Tại buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ GDDT và gần 1 triệu nhà giáo, nhiều giáo viên nêu vấn đề về những khó khăn, nặng nhọc của công việc giáo viên mầm non.
Sáng 15/8, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ gần 1 triệu giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.
Chương trình do Bộ GDĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ GDĐT, kết nối với các tỉnh, thành phố qua 63 điểm cầu của các sở GDĐT.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GDĐT có cuộc gặp gỡ với giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên trong toàn ngành.
Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Hậu Giang, cô Lý Thị Trinh Nguyên, giáo viên Trường Mẫu giáo Hoạ Mi, thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) nêu ý kiến, so với hiện tại, chế độ lương và phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non (GVMN) vẫn còn thấp so với các ngành nghề khác.
Cô Nguyên cho rằng, dù có quy định 40 giờ/tuần nhưng thực tế GVMN làm việc gần như gấp đôi, sáng 6h30 có mặt đến 17h hoặc thậm chí 18h chiều. Trung bình mỗi ngày GVMN làm việc từ 10 đến 12 giờ. Khi về đến nhà các cô khó mà tròn trách nhiệm chăm lo đầy đủ cho gia đình.
Mặt khác công việc của giáo viên mầm non mang tính chất rất đặc thù: vừa nuôi vừa dạy, đảm bảo tất cả các trẻ đều phải phát triển, phải tập trung chú ý, chăm sóc từng cháu, rất áp lực. Giáo viên mầm non cũng gần như là một chuyên gia về dinh dưỡng, chuyên gia về can thiệp sớm, chuyên gia về tư vấn tâm lý,... đóng rất nhiều vai. Ngoài ra, vị trí việc làm của giáo viên mầm non cũng gặp nhiều nguy cơ và rủi ro.
Giáo viên mầm non rất vất vả, nhiều áp lực nhưng với mức ưu đãi 35% theo nghề như hiện nay, cô Nguyên cho rằng, ưu đãi này rất thấp so với công sức các cô bỏ ra, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, nên vừa qua có rất nhiều GVMN không bám trụ được với nghề, bỏ việc hoặc chuyển sang ngành nghề khác.
Do đó, cô Nguyên mong Bộ trưởng tiếp tục quan tâm, tham mưu Chính phủ sớm tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 70% giống như các trường chuyên biệt để thu hút được đội ngũ tham gia GDMN và giúp các cô an tâm công tác.
Cô Dương Thị Thanh Hồng, giáo viên lớp 5 tuổi, Trường mầm non 1 (TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) mong muốn được giữ nguyên tuổi nghỉ hưu (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi), nhất là giáo viên mầm non; đồng thời đề nghị Bộ GDĐT tham mưu Chính phủ có chính sách này hỗ trợ cho đội ngũ nhà giáo được nghỉ hưu nhưng không bị thiệt so với chính sách chung.
Cô giáo Lê Thị Tuyết Hường – công tác tại Trường Mầm non xã Thanh Nưa, một trường thuộc xã biên giới của huyện Điện Biên cũng bày tỏ những băn khoăn, trăn trở về chính sách đối với giáo viên mầm non.
Theo cô Hường, tuy chế độ tiền lương của giáo viên mầm non đã được quan tâm nhưng vẫn còn ở mức thấp, chưa tương xứng với thời gian và công sức mà chúng tôi đang làm, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.
Mặt khác, ở các trường mầm non thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, khoảng cách từ trung tâm đến điểm trường lẻ thường rất xa, có những nơi lên đến gần 50km, giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng nhưng giáo viên dạy ở điểm các trường lẻ chưa có chế độ hỗ trợ đi lại khi về trung tâm trường để tham gia các cuộc họp và sinh hoạt chuyên môn hàng tháng.
Cô Hường cũng cho rằng, đặc thù tính chất công việc của giáo viên mầm non khá nặng nhọc nên độ tuổi nghỉ hưu quy định trên 55 tuổi như hiện nay là chưa thực sự phù hợp.
Tại buổi gặp gỡ gần 1 triệu giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên vào sáng 15/8, Bộ trưởng Bộ GDĐT bày tỏ sự thấu hiểu, chia sẻ với những vất vả, áp lực của GVMN.
Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến GVMN, có nhiều chính sách ưu tiên cùng các phụ cấp ưu đãi, thâm niên, phụ cấp để trợ cấp với giáo viên, đặc biệt các thầy cô ở vùng khó khăn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận, lương của giáo viên mầm non vẫn thấp với mặt bằng chung và chưa tương xứng.
Bộ trưởng cho biết, hiện Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ làm việc với các bộ ngành, trước hết là xem có thể nâng phụ cấp ưu đãi với giáo viên mầm non và các bậc học hay không.
Bộ đã thống nhất tăng 10% phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, 5% với thầy cô tiểu học. Tuy nhiên, vấn đề này cần có sự thống nhất của Bộ Tài chính và Chính phủ thông qua.
Hiện nay, số lượng công chức, viên chức ngành giáo dục lớn, chiếm hơn 70% công chức, viên chức cả nước. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, mỗi chính sách dù nhỏ cũng cần phải tính toán các điều kiện liên quan.
Với trên 6.500 câu hỏi chuyển về bằng nhiều kênh và nhiều con đường khác nhau, trong một buổi, Bộ trưởng cũng không thể trả lời hết được.
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau hôm nay, Bộ sẽ tổ chức và chỉ đạo các vụ, cục tiếp tục phân tích các câu hỏi và có cách trả lời theo các chủ đề và quan trọng hơn là lắng nghe các ý kiến để điểu chỉnh chính sách.