Phát biểu tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ) mới đây, một lần nữa Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước phát triển phải đóng góp tài chính nhiều hơn để giải quyết bất công do biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển yêu cầu nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới phải hành động thực sự để đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, khi nó không còn dừng lại là vấn đề môi trường mà còn là công lý.
Theo hãng tin Reuters, các nhà lãnh đạo đến từ những quốc đảo nhỏ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì mực nước biển dâng cao nhấn mạnh, đã đến lúc các quốc gia sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhiều nhất - nguyên nhân gây ra tình trạng nhiệt độ tăng cao hãy ngừng "nói suông" về vấn đề này.
Reuters dẫn lời tiến sĩ Cedric Schuster - Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Samoa, đồng thời giữ chức Chủ tịch Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS): “Tôi tự hỏi liệu các quốc gia khác có đang dần rời xa sự đoàn kết và lý tưởng đạo đức cần có để bảo vệ người dân hay không khi mà các nền kinh tế hàng đầu thế giới thuộc nhóm G20, nhóm các quốc gia phát thải hơn 80% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Chúng ta cần tất cả các nước, nhưng đặc biệt là những nước trong nhóm G20, giải quyết vấn đề cắt giảm khí thải và tài trợ cho các hoạt động liên quan đến khí hậu”. Tiến sĩ Cedric nói thêm: “Những người bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu trên thế giới đã quá mệt mỏi với những lời nói suông”.
Trong khi đó, đại diện nhóm các quốc gia phát triển kém nhất, Bộ trưởng Khí hậu và Tài nguyên của Malawi Yusuf Mkungula cũng nhấn mạnh, các quốc gia công nghiệp hóa phải dẫn đầu trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu; không kéo dài thêm sự chênh lệch ngày càng lớn giữa các quốc gia góp phần nhiều nhất vào quá trình Trái đất nóng lên và nhóm các quốc gia phải chịu hậu quả nặng nề; khi mà biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là vấn đề công lý toàn cầu.
Cũng chính vì thế mà Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres lên tiếng yêu cầu các quốc gia phát triển phải chi trả cho những tổn thất và thiệt hại xảy ra ở các quốc gia nghèo hơn, đặc biệt khi họ góp rất ít vào việc khí hậu xấu đi nhưng lại phải chịu đựng những tác động tồi tệ nhất.
Đáng chú ý, Báo cáo “Sức khỏe hành tinh 2024” của Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Postdam (PIK, Đức) cho thấy 7 ranh giới (bao gồm biến đổi khí hậu, axit hóa đại dương, tính toàn vẹn của sinh quyển, sự thay đổi của các dòng chảy sinh địa hóa, sự thay đổi của hệ thống đất đai, nước ngọt và hóa chất tổng hợp) đều đã tệ hơn.
Như vậy, Trái đất đã vượt 7/9 ranh giới an toàn - giới hạn chịu đựng của các hệ thống toàn cầu để Trái đất là nơi sinh sống an toàn của con người. Trong số 9 ranh giới được vạch ra thì chỉ có 2 ranh giới là sự suy giảm ozone tầng bình lưu và ranh giới về lượng khí dung trong không khí được cải thiện nhẹ, hoặc ổn định.
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho rằng nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 3 độ C so với mức trước thời kỳ tiền công nghiệp (nếu tính từ năm 1850 đến năm 1950). Từ đó WMO đã phát đi báo động đỏ trên toàn thế giới khi mà năm nay có thể sẽ là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong 174 năm (thời kỳ bắt đầu thống kê về tình hình thời tiết).
Trong một diễn biến khác liên quan, Viện Tài nguyên thế giới cảnh báo các thành phố sẽ trở nên “không thể chịu nổi” nếu hành tinh tiếp tục ấm lên với tốc độ hiện nay. Điển hình là thành phố Phoenix (bang Arizona, Hoa Kỳ). Ngày 28/9 Văn phòng Khí hậu bang Arizona cho biết, thành phố này đã lập kỷ lục 113 ngày liên tiếp ghi nhận nhiệt độ trên 38 độ C (tính tới ngày 17/9); phá kỉ lục trước đó là 76 ngày ghi nhận vào năm 1993.
Theo Cơ quan Thời tiết Hoa Kỳ (NWS), 5 năm qua, thành phố Phoenix mỗi năm đều trải qua trung bình 40 ngày có mức nhiệt từ 47,8 độ C trở lên, so với mức trung bình hồi đầu thế kỷ là 5 ngày.
Chưa hết, từ dữ liệu vệ tinh nghiên cứu gần 2.000 hồ nước lớn trên khắp hành tinh, giới khoa học cho rằng nhiệt độ tăng đã khiến mực nước các hồ giảm 53% (tính từ năm 1992 đến nay); làm gia tăng nỗi lo về nguy cơ thiếu nước cho nông nghiệp, thủy điện và sinh hoạt hàng ngày của con người.
Báo cáo Thống kê y tế mới công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, vào cuối thế kỷ này trên phạm vi toàn cầu có thể có tới 9 triệu ca tử vong mỗi năm liên quan biến đổi khí hậu. "Tất cả các phương diện liên quan sức khỏe đều bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu: từ nước, đất, không khí sạch cho đến lương thực và sinh kế" - báo cáo nêu rõ đồng thời cảnh báo: Sự chậm trễ trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sẽ làm tăng các rủi ro sức khỏe, phá hoại những tiến bộ hàng chục năm trong y tế toàn cầu, và vi phạm các cam kết chung của các quốc gia.