Thời gian qua, mạng xã hội xuất hiện hàng loạt các CEO mỹ phẩm, thực phẩm chức năng với các chiến lược truyền thông quảng bá rầm rộ. Tuy nhiên, sự thật đằng sau bóng hào quang đó là ma trận sản xuất, gia công sản phẩm phức tạp, thậm chí đánh lừa người tiêu dùng.
Một phòng khám răng sau khi bị thu hồi giấy phép vẫn có thể cho ra mắt sản phẩm nước súc miệng mang tên mình hay một bà nội trợ thần tượng các hot girl kem trộn cũng có thể dễ dàng trở thành bà chủ thương hiệu mỹ phẩm…
Câu chuyện này không mới nhưng vẫn đang tồn tại nhiều bất cập khi mô hình kinh doanh gia công mỹ phẩm ngày càng nở rộ như hiện nay.
Mơ làm giám đốc
Các loại kem trộn có giá từ 80 nghìn/kg, người mua có thể mua về tự sang chiết, đóng gói, dán nhãn mác… rồi tuồn ra thị trường với các nhãn hiệu “độc quyền” hoặc nhái các thương hiệu nổi tiếng. Các sản phẩm kem trộn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn, nguy hiểm cho khách hàng.
Khách có thể đặt mua các loại mỹ phẩm với các công dụng như trắng da, tắm trắng, trị mụn, trị nám… dưới dạng bán sỉ tính bằng kilogam sau đó mua chai lọ tự đóng và in bao bì theo nhu cầu.
Những bịch kem trộn được đóng trong túi nilon sau khi được phù phép có thể trở thành hộp mỹ phẩm cao cấp tuồn ra thị trường. Cách làm này thường có nhiều rủi ro về tính pháp lý.
Hiện nay, mạng xã hội phát triển, trở thành doanh nhân cũng là một trong những trend thịnh hành. Không cần hiểu biết về nhãn hàng, chỉ cần muốn trở thành ceo công ty mỹ phẩm sẽ có ngay đội ngũ hỗ trợ từ A-Z.
Từ một sinh viên vừa ra trường có thể trở thành ông chủ sở hữu nhãn hàng thuốc kích thích mọc tóc. Từ một người nội trợ thích “sống ảo” phút chốc biến thành doanh nhân thành đạt sở hữu thương hiệu kem dưỡng da riêng, có nhà máy sản xuất mỹ phẩm số lượng lớn. Từ một phòng khám răng sau khi bị thu hồi giấy phép cũng cho ra mắt sản phẩm kem đánh răng và nước súc miệng mang tên mình…
Mô hình dịch vụ nhận gia công mỹ phẩm đang thời kỳ nở rộ. Đây là mô hình kinh doanh trong đó đơn vị đặt hàng sẽ yêu cầu các hoạt động như sản xuất mỹ phẩm đối với đơn vị gia công.
Bên gia công sẽ sử dụng nguyên vật liệu được kiểm duyệt nghiêm ngặt cùng hệ thống máy móc sẵn có để hoàn thiện sản phẩm cho đơn vị đặt hàng.
Trong quá trình gia công mỹ phẩm, đơn vị gia công sẽ hỗ trợ khách hàng từ A-Z như: Tư vấn thiết kế bao bì, chiến lược marketing, hỗ trợ các thủ tục pháp lý,… đến dịch vụ thuê người nổi tiếng quảng cáo cho sản phẩm. Đây cũng chính là dịch vụ gia công mỹ phẩm trọn gói.
Vậy cho nên không phải cứ nhìn thấy người nổi tiếng là có thể yên tâm sử dụng.
Khách hàng đặt gia công mỹ phẩm có thể được hỗ trợ đến quay video tại nhà máy, “hô biến” nhà máy thành của riêng để thu hút sự quan tâm của các đại lý, mở kênh phân phối.
Chị Nguyễn Thị Hoài Anh, chủ sở hữu nhãn hiệu mỹ phẩm kem tắm trắng Hoài Anh spa cho rằng, việc quay trực tiếp tại nhà máy là hình thức quảng cáo vô cùng hữu hiệu: “Nhiều người thấy mình sở hữu nhà máy to như thế đều nghĩ rằng mình giàu lên từ kinh doanh mỹ phẩm nên lao vào bán hàng cho mình, thế là mình có thêm kênh phân phối. Mình chỉ cần chọn một dòng sản phẩm ngay lập tức sẽ biến em thành bà chủ. Chỉ cần mình mở được nhiều kênh phân phối là có thể đi chơi mà vẫn có tiền”.
