Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Omicron đang dịch chuyển sang khu vực Đông Âu, đồng thời hối thúc các nước đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cùng các biện pháp khác.
Làn sóng dịch chuyển
Trong tuyên bố ngày 16/2, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết, trong hai tuần qua, số ca mắc Covid-19 đã tăng hơn gấp đôi tại 6 quốc gia Đông Âu gồm Armenia, Azerbaijan, Belarus, Gruzia, Nga và Ukraine. Hiện 10 quốc gia khu vực Đông Âu đều đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh một số nước châu Âu, trong đó có Cộng hòa Séc và Ba Lan, đã thông báo khả năng nới lỏng các biện pháp hạn chế ngừa Covid-19 vào tháng tới nếu các ca mắc mới Covid-19 duy trì đà giảm.
Các quốc gia Belarus, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Hungary, Moldova, Ba Lan, Romania, Nga, Slovakia và Ukraine chỉ chiếm 39% tổng dân số của châu Âu. Tuy nhiên, kể từ đầu đại dịch Covid-19 tới nay, số ca tử vong vì Covid-19 của khu vực này chiếm tới một nửa số ca tử vong tại châu Âu. Biến thể Omicron đang gây ra áp lực lớn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của các quốc gia này.
Ở Đông Nam châu Âu, Romania đang ghi nhận số ca mắc mới mỗi ngày cao nhất từ trước tới nay. Bà Adriana Pistol, Giám đốc Trung tâm Giám sát và Kiểm soát các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia của Romania, cảnh báo rằng, quốc gia này có thể ghi nhận mức cao nhất là hơn 25.000 trường hợp mắc mới mỗi ngày.
Romania là quốc gia thành viên có tỷ lệ tiêm chủng thấp thứ hai trong EU, với chỉ 41% dân số đã được tiêm đủ liều. Đáng lo ngại hơn nữa trong số những người từ 65 tuổi trở lên ở Romania hoặc mắc các bệnh mãn tính, khoảng 60% vẫn chưa được tiêm phòng. Trong khi liều vaccine tăng cường được coi là cần thiết để đảm bảo sự bảo vệ đầy đủ trước Omicron, các bác sĩ chuyên khoa lưu ý rằng 3/4 số người được tiêm chủng đầy đủ ở Romania vẫn chưa được tiêm mũi tăng cường.
Nước láng giềng của Romania là Bulgaria cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở EU, với chỉ 28% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Mặc dù đã trải qua một đợt bùng phát dịch vào mùa Thu năm ngoái, gây áp lực rất lớn lên hệ thống y tế, chiến dịch tiêm chủng của nước này vẫn tiếp tục dậm chân tại chỗ.
Trong khi đó, Cộng hòa Séc với dân số 10,7 triệu người là một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron.
WHO cho rằng, các nước trong khu vực này cần duy trì các biện pháp, trong đó có xét nghiệm nhanh và đeo khẩu trang. Theo WHO, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, hơn 165 triệu người đã mắc Covid-19 trên toàn châu Âu. Riêng trong tuần trước, có tới 25.000 người không qua khỏi.
Giám đốc WHO khu vực châu Âu cũng nêu lên thực trạng tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại một số nước trong khu vực này vẫn còn thấp. Cụ thể, chưa tới 40% số người trên 60 tuổi tại Bosnia-Herzegovina, Bulgaria, Kyrgyzstan, Ukraine và Uzbekistan tiêm đủ liều cơ bản. Đây cũng là tỷ lệ số nhân viên y tế tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19 tại Bulgaria, Gruzia và Bắc Macedonia.
Do đó, ông kêu gọi các chính phủ, giới chức y tế, các đối tác liên quan xem xét kỹ lưỡng các lý do ảnh hưởng đến nhu cầu vaccine cũng như việc tiêm vaccine tại khu vực này, đồng thời đưa ra các biện pháp phù hợp nhằm đẩy nhanh tỷ lệ tiêm chủng vaccine.
6 nỗ lực để dỡ bỏ rào cản
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có nhiều biến động khó lường và thế giới có thể không đạt được mục tiêu mà WHO đặt ra là tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 70% dân số tất cả các nước đến tháng 9/2022, Mỹ đã công bố Kế hoạch hành động toàn cầu gồm 6 điểm.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Kế hoạch hành động toàn cầu tập trung vào cái mà cộng đồng quốc tế xác định là những rào cản lớn nhất trong cuộc chiến nhằm chấm dứt đại dịch Covid-19.
Thứ nhất, cần tăng tiếp cận với vaccine và giải quyết các vấn đề về vận chuyển; thứ hai là củng cố chuỗi cung ứng vaccine và các nguồn cung ứng quan trọng khác như kim tiêm, bộ xét nghiệm và thuốc điều trị; thứ ba là giải quyết tình trạng thiếu thông tin dẫn đến do dự tiêm phòng và đẩy lùi những thông tin sai lệch về tiêm phòng; thứ tư là cung cấp thêm hỗ trợ cho các nhân viên y tế; thứ năm là tạo điều kiện tiếp cận với thuốc điều trị và các phương pháp trị liệu; và thứ 6 là củng cố an ninh y tế toàn cầu trong tình trạng khẩn cấp tiếp theo bằng cách đảm bảo nguồn tài chính bền vững để sẵn sàng và ứng phó với đại dịch.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến cấp bộ trưởng về Covid-19, mang tên “Hội nghị Hành động toàn cầu”, ông Blinken chia sẻ, một phân tích gần đây cho thấy 80% dân số đã được tiêm phòng tại các nước có thu nhập cao và trung bình, trong khi con số này chỉ chưa đến 11% ở các nước có thu nhập thấp.
Ông nói: "Tháng trước, WHO cảnh báo rằng gần 90 nước trên thế giới sẽ không thể đạt mục tiêu 70% dân số được tiêm phòng. Điều đó đồng nghĩa với hàng tỷ người vẫn dễ bị tổn thương với Covid-19 với các biến thể mới có thể gây tử vong cao hơn và lan truyền nhanh hơn".
Ông Blinken cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vaccine thông qua cơ chế COVAX. Theo ông, đến nay Mỹ đã chuyển giao hơn 435 triệu liều vaccine an toàn, hiệu quả, miễn phí, không kèm ràng buộc chính trị nào, trong khuôn khổ cam kết tài trợ tổng cộng 1,2 tỷ liều vaccine cho các nước nghèo đến cuối năm nay.
Ông Blinken khẳng định, Mỹ cam kết thực hiện tất cả 6 nỗ lực trên và đóng một "vai trò điều phối hàng đầu trong việc tăng cường khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng và củng cố an ninh y tế toàn cầu".
Cũng trong cuộc họp trực tuyến do ông Blinken chủ trì, Hàn Quốc đã tái khẳng định cam kết hỗ trợ vaccine toàn diện cho các nước đang phát triển tại châu Á.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Choi Jong-moon cho biết, Hàn Quốc sẽ cung cấp "gói hỗ trợ" bao gồm các nguồn cung vaccine, chuỗi bảo quản lạnh, để cải thiện cơ sở hạ tầng chăm sóc y tế cho các nước trên. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng có kế hoạch phối hợp với WTO huấn luyện các nhân viên chăm sóc y tế cho các chương trình liên quan.
Theo ông Kluge, Giám đốc WHO khu vực châu Âu, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron vẫn đang hiện hữu, trong khi biến thể Delta vẫn lây lan mạnh, hiện không phải là thời điểm dỡ bỏ các biện pháp được cho là hiệu quả nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, trong đó có đeo khẩu trang ở không gian kín.