Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để phát triển công nghiệp ô tô, song đến nay, doanh nghiệp nội mới chỉ cung ứng được khoảng 14% linh kiện. Trong khi đó tỷ lệ nội địa hoá trung bình của các nước trong khu vực là 65-70%, riêng Thái Lan đạt hơn 80%.
Mới chỉ cung ứng 14% linh kiện
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố danh sách về danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được. Đáng chú ý, tại danh mục linh kiện, phụ tùng xe ô tô có 287 mặt hàng doanh nghiệp (DN) Việt Nam sản xuất được trong khi đó một chiếc ôtô có đến khoảng 30.000 linh kiện. Theo đó, DN nội chỉ mới cung ứng 14% linh kiện. Trong khi đó, xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi tỷ lệ nội địa hoá mục tiêu đề ra là 30 - 40% vào năm 2020, 40 - 45% vào năm 2025 và 50 – 55% vào năm 2030, song đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova. Các số liệu cho thấy, tỷ lệ nội địa hoá thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra.
Điểm đáng lưu ý nữa là, các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ không cao, thâm dụng lao động. DN nội chỉ sản xuất lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc - quy, sản phẩm nhựa…. còn lại thiết bị quan trọng về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn và nhiều hệ thống điện tử trên xe, DN Việt Nam không “chạm” vào được, mà phải nhập khẩu ròng. Hàng năm, Việt Nam chi tiền tỷ để nhập linh kiện ô tô. Số liệu thống kê mới nhất cho biết, tính trong 8 tháng năm 2021 kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng linh kiện và phụ tùng ô tô đạt 3,38 tỷ USD, tăng tới 48,9%, tương ứng tăng 1,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Công Thương, với dòng xe cá nhân, Việt Nam hiện có 10 nhà sản xuất gốc (OEM) tham gia thị trường gồm: Toyota, Honda, Suzuki, Mitsubishi, Ford, Mecerdes Benz, Thaco (Trường Hải), TC Motor, VinFast. Các nhà sản xuất OEM thực hiện lắp ráp trên dây chuyền sản xuất gồm 4 công đoạn chính là: hàn, sơn, lắp ráp và kiểm định. Một số hãng có thêm công đoạn dập thân vỏ xe như , VinFast, Thaco...
Trong chuỗi cung ứng, chỉ có 18 nhà cung cấp phụ tùng ô tô cấp 1 và 58 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3. Một số nhà cung cấp sản xuất cả phụ tùng xe máy lẫn ô tô. Những linh kiện nội địa hóa có giá thành cao gấp 2-3 lần so với Thái Lan và Indonesia.
Giới chuyên gia nhận định, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như chỉ mới tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu; chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi. Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, chưa tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hoá giữa các DN trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.
Công nghiệp hỗ trợ đi sau
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Thành Công Motor, phụ trách khối ô tô của Tập đoàn Thành Công từng nhìn nhận, sản xuất xe ô tô trong nước phải làm sao hạ giá thành nhưng chất lượng nâng cao thì mới cạnh tranh được.
Chia sẻ thông tin với báo giới, đại diện hãng xe Toyota từng nhấn mạnh về việc, giá các linh kiện nội địa tại Việt Nam khá cao. Cụ thể như chiếc nắp bình xăng, bộ phận rất nhỏ trong số 30.000 linh kiện khác nhau của một chiếc ô tô được sản xuất và bán ra ở thị trường Thái Lan chỉ có giá 1,5 USD trong khi tại Việt Nam lên tới 3,8 USD. Sau khi đã tiết giảm tối đa các chi phí, sản phẩm này vẫn có giá 2,5 USD. Vì vậy, các DN lắp rắp ô tô đã lựa chọn phương án nhập khẩu. Chỉ một dẫn chứng nhỏ song có thể lý giải nguyên nhân vì sao ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô Việt Nam vẫn luôn đi sau các nước.
Theo nhận định của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện tại, quy mô thị trường ô tô Việt Nam mới chỉ bằng 1/3 của Thái Lan và 1/4 của Indonesia. Thị trường nhỏ, bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp và nhiều model khác nhau khiến cho các công ty sản xuất (cả sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất linh kiện phụ tùng) rất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt.
Mặt khác, GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua chưa đủ để đa số người dân có thể sở hữu ô tô cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển. Hệ thống giao thông yếu kém cũng làm giảm cầu của thị trường…
Để gỡ điểm nghẽn cho ngành ô tô nước nhà, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 nhóm giải pháp. Một là tập trung tạo dựng thị trường bằng cách: quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng xe ô tô của người dân, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM.
Nhóm giải pháp thứ 2, là tháo gỡ vướng mắc về chênh lệch chi phí sản xuất giữa ô tô trong nước và ô tô nhập khẩu thông qua việc tiếp tục duy trì và triển khai có hiệu quả Chương trình ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng cho hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô và Chương trình ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP để hỗ trợ các DN giảm chi phí lắp ráp ô tô trong nước; khuyến khích các DN nâng cao sản lượng sản xuất.
Theo Bộ Công Thương, với hai nhóm giải pháp này hy vọng sẽ rút ngắn sự chênh lệch giữa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam với các nước trong khu vực.
Các DN ô tô cũng đã kiến nghị xem xét bổ sung sản phẩm ô tô vào danh mục công nghệ cao, khuyến khích sản xuất từ đó mở rộng, phát triển sản phẩm ô tô Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng bản đề án: Giải pháp đón đầu và tận dụng cơ hội từ làn sóng dịch chuyển đầu tư sau đại dịch Covid-19 đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đối với ngành sản xuất ô tô, trình Chính phủ trong thời gian tới. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, DN Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và tăng lên 70% vào năm 2030. Đến năm 2025, có khoảng 1.000 DN và năm 2030 là 2.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho lắp ráp ô tô trên lãnh thổ Việt Nam.
“Công nghiệp phụ trợ nói chung và công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô còn nhiều bất cập, ít DN Việt Nam vào được chuỗi cung ứng sản xuất của các hãng xe của Nhật Bản và Hàn Quốc. Chưa kể Việt Nam là một thị trường nhỏ, công nghệ sản xuất còn nhiều hạn chế nên các DN trong nước hầu như chưa đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về cung ứng linh phụ kiện cho các hãng ô tô toàn cầu. Vì thế trong tương lai, việc đổi mới và hoàn thiện công nghệ là điều cần thiết, bên cạnh đó là thu hút thêm nhiều công ty chuyên sản xuất phụ tùng đầu tư và xây dựng nhà máy tại Việt Nam” - Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.