Mới đây, sản phẩm nước súc miệng, kem đánh răng mang thương hiệu Hoàng Hường của phòng khám răng Hoàng Hường (Hà Nội) xuất hiện rầm rộ trên các trang mạng xã hội với hình ảnh một người phụ nữ đứng trong kho hàng, chất trước mặt cả đống tiền chỉ để live stream bán nước súc miệng gây chú ý của cộng đồng mạng.
Theo quảng cáo của Hoàng Hường, nước súc miệng, họng Hoàng Hường được sản xuất bởi công ty TNHH dược phẩm Nasaki Việt Nam có địa chỉ tại lô E8-E9 cụm công nghiệp đa nghề Đông Thọ, xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, được thành lập năm 2016.
Điều đáng nói, trước khi bán nước súc miệng, phòng khám Hoàng Hường từng bị thu hồi giấy phép.
Vỡ mộng làm giàu
Nhìn thấy một người không có chuyên môn nghiệp vụ gì bỗng dưng trở thành ông chủ nhà máy to đùng, sở hữu nhãn hàng riêng, quảng cáo rầm rộ trên mạng… ai mà không mơ ước.
Chị Nguyễn Tường Vân (Đà Nẵng), vì trót hâm mộ một thợ cắt tóc phút chốc thành bà chủ đã mạnh dạn cắm sổ đỏ để lên đơn 1.000 hộp kem trị nám, thành lập công ty phân phối sản phẩm, đầu tư cho giấc mơ trở thành bà chủ.
“Họ bảo tôi buôn mỹ phẩm gia công lãi hơn buôn ma tuý, tiền hàng chỉ bỏ ra khoảng 50 ngàn cho một sản phẩm hoàn chỉnh và có thể dán giá bán bao nhiêu cũng được tuỳ vào mức độ đầu tư cho quảng cáo nên tôi ham lắm. Ngay sau ký hợp đồng gia công 1.000 lọ kem tôi được đưa đến hiệu ảnh chụp bộ ảnh doanh nhân, được hỗ trợ sửa lại Facebook cho đúng phong cách doanh nhân, được đến nhà máy quay cảnh ký hợp đồng với đối tác… tôi bị choáng ngợp. Nhưng sau khi sử dụng hết gói dịch vụ của nhà máy gia công mỹ phẩm, tôi ngồi ôm đống hàng không tiêu thụ được”.
Nhà máy, đôi khi không phải của riêng ai. Hàng trăm, hàng nghìn “ông chủ” đã ghi hình, chụp ảnh ở đó để mang đi quảng cáo và vẫn có thể làm loá mắt những người khao khát “đổi đời”, khao khát nổi tiếng.
Theo tìm hiểu, theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ, từ 1/7/2019, tất cả các cơ sở sản xuất nếu không đạt chuẩn GMP- tiêu chuẩn bắt buộc cho các nhà máy sản xuất: Dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đông dược, thực phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế… nhằm kiểm soát các yếu tố rủi ro, nâng cao chất lượng sản phẩm, sẽ không được tiếp tục sản xuất.
Cũng theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện Việt Nam có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tuy nhiên chỉ khoảng 200 - 300 cơ sở sản xuất đủ điều kiện đạt chuẩn GMP. Việc siết theo tiêu chuẩn GMP, những cơ sở không đủ điều kiện sản xuất sẽ phải đóng cửa.
Vì vậy, để có thể sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…, các đơn vị có nhu cầu phải đặt hàng với đơn vị gia công có đủ tiêu đạt tiêu chuẩn sản xuất GMP, được cấp chứng nhận GMP. Đây cũng là một trong số nguyên nhân khiến gia công mỹ phẩm, thực phẩm chức năng ngày càng thịnh hành hơn như hiện nay.
Và ngược lại đối với những đơn vị không đủ điều kiện sẽ “biến tướng” thành những đơn vị sản xuất hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng không có nhãn mác...
Tuy nhiên, lối ra nào cho các sản phẩm sản xuất theo đơn đặt hàng gia công trên thị trường thì đang là câu hỏi khiến nhiều người quan tâm.
(Còn nữa)