Chiều 27/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, với tinh thần quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ngành, các cấp đã chủ động, tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ, linh hoạt, sáng tạo và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng, phát triển đất nước.
Tuy nhiên, theo ông Phớc, trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực Nhà nước thì tổ chức bộ máy một số cơ quan vẫn còn cồng kềnh, nhiều cấp trung gian; kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cải cách hành chính ở một số lĩnh vực còn bất cập, hiệu quả chưa cao; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở một số lĩnh vực; vẫn còn hiện tượng một bộ phận công chức, viên chức có biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà trong xử lý công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, ông Bùi Đặng Dũng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: Công tác cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu, tiến độ đề ra. Hồ sơ, thủ tục hành chính vẫn còn hiện tượng kéo dài thời gian giải quyết. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin để theo dõi, đôn đốc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Số dư kinh phí không còn nhiệm vụ chi của một số đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải từ nguồn phí, lệ phí được để lại lớn (1.222,5 tỷ đồng), gây lãng phí nguồn lực.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, còn có tính hình thức trong việc lập báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Nhất là việc chậm lập chương trình hành động thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Theo đó tháng 1 phải lập nhưng có đơn vị tháng 6 mới ban hành, có tỉnh tháng 9 mới ban hành là quá hình thức. Một số báo cáo không có số liệu, vậy kỷ luật báo cáo không nghiêm và Chính phủ cần phê bình nghiêm khắc những đơn vị trên.
“Khi thẩm tra báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2020 của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp đã chỉ ra những bất cập trong mua sắm trang thiết bị cơ quan Nhà nước. Nguyên nhân được xác định là do chưa kiểm soát hết đấu thầu, chỉ định thầu mua sắm tài sản công. Do đó cần công khai minh bạch vấn đề đấu thầu, chỉ định thầu trong mua sắm tài sản công”, theo bà Nga.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí là chủ trương lớn của Đảng được thể chế trong pháp luật Nhà nước để tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng, và thực hành tiết kiệm chống lãng phí đã được quy định thành luật. Đây là vấn đề lớn trong điều kiện đất nước ta còn nghèo, thiệt hại do lãng phí cũng chả kém tham nhũng, thậm chí còn lớn hơn do đó cần coi trọng vấn đề này.
Theo Chủ tịch Quốc hội trong báo cáo phải nêu rõ địa chỉ, ai tốt phải khen để nhân rộng mô hình, còn ai kém làm sai phải phê bình, kỷ luật. Cần đầu tư hoàn thiện báo cáo, làm cho rõ ràng minh bạch, nhất là trong mua sắm tài sản công, hay trong vấn đề đất đai còn lãng phí như các dự án treo, giao đất không thu tiền, sử dụng sai mục đích.