Sức khỏe

Cụ bà 72 tuổi nhiễm trùng huyết từ vết xước nhỏ ở cẳng chân

Thanh Tiến 15/08/2024 17:12

Ngày 15/8, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (tại TP Cần Thơ) cho biết vừa cứu sống thành công cụ bà 72 tuổi bị nhiễm trùng huyết từ viêm mô bào do vết xước nhỏ ở cẳng chân phải. Đây là bệnh gây ra bởi vi khuẩn tụ cầu đa kháng thuốc, tỷ lệ tử vong rất cao.

01-2.jpg
Vết loét mặt ngoài cẳng chân phải của bệnh nhân.

Trước đó, bà N.T.M.T (72 tuổi, ngụ TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) vô tình bị vết xước nhỏ ở cẳng chân phải hơn 10 ngày và sau đó sưng đỏ lan dần toàn bộ cẳng chân. Bệnh nhân sốt ớn lạnh nhiều, đau rất nhiều vùng cẳng chân phải, vết loét mặt ngoài cẳng chân phải bị rỉ mủ.

Gia đình đã đưa bà đi điều trị tại phòng khám tư nhiều ngày, có sử dụng thuốc uống và tiêm (không rõ loại). Cách nhập viện 2 ngày, cụ bà xuất hiện triệu chứng ho ít đàm kèm nặng ngực khó thở tăng dần nên được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long.

Qua thăm khám, đội ngũ bác sĩ đã tiến hành hội chẩn thống nhất với chẩn đoán: Suy hô hấp cấp – Nhiễm khuẩn huyết từ viêm mô bào cẳng chân – Viêm phổi nặng nguy cơ nhiễm khuẩn đa kháng trên cơ địa suy thượng thận mạn, đái tháo đường type 2, suy kiệt.

Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân hết sốt, ăn ngủ được, vùng sưng đỏ ở cẳng chân phải thu hẹp dần. Bệnh nhân được xuất viện theo dõi ngoại trú sau 10 ngày điều trị.

Khuyến cáo đối với người mắc bệnh đái tháo đường

Theo Bác sĩ Lê Trọng Nhân, Khoa Tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, viêm mô tế bào thường do các vi khuẩn gram dương (một loại vi khuẩn thường trú ở da) gây ra, thường diễn tiến khá nhanh gây nhiễm trùng huyết. Trường hợp nặng, vi khuẩn theo dòng máu đi đến các cơ quan trong cơ thể gây suy đa cơ quan.

Trên những cơ địa suy giảm miễn dịch như mắc bệnh đái tháo đường, suy thượng thận mạn, v.v. thường nhiễm những vi khuẩn đa kháng như tụ cầu đa kháng, vi khuẩn gram âm (một loại vi khuẩn thường trú ở da) sinh men kháng thuốc thì tình trạng lâm sàng sẽ càng diễn tiến nhanh và nặng nề hơn. Những trường hợp đó cần được nhận định sớm để sử dụng kháng sinh phù hợp mới cứu sống được người bệnh.

Thông qua ca bệnh nói trên, bác sĩ Nhân khuyến cáo đến người bệnh có những cơ địa đặc biệt như đái tháo đường, sử dụng thuốc giảm đau kéo dài hay suy thượng thận mạn, nếu có các vết thương hay trầy xước trên người dù là nhỏ cũng không nên chủ quan. Khi gặp các triệu chứng vết thương nung mủ, sốt, ăn uống kém hay mệt mỏi toàn thân…, cần đến bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và điều trị sớm tránh biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cụ bà 72 tuổi nhiễm trùng huyết từ vết xước nhỏ ở cẳng chân