Phát triển ngành công nghiệp văn hóa là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia với những bước đi cụ thể về tầm nhìn, quyết sách đầu tư, nghệ thuật tuyên truyền, quảng bá, cách thức chinh phục thị trường. Ở Việt Nam hiện nay, việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa đang trở thành một yêu cầu cấp thiết. TP Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành một nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới.
Nghị quyết 09-NQ/TU đặt ra mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó là dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.
Theo đó, đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hoàn thành rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa vào Quy hoạch Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch phân khu 2 bên bờ sông Hồng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch; giữ vững và phát triển thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. Phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của thành phố.
Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội xác định đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển. Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp, với cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Theo NSND Nguyễn Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, hội nhập quốc tế từ lâu đã là xu thế tất yếu không chỉ của nghệ thuật mà là của tất cả các lĩnh vực trong xã hội. Để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, chúng ta cần hiểu rõ những khái niệm, tiêu chuẩn cũng như bản sắc của chính mình để có thể hoà nhập - chứ không hòa tan.
Công nghiệp văn hoá chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn Thủ đô một cách mạnh mẽ, giúp cho nền nghệ thuật Thủ đô nói riêng và nền nghệ thuật Việt Nam nói chung vươn ra mạnh mẽ và toả sáng rực rỡ, góp một sắc màu riêng biệt và tuyệt đẹp trên bản đồ nghệ thuật toàn thế giới.
Công nghiệp văn hóa hiểu bản chất là văn hóa của một quốc gia trở thành một nền công nghiệp theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghệ thuật biểu diễn cần phải được kết hợp cùng công nghệ - khoa học để trở nên đa dạng hơn, phong phú hơn và hấp dẫn hơn. Giống như “một loại hàng hóa” mang tính đặc thù cao, để có thể tạo ra một nền công nghiệp văn hóa vững mạnh cần có sự chuẩn bị ở tất cả các khâu và điều đó rất cần sự chung tay, góp sức của các bộ, ban, ngành có liên quan.
Để có được sự phát triển của nền công nghiệp văn hóa Thủ đô nói riêng và của cả nước nói chung, theo NSND Trung Hiếu rất cần sự đồng bộ và chuyên nghiệp hóa từ cơ sở hạ tầng đến nhân sự. Để có được những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao cần có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại cùng hệ thống trang thiết bị đầy đủ, tiên tiến.
Những ý tưởng sáng tạo sẽ gặp không ít trở ngại nếu không có trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, sân khấu... hiện đại, đáp ứng nhu cầu của ê kíp sáng tạo. Hiện đại hóa cở sở hạ tầng cùng trang thiết bị các đơn vị nghệ thuật trong Thủ đô Hà Nội là điều vô cùng cần thiết.
Một ý tưởng sáng tạo nghệ thuật cần có sự “chắp cánh” của các yếu tố công nghệ hiện đại. Đó là điều không thể phủ nhận. Hơn thế, một không gian thưởng thức nghệ thuật sạch sẽ, khang trang và lịch sự chắc chắn sẽ khiến cho trải nghiệm của khán giả trong mỗi lần đến với nhà hát trở nên tuyệt vời hơn, thú vị hơn và đáng nhớ hơn.
Đó là đích đến, là mục đích cuối cùng của một chuỗi các khâu của nền công nghiệp văn hóa. Đó chính là khán giả. Việc làm khán giả ấn tượng, hài lòng và đam mê nghệ thuật đến từ những chi tiết nhỏ (từ không gian, dịch vụ, nhân sự...) cho đến chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm.
Những tác phẩm điện ảnh, sân khấu của các nước trên thế giới đã khiến khán giả trầm trồ kinh ngạc về chất lượng nghệ thuật, về thẩm mỹ, về sự tân tiến của các kỹ xảo, của các kỹ thuật công nghệ được ứng dụng trong các tác phẩm. Các phim như: “Xác ướp Ai Cập”, “Kingkong”, "Avatar"... hay những tác phẩm sân khấu như: “Lion King”, “O show”... đều khiến khán giả khắp thế giới trầm trồ và kinh ngạc.
Việc ứng dụng công nghệ vào các tác phẩm nghệ thuật trên thế giới vốn đã không còn là mới mẻ, thậm chí đã ở một tầm cao khó với tới. Tuy vậy, định hướng được sự phát triển “không thể khác” của nền công nghiệp văn hóa, chúng ta cần có sự chuẩn bị và đầu tư phù hợp, đúng lúc - đúng chỗ. Sự kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn và khoa học công nghệ chắc chắn sẽ đem đến cho khán giả những trải nghiệm ấn tượng khó quên, kéo khán giả đến với sân khấu, đến với nghệ thuật.
Ở bất cứ một khâu nào trong nền công nghiệp văn hoá thì yếu tố con người luôn là yếu tố quan trọng nhất. Xuất phát từ sự sáng tạo của con người, những giá trị nghệ thuật của tác phẩm được hiện thực hoá, thăng hoa và toả sáng, được đến với khán giả. Nếu không dành sự đầu tư xứng đáng cho nhân sự thì hệ thống cơ sở hạ tầng dù có hiện đại đến mấy cũng không thể có được những tác phẩm nghệ thuật đạt chất lượng nghệ thuật cao.
Công nghiệp văn hóa của Thủ đô là một chặng đường phát triển dài với nhiều công việc phải thực hiện. Nhà hát nói riêng, cũng như các đơn vị nghệ thuật trong Thủ đô cần có một cơ chế phù hợp, một lộ trình chia giai đoạn hợp lý để phát triển lâu dài trong tương lai.
“Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Việc định hướng và đào tạo những thế hệ nhân tài cần có một cái nhìn xa rộng. Không chỉ thế hệ khán giả đã trưởng thành cần có thói quen thưởng thức nghệ thuật, đến với Nhà hát mà từ những thế hệ nhỏ tuổi như mầm non, tiểu học... cũng cần được quan tâm và có kế hoạch lâu dài”, NSND Trung Hiếu chia sẻ.
Ông Hiếu cũng cho rằng, một điểm rất quan trọng, đó là nhận thức theo nghĩa rộng hơn, giáo dục, định hướng nghệ thuật chính là hình thức giáo dục sáng tạo quan trọng cùng với giáo dục khoa học sẽ hình thành hệ sinh thái giáo dục sáng tạo tích cực góp phần thúc đẩy tài năng sáng tạo, nguồn nhân lực sáng tạo trẻ, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô tầm nhìn đến năm 2045, trở thành "Thành phố sáng tạo", thành phố thông minh, xây dựng Hà Nội thành phố kết nối toàn cầu, Hà Nội thực sự trở thành Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Và đó cũng chính là mục đích lớn lao mà công nghiệp văn hóa đem lại.