Ngày 29/7, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) về Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo và ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TTTT, chủ trì buổi làm việc.
Phát biểu gợi mở, ông Trần Tuấn Anh nêu rõ, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, trong đó có Bộ TTTT xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH-HĐH) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vào tháng 10 tới.
Ông Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu nêu rõ quan điểm, ý kiến của Bộ TTTT về cách tiếp cận, tư duy mới về mô hình, chính sách CNH-HĐH của Việt Nam trong bối cảnh và điều kiện mới hiện nay và của giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như về vai trò của các doanh nghiệp trong nước đối với nhiệm vụ “Phát triển công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử của Việt Nam trong quá trình CNH-HĐH"... và đề nghị Bộ TTTT, các đại biểu, các doanh nghiệp báo cáo thêm những nội dung mới, then chốt cần đặc biệt lưu ý, liên quan đến lĩnh vực phụ trách cần đưa vào dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về CNH- HĐH trong thời gian tới.
Đại diện lãnh đạo Bộ TTTT, đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, tổ biên tập, các vụ, đơn vị, doanh nghiệp của Bộ TTTT đánh giá cao Dự thảo đề án.
Bộ TTTT cũng đề xuất mục tiêu, chỉ tiêu về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới. Theo đó, Việt Nam đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030, đạt mức thu nhập cao vào năm 2045; Chính phủ số thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu; kinh tế số tỉ trọng kinh tế số trong GDP chiếm 20% vào năm 2025, chiếm 30% vào năm 2030; xã hội số tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 95%; tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng internet băng rộng cáp quang đạt 100%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 80%.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu cũng cũng tập trung vào một số nội dung quan trọng, cụ thể như các ngành công nghiệp nền tảng, ngành, sản phẩm công nghiệp ưu tiên trong thời gian tới; các quan điểm, ý kiến khác của bộ đối với mô hình CNH- HĐH của Việt Nam; những nội dung mới mà Bộ TTTT đã và đang tập trung thực hiện như:Chuyển đổi số quốc gia; phát triển công nghiệp an toàn, an ninh mạng; phát triển các ngành cơ điện tử, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh…
Ở góc độ ứng dụng, ông Nguyễn Viết Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần RikkeiSoft bày tỏ quan tâm việc, cần có một chiến lược đào tạo nguồn nhân lực về chuyển đổi số, công nghệ thông tin; phát triển hạ tầng số, cần có một hệ sinh thái ứng dụng.
Còn ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT thì cho rằng, đào tạo nhân lực ở Việt Nam còn yếu, cần phải có chiến lược, phải đưa vào chủ trương, chính sách Đảng, Nhà nước.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một số ví dụ của các nước trên thế giới về khái niệm, lộ trình thực hiện CNH-HĐH, từ đó đề nghị Ban Chỉ đạo nghiên cứu, chắt lọc để đưa vào chủ trương, chính sách của Việt Nam một cách phù hợp.
Kết luận, ông Trần Tuấn Anh cảm ơn các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn của các đại biểu, nhất là của Bộ TTTT và các DN có liên quan.
Ông khẳng định những nội dung mà các đại biểu đề cập từ yếu tố nguồn nhân lực, sự tự lực, tự cường của các doanh nghiệp đến quan điểm CNH-HĐH trong thời gian tới cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới, dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm.
Trong đó, ông nhấn mạnh, công nghiệp công nghệ số sẽ giữ vai trò là động lực then chốt của quá trình CNH-HĐH trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tuy nhiên, cần chú trọng nâng cao nội lực của nền kinh tế, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao thông qua đẩy mạnh học tập, cải tiến, làm chủ về công nghệ thông tin và truyền thông, cơ điện tử, công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh; chú trọng ưu tiên phát triển lực lượng doanh nghiệp số trong nước lớn mạnh.
Trong giai đoạn tới, để công nghiệp công nghệ số và “make in Việt Nam” trở thành động lực phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo việc làm và góp phần hoàn thành các mục tiêu về CNH-HĐH đặt ra đến năm 2030 và 2045, cần phải có thể chế cho phát triển kinh tế số tốt hơn.
Theo đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Việt Nam cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ, thống nhất từ lý luận đến thực tiễn để huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh cho phát triển kinh tế số, trọng tâm là công nghiệp công nghệ số, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm công nghệ số trên thị trường toàn cầu...
Để lãnh đạo, chỉ đạo thành công quá trình CNH- HĐH, góp phần thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã được Đại hội XIII thông qua, cần thiết phải ban hành một Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về CNH- HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Trần Tuấn Anh cho hay.
Trong quá trình ấy, Bộ TTTT đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thể chế hóa cơ chế, chính sách cũng như tổ chức triển khai thực hiện. Những quan điểm mới, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, kiến nghị phù hợp về chủ trương, chính sách CNH- HĐH đất nước giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Trên cơ sở đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị Bộ TTTT và các bộ, ban ngành Trung ương tiếp tục tập trung nghiên cứu, tham gia trực tiếp vào các hoạt động để xây dựng Đề án bảo đảm chất lượng cao nhất. Đồng thời, ông cũng yêu cầu tổ biên tập làm rõ những nội dung mà các đại biểu đề cập; nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp phù hợp trong quá trình hoàn thiện dự thảo đề án.