Công phu 'lăng không kình' của Huỳnh Tuấn Kiệt là gì?

Theo VNE 20/07/2017 17:10

Không chỉ Chưởng môn Nam Huỳnh Đạo, công phu được ví von là "truyền điện" xuất hiện từ lâu trên thế giới và đến bây giờ vẫn gây nhiều tranh cãi.

Võ công của võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt gây nhiều tranh cãi trong giới võ thuật gần đây.

"Đó là một loại sức mạnh không có nguồn lực từ cơ bắp. Người luyện công phu này có thể đánh ngã người khác từ xa mà không cần động thủ", đại diện phái Nam Huỳnh Đạo giải thích về võ công mà chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt sử dụng, được mọi người gọi là "truyền điện". "Trên thế giới, nhiều đại sư cũng tu luyện bí kíp này với tên gọi lăng không kình. Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt mất 45 năm ròng rã mới đạt được nội công tâm pháp như ngày hôm nay".

Lăng không kình, có tên khác là lực vô hình, cho đến giờ vẫn gây nhiều tranh cãi trong giới võ thuật. Trang web lấy tên công phu này, Ling Kong Jing Online, mô tả người tập lăng không kình sử dụng "qi" (khí) trong chiến đấu để đẩy, kéo hoặc vô hiệu hóa đối thủ mà không cần chạm vào người.

Lăng không kình lấy khí công làm căn bản để xây dựng các kỹ năng chiến đấu. Trong cuốn sách nổi tiếng mang tên "Empty Force", tác giả Paul Dong liệt kê Yang Luchan, Gou Yun Shen và Wang Xiangzhai là ba cao thủ nội công hàng đầu của lăng không kình.

Paul Dong cũng nhấn mạnh, nhiều người tự xưng có kỹ năng này trong thời gian gần đây, nhưng lại không có thực lực chiến đấu. Chính bởi điều này, nhiều người cho rằng lăng không kình là trò lừa bịp.

Sifu Charles Dragoo được xem là người có khả năng thi triển lăng không kình.

Một trong số những người được Ling Kong Jing Online cho là có khả năng thi triển công phu đặc biệt này là Sifu Charles Dragoo, người từng học khí công, yoga và thu phát lăng không kình tùy ý. "Sifu Dragoo có thể đẩy và kéo một người về phía sau cũng như phía trước, hoặc di chuyển cánh tay của họ lên xuống như thể đang cầm một con dao", Ling Kong Jing Online mô tả. "Tất cả diễn ra mà không cần bất cứ tiếp xúc vật lý nào".

Một người trực tiếp tham dự vào màn biểu diễn lăng không kình nói trên đã kể lại cảm giác khi "dính đòn" từ Sifu Dragoo rằng: "Có một lực tác động vào tôi. Tôi có thể cảm nhận điều ấy, dù nó không thực sự mạnh mẽ. Tôi nghĩ mình có thể chống lại nó nếu thực sự cố gắng".

Không chỉ riêng "nạn nhân" cảm thấy điều này, mà những người xung quanh cũng đồng ý rằng có một lực nào đó xung quanh họ. Cảm giác này rất giống việc chúng ta cầm hai thỏi nam châm trong hai lòng bàn tay. Lực tương tác (hút hoặc đẩy) giữa các cực nam châm là thứ có thể cảm nhận được, giống như "khí" của lăng không kình.

"Khí" vốn được coi là điều thần bí tồn tại xung quanh con người. Đến thế kỷ 20, thông qua châm cứu, khí công và thái cực quyền, con người mới hiểu rõ hơn về "khí". Theo đó, mỗi thực thể sống đều phát ra một dạng từ trường xung quanh cơ thể. Năng lượng này trong trạng thái bình thường rất khó cảm nhận, nhưng qua tập luyện, con người có thể sử dụng nó.

Khoa học phương Tây đồng ý trên quan điểm rằng cơ thể con người tạo ra một dòng điện sinh học, đồng thời tạo ra từ trường xung quanh cơ thể. Năng lượng sinh học này có thể bị tác động bởi tâm trạng, các hoạt động của não hoặc một người khác lại gần, nhưng không chạm vào.

Chưa có kết luận chính thức về khả năng thực sự của lăng không kình, nhưng Ling Kong Jing Online cho biết môn công phu này có tác dụng phát triển thể chất, tăng độ tập trung và giảm ý chí chiến đấu của người đối diện, nếu họ có ý định tấn công.

Tác dụng cuối được coi là bí truyền của lăng không kình. Nó thường được vận dụng bằng cách thu hút sự chú ý của đối phương, có thể bằng một tiếng hét lớn, khiến đối phương lơ là cảnh giác, rồi uy hiếp tinh thần của họ - một biện pháp giống như thuật thôi miên ở phương Tây.

Nếu được đào tạo đúng cách, trong thời gian lâu dài, người tập lăng không kình có thể kiểm soát được "khí" của bản thân, cũng như tác động tới "khí" của các đối tượng xung quanh. Trong y học, người ta quy những tác động này liên quan tới sóng não. Chẳng hạn, khi bên cạnh người này, bạn thấy tự tin, nhưng lúc ngồi gần người khác, bạn cảm thấy sợ hãi.

Dù vậy, lăng không kình chưa bao giờ được ghi nhận có sức mạnh khủng khiếp giống như trong phim hay truyện chưởng. Ngoài trừ một điều rằng những người tập lăng không kình có thể tác động đến nhau từ xa, khoảng vài mét, như trong cuốn sách mà Paul Dong miêu tả.

Sự bí hiểm của lăng không kình trở thành thách thức với đông đảo võ sư trên thế giới, không riêng gì chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt phái Nam Huỳnh Đạo. Cách đây 10 năm, làng võ Nhật Bản rùm beng chuyện võ sư Ryuken Yanagi, cửu đẳng huyền đai Aikido nói ông có khả năng đánh các võ sinh văng xa, dù chưa hề chạm những người này.

Yanagi tự nhận, đó là bí ẩn mà khoa học chưa giải thích được. Nhưng không lâu sau tuyên bố ấy, võ sĩ MMA, Tsuyoshi Iwakura dễ dàng hạ gục cao thủ Aikido chỉ trong vòng một phút. Điều đáng nói, trong trận chiến liên quan tới thể diện võ sĩ đạo, ông không thể hiện bất cứ công phu đặc biệt nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công phu 'lăng không kình' của Huỳnh Tuấn Kiệt là gì?