dục công dân toàn cầu sẽ đẩy nhanh quá trình hội nhập với thế giới. Nếu đưa mục tiêu này vào chương trình học, công dân Việt Nam sẽ được giáo dục để biết tôn trọng giá trị chung của nhân loại, của các dân tộc khác, năng lực hợp tác với bạn bè quốc tế và tham gia thị trường lao động. Nếu Việt Nam đồng ý, Mạng lưới này sẽ hỗ trợ giáo viên giảng viên kiến thức, kỹ năng để giảng dạy về nội dung công dân toàn cầu gồm cả bậc THPT và ĐH.
Hiện Mạng lưới công dân toàn cầu đã xây dựng bộ câu hỏi với 125 câu hỏi. Người trả lời 80% số câu hỏi này sẽ được nhận chứng chỉ là công dân toàn cầu.
Tuy nhiên, nếu hiểu công dân toàn cầu là hướng tới một nền giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đủ sức hội nhập với quốc tế thì cũng không đơn thuần chỉ là việc đáp ứng được bộ câu hỏi công dân toàn cầu.
Điều cần thiết với chúng ta là đào tạo ra một thế hệ trẻ đủ tầm vóc tư duy và trách nhiệm hành xử đạo đức phù hợp với không chỉ luật pháp và văn hóa Việt Nam, mà hơn thế, cần hành động như công dân toàn cầu. Đây là thách thức trong giáo dục, trong lối sống, trong hành động của thế hệ trẻ ngày nay.
Cũng không thể chỉ coi việc thành thạo ngoại ngữ, am tường công nghệ thông tin hoặc sống ở nhiều quốc gia khác nhau đã là những công dân toàn cầu đúng nghĩa.
Cuộc sống hàng ngày không thể tách rời công nghệ máy tính và tiếng Anh trong quá trình học làm công dân toàn cầu. Nhưng sẽ hoàn toàn không có ý nghĩa nếu một học sinh thành thạo tiếng Anh và máy tính, nhưng lại hành xử thiếu trách nhiệm với đạo đức nhân loại nói chung và đặc biệt là rũ bỏ đạo lý dân tộc, chối bỏ Tổ quốc.
Cho nên có thể nói, đào tạo công dân toàn cầu là một yêu cầu mới, đòi hỏi rất cao về kiến thức, nhưng cũng đồng thời nhân cách của con người cần được đề cao hơn bao giờ hết.
Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tìm cách đưa chương trình công dân toàn cầu vào hệ thống giáo dục. Điều này đang là vấn đề bức thiết, đang là chiến lược phát triển quốc gia.
Nhưng vẫn cần một sự thận trọng để chương trình học đạt tới sự quốc tế hóa ở cả 3 trụ cột cơ bản là đạo đức, tiếng Anh và công nghệ thông tin.
Trong công cuộc đi tới đồng hành cùng nhân loại vẫn phải làm rõ được sự khác biệt và tương đồng trong chương trình học của Việt Nam và quốc tế để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ sức “toàn cầu” mà vẫn giữ gìn được văn hóa, cốt cách dân tộc.
Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) coi nhân tố con người là trọng tâm của xây dựng và phát triển văn hóa, mà văn hóa là nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước. Nói rộng ra, lịch sử phát triển mỗi quốc gia đều cho thấy nhân tố con người quyết định sự thành bại.
Nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra những dẫn chứng cho thấy nhân tố con người quyết định quan trọng đến sự phát triển. Cũng con người ấy trước đây sản xuất không đủ gạo ăn mà sau khoán 10 ruộng đất vẫn vậy mà năng suất thì khác.
Ở đây có vấn đề của động lực phát triển mà nếu chúng ta vào thời điểm này không tìm ra xung lực mới thì sẽ kìm hãm sự phát triển.
Từ thực tế này có thể thấy một sự cần kíp để phải cải cách nền giáo dục, thay đổi phương thức đào tạo để xây dựng được nguồn nhân lực gồm những công dân đạt tới tầm mức “toàn cầu” đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.