Trang chủ AFF Cup đã chọn cựu tiền đạo Lê Công Vinh vào danh sách những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử AFF Cup.
Ngày 10/1, trang chủ của AFF Cup đã tổ chức được bầu chọn để tìm ra Cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử giải đấu. Đáng chú ý, trong bản danh sách này có tên của cựu danh thủ bóng đá Việt Nam, Lê Công Vinh.
Bình luận về tài năng của Công Vinh, trang chủ của AFF Cup viết: "Công Vinh được đánh giá là một trong số những cầu thủ vĩ đại nhất bóng đá Việt Nam. Thành tích cũng như khoảnh khắc mà cầu thủ này tạo ra vô cùng ngoạn mục. Cựu tiền đạo của đội tuyển Việt Nam đã ghi 15 bàn thắng ở giải đấu và là người có số bàn thắng nhiều thứ ba trong lịch sử.
Đáng chú ý, Công Vinh từng lập hat-trick vào lưới các đối thủ như Campuchia và Lào ở AFF Cup 2004 và 2007. Năm 2008, Công Vinh là người đã ghi bàn thắng ấn định chiến thắng 2-1 trước Thái Lan ở chung kết lượt đi. Sau đó, tới trận lượt về, cựu danh thủ này đã ghi bàn thắng "đáng nhớ nhất trong sự nghiệp" với cú đánh đầu vào lưới Thái Lan ở lượt về, giúp đội tuyển Việt Nam lần đầu vô địch AFF Cup. Có lẽ, trận chung kết năm ấy vẫn được xem là kịch tính nhất trong lịch sử AFF Cup".
Trong bản danh sách này, có hai cầu thủ vẫn còn đang thi đấu là Chanathip Songkrasin và Teerasil Dangda. "Messi Thái" đã cùng với Thái Lan giành 3 chức vô địch AFF Cup vào các năm 2014, 2016 và 2020 (được tổ chức vào năm 2021). Trong khi đó, Teerasil Dangda đã có 2 chức vô địch vào các năm 2016 và 2020.
Về Dangda, họ bình luận: "Cũng như Chanathip Songkrasin, Teerasil Dangda đã đi vào lịch sử AFF Cup khi trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều nhất mọi thời đại với 19 bàn. Cầu thủ này có 4 lần giành giải Vua phá lưới, trong đó giải đấu ấn tượng nhất của Dangda là AFF Cup 2016, khi anh ghi được 6 bàn. Ở tuổi 33, Teerasil Dangda tham dự AFF Cup khi không còn ở đỉnh cao nhưng vẫn có đóng góp quan trọng với những bàn thắng và khả năng liên kết lối chơi".
Hai cầu thủ còn lại nằm trong danh sách này là Noh Alam Shah (Singapore) và Safiq Rahim (Malaysia). Noh Alam Shah từng giúp Singapore giành 2 chức vô địch AFF Cup 2004 và 2007. Bên cạnh đó, anh từng giữ kỷ lục ghi bàn nhiều nhất AFF Cup trong cả thập kỷ (trước khi bị Dangda phá vỡ). Trong khi đó, Safiq Rahim là hạt nhân quan trọng giúp Malaysia giành chức vô địch AFF Cup 2010.